Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sâu sắc thêm quan hệ láng giềng, hữu nghị

Đào Tuấn 03/11/2022 07:43

(Baonghean.vn) - Chiếm trọn truyền thông trong nước và quốc tế những ngày vừa qua là hình ảnh đón tiếp trọng thị, những cái bắt tay nồng ấm của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được đón tiếp với những nghi thức cao nhất.

Nâng tầm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ ngày 30/10 đến 1/11, nhưng trước chuyến thăm, báo chí Trung Quốc đã đặc biệt dành nhiều trang, thời lượng để thông tin, phản ánh cũng như phân tích về mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước.

Điều khiến dư luận quốc tế hết sức chú ý, đó là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời sang thăm Bắc Kinh sau khi kết thúc Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cách đây 5 năm, ngày 12/11/2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa cũng chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để thực hiện chuyến công du sau khi kết thúc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX.

Những điều này đã cho thấy, Trung Quốc đặc biệt coi trọng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam; xem Việt Nam không chỉ là đối tác tin cậy mà còn là người bạn, người đồng chí trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng luôn dành sự tôn trọng cao nhất đối với Bắc Kinh, qua đó không ngừng làm đầy đặn thêm, thắm thiết thêm mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sân bay quốc tế Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam - Trung Quốc tự ngàn xưa đã sông liền sông, núi liền núi. Hai nước có chung đường biên giới trên bộ dài 1.449,566 km. Trong các giai đoạn phát triển, nước ta luôn giữ mối quan hệ hoà hiếu, lân bang với Trung Hoa - một trong những quốc gia có nền văn minh phát triển sớm và rực rỡ nhất của lịch sử nhân loại. Với đường lối ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, trải qua nhiều thế kỷ, Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí với người bạn lớn Trung Hoa, luôn đặt nền hoà bình, ổn định, độc lập lên hàng đầu trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Truyền thống đó được tiếp nối trong thế kỷ XX với sự vun đắp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Và nay là mối quan hệ gần gũi, tin cậy giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc ngày càng được làm sâu sắc thêm bởi hai nước có sự tương đồng về văn hoá, chính trị, cùng xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Phát triển trường phái “ngoại giao cây tre”

Trong bối cảnh thế giới xảy ra nhiều biến động và phức tạp, nhiều thách thức, rủi ro khó dự báo thì việc lựa chọn đường lối đối ngoại có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển, vững mạnh của quốc gia, dân tộc. Quan điểm xuyên suốt trong đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Việt Nam đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư gọi là trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

“Điều này nói lên nền ngoại giao thấm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là mềm mại khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt” - Tổng Bí thư nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12/2021.

Bằng quan điểm và đường lối ngoại giao đúng đắn, Việt Nam ngày càng có được vị thế quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam luôn tôn trọng và duy trì các mối quan hệ hợp tác tin cậy với Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản… Việt Nam cũng tham gia phần lớn các tổ chức đa phương quốc tế dưới vai trò dẫn dắt của Liên hợp quốc. Điều này chứng minh cho trường phái “ngoại giao cây tre” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết.

Đối với hai quốc gia láng giềng Việt Nam và Trung Quốc, bất cứ sự thay đổi nào của hai nước đều có sự tác động cả hai bên. Chúng ta rất hiểu rõ người bạn lớn của mình và ngược lại, bạn cũng rất hiểu đất nước chúng ta. Chính vì vậy, việc không ngừng làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ thúc đẩy mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Thực tế cũng cho thấy, trên lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới. Kim ngạch hai chiều 9 tháng đầu năm 2022 đạt 132,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

9 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng thứ 4/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký cấp mới đạt 1,5 tỷ USD; lũy kế đến tháng 9/2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 22,438 tỷ USD.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, chiều 31/10. Ảnh: TTXVN

“Láng giềng tốt, bạn bè tốt”

Trở lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có người cho rằng, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chọn nhà lãnh đạo Việt Nam để “xông đất” sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Hoa là tín hiệu rất đáng mừng cho mối quan hệ hai nước. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng với những cái ôm thắm thiết, bắt tay nồng ấm đã cho thấy điều đó.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra rất nhiều nội dung, luận điểm quan trọng. Trong đó có đoạn: “Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại…”.

Liên quan đến các vấn đề trên Biển Đông, Tuyên bố nêu: “Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất. Hai bên sẵn sàng tiếp tục tích cực triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; tích cực trao đổi về đi sâu, mở rộng hợp tác trên biển tại Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các văn kiện hợp tác hai nước đã được ký kết. Ảnh: TTXVN

Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển”.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sâu sắc thêm quan hệ láng giềng, hữu nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO