Con đường trở thành bác sĩ của Phan Thị Huyền Thương (sinh năm 1988) được nhen nhóm kể từ khi Thương còn là một đứa trẻ, sau mỗi lần theo chân ông ngoại (là bác sĩ ngoại sản) đến bệnh viện. Với sự chăm chỉ, thông minh và sự kiên trì đáng nể, mong muốn được “chữa bệnh cho mọi người” đã lần lượt đưa cô bé Thương năm nào vào lớp chuyên Sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh) và đỗ Đại học Y Hà Nội.
Năm 2012, tốt nghiệp đại học, Thương chính thức trở thành bác sĩ đa khoa với niềm hạnh phúc được đi trên con đường ước mơ của mình.
Thi đậu bác sĩ nội trú, Thương may mắn được thụ hưởng chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, có cơ hội được tuyển đặc cách về làm việc cho các bệnh viện thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội. “Sau khi tìm hiểu, tôi quyết định chọn làm việc tại Bệnh viện Sản Hà Nội vì môi trường làm việc năng động và lãnh đạo bệnh viện giỏi. Từ đó đến nay, tôi chưa một lần hối hận về lựa chọn của mình. Công việc ở đây khiến tôi ngày càng gắn bó, say mê hơn với ngành, mang lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc” – Thương thổ lộ.
12 năm làm việc và cống hiến tại Bệnh viện Sản Hà Nội, Thương luôn nghiêm túc, hết mình, nỗ lực học hỏi để trau dồi chuyên môn. Cùng các đồng nghiệp, Thương đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo tại nhiều hội nghị chuyên ngành trong nước và quốc tế. Dù là bác sĩ trẻ nhưng Thương đã có 10 bài báo được đăng ở các tạp chí chuyên ngành quốc tế, 26 bài báo đăng ở các tạp chí trong nước. Bên cạnh đó, Thương còn là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Quốc gia, Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, hướng dẫn sinh viên và học viên sau đại học hoàn thành luận văn tốt nghiệp, tham gia biên soạn giáo trình… Với khả năng ngoại ngữ của mình, Thương còn tích cực tham gia vào các hoạt động đón tiếp, trao đổi chuyên môn, dịch thuật chuyên ngành với các đoàn chuyên gia nước ngoài đến từ tổ chức Newborns, Viện Karolinska (Thụy Điển), Bệnh viện Necker, Paris…
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, cô bác sĩ người Nghệ với nụ cười rất tươi này còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác của viện. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Thương đã tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch, thuộc tổ truy vết, trực tiếp tư vấn trực tuyến cho các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà… Thương cũng là một trong những cán bộ y tế đầu tiên tham gia điều trị tại cơ sở thu dung và điều trị nội trú thai phụ mắc Covid-19 tại Cơ sở 2 Cảm Hội, trực tiếp tham gia xây dựng quy trình chuyên môn, quy trình quản lý thai phụ nhiễm Covid-19, điều trị thành công cho gần 1.500 thai phụ mà không để xảy ra tử vong mẹ. Những quy trình này sau đó được tập huấn lại cho hệ thống sản phụ khoa thành phố Hà Nội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Phía sau những thành tích đáng ngưỡng mộ của Phan Thị Huyền Thương là rất nhiều nỗ lực và sự chăm chỉ. “Trong quá trình học tập, công tác không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. Đã có những thời điểm tôi cảm thấy dường như bản thân không thể vượt qua những khó khăn, một trong số đó là khi tôi ôn thi đầu vào nghiên cứu sinh của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2018. Lúc đó, tôi mới đi làm lại sau khi nghỉ sinh, bé đầu được 27 tháng, bé sau được 6 tháng. Ngày đi làm, tối về tôi lo cơm nước rồi cho bé 6 tháng tuổi ngủ lúc 19 giờ, bé 27 tháng ngủ lúc 21giờ, rồi 2 vợ chồng ngồi học tiếng Anh để ôn thi IELTS từ 22 giờ đến 24 giờ, rồi còn phải chuẩn bị đề cương để thi đầu vào nữa. Vừa đi làm, chăm sóc con nhỏ, đi học, viết đề tài… đầu tôi lúc nào cũng căng thẳng, nhiều lần muốn bỏ cuộc. Chính sự động viên, hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình đã giúp tôi lần lượt vượt qua những nấc thang trong sự nghiệp”.
Thương hiện là Phó khoa Phụ nội tiết Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cũng là Tiến sĩ Sản khoa trẻ nhất Việt Nam.
Cô Tiến sĩ xứ Nghệ Phan Thị Huyền Thương trau dồi nghề nghiệp, y đức, nỗ lực cống hiến và đam mê đúng như câu nói của Bác: “Một trí tuệ sáng, trái tim hồng, tâm hồn sáng, bàn tay làm việc chăm chỉ và bàn chân vững vàng”.
Hơn 10 năm công tác trong ngành Y, Thương tin rằng, lắng nghe và tôn trọng bệnh nhân không chỉ giúp tạo ra một môi trường giao tiếp tốt mà còn giúp hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và nhu cầu của họ. Thương xem mỗi bệnh nhân như một người bạn, người thân, người “thầy” thực tế lâm sàng, luôn tôn trọng và lắng nghe mọi vấn đề của họ. Sự lắng nghe không chỉ giúp Thương có được sự tin yêu của người bệnh mà còn góp phần giúp Thương vững vàng hơn trong chuyên môn.
Trong rất nhiều chuyện nghề đáng nhớ, Thương ấn tượng sâu sắc với chuyện cứu sống 3 mẹ con trong giai đoạn đại dịch Covid-19, khi tham gia điều trị tại cơ sở của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Thương kể: “Lúc đó, tôi cùng ekip tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiếp nhận một sản phụ mang song thai 29 tuần được cấp cứu trong tình trạng nhiễm Covid-19 thể nguy kịch. Hai vợ chồng mong con đã 10 năm, tình trạng sản phụ ngày một xấu được chuyển đến bệnh viện chúng tôi. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh, sản phụ đột ngột ngừng tim. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, điều kiện chăm sóc và trang thiết bị không được đầy đủ, chúng tôi và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thành công cứu sống 3 mẹ con một cách ngoạn mục. Đó là một trải nghiệm đầy áp lực nhưng thành quả đạt được rất là xứng đáng”.
Vai trò công việc hiện tại của Thương chuyên quản lý các thai phụ nguy cơ cao, bệnh lý nặng nên thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều chuyện vui, cũng có nhiều chuyện buồn.
“Đáng nhớ nhất là trường hợp một cặp vợ chồng hiếm muộn quê Nghệ An. Luôn đau đáu mong một đứa con, suốt 10 năm trời, hai vợ chồng đã đi rất nhiều nơi, dùng nhiều phương pháp, làm IVF 3 lần đều thất bại. Lần này, họ may mắn có thai tự nhiên và mang song thai. Tin vui đến chưa được bao lâu thì phát hiện thai mắc hội chứng truyền máu song thai. Ở hoàn cảnh của họ, đây như lưỡi hái tử thần đổ xuống gia đình. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hai vợ chồng đã liên hệ với tôi qua Facebook và ra Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để thăm khám và điều trị. Thời điểm đó, bệnh nhân đã mắc hội chứng truyền máu song thai giai đoạn 3 – thai 16 tuần, 1 thai tiên lượng xấu nên phải phẫu thuật laser cấp cứu đông mạch máu dây rốn 1 thai, ưu tiên giữ 1 thai sống khỏe mạnh. Phẫu thuật thành công, chúng tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo cho những thai kỳ tiếp theo. Sau phẫu thuật, sản phụ lại xuất hiện tình trạng tiền sản giật và dọa sảy thai. Cả ekip cùng khoa Sản bệnh lại tiếp tục điều trị, theo dõi thai. Kết thúc hành trình thấp thỏm, nâng niu đó, ở tuần thứ 35, sản phụ đã sinh một bé trai kháu khỉnh trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình và tiếng thở phào nhẹ nhõm của toàn bộ ekip. Tôi và đồng nghiệp vẫn thường trêu nhau rằng, trung tâm toàn ôm bom nổ chậm, cứ phải cán đích thành công mới yên tâm được” – Thương chia sẻ.
Trong mạch chuyện của mình, Thương trải lòng: “Lĩnh vực y tế luôn có những ca bệnh khó và phức tạp nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến việc “đầu hàng” hay từ bỏ bệnh nhân. Tôi tin rằng, khi có ước mơ, có nhiệt huyết, có phấn đấu chúng ta sẽ có những thành quả xứng đáng”. Để cùng lúc đảm nhận công việc tại viện, xây dựng phòng khám riêng với nhiều chương trình thiện nguyện và “tròn vai” làm mẹ, làm vợ trong gia đình của mình, Thương có những nguyên tắc riêng cho mình. Đó là luôn xác định rõ nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên cao nhất để hoàn thành trước; sử dụng phương pháp chia nhỏ công việc trong từng khoảng thời gian giới hạn; biết chăm sóc bản thân với lịch sinh hoạt lành mạnh.
Lập nghiệp trên đất Thủ đô, nữ bác sĩ Phan Thị Huyền Thương vẫn luôn đau đáu mong muốn được đóng góp sức mình, dù nhỏ bé, cho ngành Y tế của quê hương Nghệ An. “Sắp tới tôi sẽ tiếp tục học tập, trau dồi chuyên môn để phát triển hơn trong những lĩnh vực chuyên sâu của sản phụ khoa để có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, mang lại dịch vụ khám, chữa bệnh sản phụ khoa tốt nhất cho người dân. Rất có thể tôi sẽ thực hiện một số dự án liên kết cùng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nhằm đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho nền y tế quê hương” – Thương tâm sự.