Chuyện thắp sáng miền quê ở Cao Sơn
(Baonghean) - Câu chuyện của tôi về xã Cao Sơn bắt đầu từ những ngày cuối tháng 11/2018. Khi đó, trong một lần tình cờ, tôi được nghe vị Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh – Đại tá Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ về tâm nguyện của cử tri xã Cao Sơn khi ông có buổi tiếp xúc tại đây...
Cách trung tâm huyện Anh Sơn khoảng 20 km về phía Đông, lâu nay xã Cao Sơn được biết đến là thủ phủ của cây chè Gay thương phẩm. Mặc dù vậy, giống cây ưa địa hình đồi núi này chưa bao giờ giúp cho đời sống của người dân Cao Sơn vững lên. Cao Sơn vẫn là xã khó khăn của huyện Anh Sơn và mảnh đất này được mệnh danh là “vùng lõm” của địa phương. Nhưng đó đã là chuyện của mấy năm về trước. Giờ đây Cao Sơn đã đổi khác lắm rồi.
Những điều mắt thấy tai nghe
... Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, ông đã nhiều lần tiếp xúc cử tri, trực tiếp gặp gỡ rất nhiều người dân nhưng lần đầu tiên tại xã Cao Sơn, cử tri một mực đề nghị đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp giúp họ “giữ” cho được Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Vĩnh. Bà con lo sợ vị chủ tịch xã “bị trên điều về” thì dân Cao Sơn mất nhờ.
Tôi nắm lấy những trải lòng của vị Đại tá - Giám đốc Công an tỉnh để ngược đường tìm về xã Cao Sơn trong một ngày đầu năm 2019.
Tôi không vội vào xã ngay mà lang thang hết làng trên, xóm dưới để nghe chuyện. Ghé vào quán nhỏ nằm trên trục đường thôn 4. Lúc này dưới mái hắt của hiên nhà có 3 người đàn ông đang chuyện trò rôm rả bên những bát nước chè xanh khói tỏa mơ tan. Thấy khách lạ, cả 3 gần như đồng thanh chào: “Chú! Chú! Chú!”. Chuyện của họ đang xoay quanh việc đóng góp xây dựng làng, xóm. Một trong ba người đang khoe với hai người còn lại tấm giấy khen mà mình mới đi nhận trên xã về.
Ông Trần Hữu Lợi 'khoe' Giấy khen vì thành tích hiến đất xây dựng công trình phúc lợi xã hội. Ảnh: Đào Tuấn |
Đó là Giấy khen dành cho ông Trần Hữu Lợi, thôn 4vì đã có thành tích trong phong trào “Thắp sáng miền quê”, tự nguyện hiến đất xây dựng đền Cây Đa Bàn Thờ. Thấy tôi đưa máy ảnh xin chụp, người đàn ông tên Lợi, có vóc người nhỏ, da đen vội đưa bàn tay màu nâu đất quả quyết: “Chú ơi dân cả xã hiến cả chớ có phải “chắc” nhà tui mô. Có 3 xe bò cây keo với vài trăm mét vuông đất đồi, dân họ cười tui chú ơi!”.
Đây là sự ghi nhận của địa phương đối với các gia đình tham gia phong trào Thắp sáng miền quê của xã Cao Sơn. Ảnh: Đào Tuấn |
Khi nghe tôi nói rằng xã Cao Sơn thời gian gần đây có nhiều đổi thay, những người đàn ông dường như bị bắt trúng mạch, họ thay nhau chia sẻ chuyện làng, chuyện xã. Đó là từ hai năm nay xã Cao Sơn không còn bị ngập úng nữa, nhiều tuyến đường chính đã được rải nhựa, đổ bê tông, những đoạn vùng sâu xa quá cũng đã được rải đá cấp phối. Đặc biệt, trước đây vào mùa mưa xã Cao Sơn thường bị chia cắt, cô lập vì cây cầu tràn Cửa Đền (còn gọi là đền Nhà Bà) chìm trong nước lũ thì nay một cây cầu mới đã được xây dựng, giúp dân thoát những rủi ro khi đi lại.
“Cây cầu Húng hàng chục năm xuống cấp, là nguyên nhân gây chết 2-3 mạng người, nhưng nay đã được sửa sang, lắp lan can, hàn thành cầu, mọi người đi lại an toàn” - ông Nguyễn Văn Thư, người dân thôn 4 cho biết. Ông Thư tỏ ra rất xúc động: “Chú biết ai đã làm được những việc mà hàng chục năm trước không ai làm không? Thầy Vĩnh! Ngay ngày đầu tiên thầy Vĩnh về xã, thầy đi hết 10 thôn. Đứng trên cầu Húng, thầy gọi ngay thợ đến làm lan can. Là tiền túi của thầy đó. Có rứa mà mấy đời không ai nghĩ hộ cho bà con”.
Thi công nâng cấp đường ở xã Cao Sơn. Ảnh: Đào Tuấn |
Lúc này trong quán có thêm mấy người mới tìm đến. Ông Nguyễn Công Hồng người thôn 3, ông Trần Hữu Chín thôn 3 đều vun vào câu chuyện. “Buổi đêm chú đến đây mà coi, các cụm ngã ba, ngã tư và các tuyến đường chính đều đã được lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Đó là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình “Thắp sáng miền quê” do xã khởi xướng. Giải tỏa hành lang làm đường, thầy Vĩnh nói buổi sáng là buổi chiều dân rầm rầm tự nguyện tháo dỡ tường rào, chặt cây. Thầy Vĩnh còn cung cấp giống cây phượng, lát hoa, xà cừ cho các thôn trồng dọc đường để tương lai con cháu có thêm bóng mát. Trường mầm non bao nhiêu năm xuống cấp, thầy Vĩnh về là học sinh có trường mới. Biết là tiền của dân đóng góp cả, nhưng nếu lãnh đạo không có cái tâm, cái tầm thì dân răng nghe. Mấy tiền “bầy tui” cũng đóng. Mất tiền mà sướng trong người” – ông Nguyễn Công Hồng hào hứng nói.
Công đầu thuộc tập thể
Tôi mang theo những điều mắt thấy, tai nghe khi đến trụ sở xã Cao Sơn. Gặp Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Vĩnh, ông khẳng định ngay: “Những đổi thay ở xã là nhờ vào sự quan tâm của Thường trực, BTV Huyện ủy, UBND huyện và sự giúp đỡ của tỉnh và các cấp các ngành, đặc biệt là tư duy đổi mới của bà con. Xin đừng đưa tôi vào kết quả đó. Tôi chỉ là một nhà giáo được phân công làm quản lý xã một thời gian thôi !”. Nghe vị chủ tịch xã thuộc tuýp cũ người, da sạm đen, lối nói chậm rãi, chân phương trải lòng tôi biết ông không muốn nói gì về mình.
Từ cương vị Trưởng Phòng Giáo dục huyện Anh Sơn, năm 2017 ông Nguyễn Đức Vĩnh đề xuất nguyện vọng được về xã Cao Sơn cùng tham gia gánh vác việc làng, việc xã với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Như chia sẻ của người dân, ngay ngày đầu nhận nhiệm vụ ở xã Cao Sơn ông đi một mạch hết 10 thôn. Đi để xem cái hình hài của mảnh đất Cao Sơn nhưng lại được mệnh danh là vùng lõm như thế nào.
Xã Cao Sơn có tổng diện tích tự nhiên 3.151,8 ha, 1.535 hộ với 5.221 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo hơn 10%, thuộc địa bàn khó khăn nhất huyện. Một thời gian dài cơ sở hạ tầng ít được đầu tư, nâng cấp; trường học nhất là trường mầm non là đơn vị có cơ sở yếu nhất huyện. Hệ thống đường giao thông nôn thôn với 147 tuyến, tổng chiều dài lên đến 172,2 km và chủ yếu là đường đất. Nhiều tuyến giao thông đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Sau khi khảo sát kỹ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tân Chủ tịch UBND xã Cao Sơn Nguyễn Đức Vĩnh tham mưu, đề xuất Ban chấp hành Đảng bộ xã phân tích tình hình và ban hành Nghị quyết số 35-NQ/ĐU về thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và những năm tiếp theo. Nhờ vậy, cả xã Cao Sơn như trở thành một đại công trình, nơi thì san ủi, đào đắp đất đá làm đường, nơi cải tạo, nâng cấp cầu. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật gấp rút lên kế hoạch chi tiết để thi công, sửa chữa. Nguồn kinh phí ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành có sự đóng góp không nhỏ từ nội lực nhân dân thông qua chủ trương xã hội hóa. “Lãnh đạo xã đã bắt trúng cái mạch của mình, làm đúng cái dân mong mỏi nhiều năm nên phải đóng góp mấy cũng không tiếc” -ông Đặng Ích Cửu thôn 1, xã Cao Sơn nói.
Các công nhân xây dựng công trình phụ trợ của Trường Mầm non xã Cao Sơn. Ảnh: Đào Tuấn |
“Quan trọng nhất không phải là làm được những công trình gì mà điều có ý nghĩa hơn là tạo dựng lại niềm tin cho nhân dân. Đây là yếu tố cốt lõi” - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn Nguyễn Đức Vĩnh khẳng định.
Và một trong những hoạt động tạo dựng niềm tin cho nhân dân của xã Cao Sơn chính là giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Chỉ tính từ cuối năm 2017 đến nay, với vai trò “đứng mũi chịu sào”, ông Nguyễn Đức Vĩnh đã giải quyết được 23/25 đơn thư, trong đó có những mâu thuẫn kéo dài hàng chục năm. Bên cạnh đó, với quan điểm: ở đâu có dân ở đó có đường, hơn 170 km đường giao thông xã Cao Sơn khu vực chính, thuận lợi đã được rải nhựa, bê tông, những vùng sâu, đoạn lầy lội đã được đổ đá nâng cốt. Năm 2018 xã làm được 4km đường nhựa, hiện tại đang tiếp tục thi công 6km.
Có một "hội nghị Diên Hồng" ở Cao Sơn
Để lan tỏa sức mạnh trong nhân dân và vực dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, một “Hội nghị Diên Hồng” đã được xã Cao Sơn tổ chức. Đó là Hội thảo Đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương với sự tham gia của cán bộ cốt cán của xã, người cao tuổi, cán bộ hưu trí, “đại cử tri” các thôn. Hội nghị đã vận dụng trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết của toàn xã để nêu ra 18 vấn đề cần giải quyết. Đó là những nội dung về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đáp ứng tình hình mới; nâng cao công tác cải cách hành chính phục vụ lợi ích nhân dân; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, thương mại dịch vụ; chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, quản lý đất đai,...
Công nhân thi công các hạng mục của Trường Mầm non xã Cao Sơn. Ảnh: Đào Tuấn |
Toàn xã không còn cầu khỉ, cầu tạm, thay vào đó 6 cây cầu vững vàng đã được đầu tư, nâng cấp; trường mầm non cũng được đầu tư xây mới với giá trị 12 tỷ đồng. Đặc biệt là sau khi chương trình Thắp sáng miền quê được phát động, hàng loạt nội dung sát sườn với đời sống, sinh hoạt của bà con được thực hiện khiến nhân dân nức lòng. Từ hệ thống đèn thắp sáng trải dài dọc theo 100km đường, cho đến việc cấp, bảo tồn 5 ngôi đền đều được nhân dân tích cực đóng góp để thực hiện. Xã Cao Sơn là địa bàn thuần nông, nhưng người dân chưa có tư duy mới trong sản xuất rau màu. Xã đã đứng ra thực hiện thí điểm thực hiện 5 sào rau sạch. Qua đó vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, diện tích đất đai để trồng rau an toàn. “Đến nay toàn xã có hơn 90% hộ dân đã có vườn rau trong vườn nhà. Đây là biểu hiện rõ nhất của đổi mới tư duy trong nhân dân.
“Để phong trào thi đua trở thành hoạt động cách mạng của quần chúng, phương châm của Đảng ủy, UBND xã là lấy đại đoàn kết đóng vai trò động lực, lấy thôn/xóm làm “pháo đài”, lấy hộ gia đình là chủ thể, lấy lãnh đạo thôn và cán bộ xã làm tiên phong, lấy huy động nguồn lực từ nhân dân và con em xa quê là cơ bản. Tất cả là sức mạnh của tập thể và quần chúng...”