Thể thao

Chuyện V-League 2024/2025 và sóng ở đáy bảng

Phú Châu 05/12/2024 16:55

Khi Đội tuyển Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho ASEAN Cup 2024 sẽ diễn ra từ tháng 12 này, giới chuyên môn và truyền thông trong nước vẫn không thể quên những chuyển động dù nhỏ ở các đội bóng V-League, nhất là nhóm tạm xếp cuối như Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An hay Hải Phòng.

Câu chuyện mới nhất là Đà Nẵng vừa “cho đi cả cụm” gồm chủ tịch CLB, giám đốc kỹ thuật và huấn luyện viên trưởng, để thế vào đó là người “mới mà cũ” là ông Phan Thanh Hùng, bên cạnh vị huấn luyện viên ngoại từng thành công với U17 Hà Nội và U17 Việt Nam, Cristiano Roland, tức là những nhân vật thuộc “hệ sinh thái” của bầu Hiển được tăng cường cho Đà Nẵng lúc khó khăn.

bna_a_th3392-1-40c9da9883c91ad34d045143e8d63a18-530712a01e5b30073a1dd6bd5bf3fde5.jpg
Vương Văn Huy sẽ thi đấu tốt hơn khi quay trở lại cánh phải sở trường. Ảnh tư liệu: Xuân Thủy

Ai cũng biết ông Phan Thanh Hùng, sau thành công vang dội thời bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng, từng tiếp tục thành công với bóng đá Hà Nội thời bầu Hiển, nhưng sau đó gặp khó với Quảng Ninh, về lại Đà Nẵng và chịu cảnh xuống hạng cùng đội bóng quê hương mùa giải 2023. Người thay thế là ông Trương Việt Hoàng đã rất xuất sắc đưa đội bóng này trở lại V-League và lại có 9 vòng đấu bết bát mà lý do bắt nguồn từ lực lượng nội quá non yếu, ngoại binh “lởm”… Để rồi người ta lại “xoay tua” đến lượt ông Hùng và Roland, dù có đổi vai chút ít nhưng công việc chắc chắn là vẫn như cũ mà thôi.

Nhìn sang đội bóng miền Trung cùng gặp khó như nhau là Sông Lam Nghệ An, mọi việc cũng “như hình với bóng”. Huấn luyện viên Anh Tuấn thế chân Phan Như Thuật và giúp đội bóng trụ hạng thành công mùa giải trước. Đã có người đặt câu hỏi liệu Anh Tuấn “trụ” được bao lâu ở ghế huấn luyện viên trưởng khi đội bóng vẫn vào mùa giải với cách thức đầu tư cũ, vẫn sử dụng lực lượng trẻ non kinh nghiệm và ngoại binh trung bình yếu như lâu nay? Thực tế không cần đến 9 vòng đấu như ông Trương Việt Hoàng mà người ta đã phải vời lại Phan Như Thuật từ 2 vòng trước đó.

Trong khi kỹ thuật có điểm “tương đồng” như trên thì trong đội hình 2 đội cũng có những điểm tương tự theo hướng… nhạt nhòa. Đó là một loạt nhân tố trẻ tiềm năng của Đà Nẵng từng được gọi lên U23 Việt Nam như Phi Hoàng, Đình Duy, Duy Cương… hay của Sông Lam Nghệ An từng thi đấu cho U23, U19, U17 Việt Nam như Xuân Tiến, Văn Cường, Nam Hải, Quang Vinh, Nguyên Hoàng, Long Vũ…đều thi đấu khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu khi phải đối đầu với các đàn anh kinh nghiệm, các ngoại binh khủng. Khi đồng đội, trước hết là các ngoại binh cùn mằn thì sức ép đè lên vai các nhân tố trẻ càng nặng nề hơn. Quá trình thi đấu chỉ hòa và thua với số lần để thủng lưới nhiều nhất giải đấu thì việc tìm kiếm một trận thắng ngày càng khó khăn hơn, nếu không nói là vô vọng, mịt mờ…?

anh-1-1-.jpg
Sông Lam Nghệ An (áo vàng) đang thi đấu bết bát tại V.League 2024/2025. Ảnh: VPF

2 tháng trong quãng nghỉ dành cho ASEAN Cup được coi là cơ hội để các đội bóng gặp khó như Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An tìm kiếm thay thế, bổ sung lực lượng, bên cạnh việc “thay tướng đổi vận”, tạo ra không khí mới trong tập luyện và thi đấu. Cả Đà Nẵng và Sông Lam Nghệ An đều làm việc dễ trước là thay đổi ban huấn luyện, dù nơi trước, nơi sau và thực chất vẫn là “đổi mới bằng người cũ”.

Còn với tình hình lực lượng, chắc chắn phải đến hết vòng 11 mới được công bố theo quy định nhưng việc bổ sung, thay thế là điều bắt buộc. Các đội bóng thuộc “hệ sinh thái” bầu Hiển hẳn không thiếu nguồn lực nội và ngoại binh để luân chuyển nội bộ như lâu nay? Khó chăng là Sông Lam Nghệ An với nguồn lực hạn chế, hy vọng có được một cầu thủ mới (mà cũ) khả dĩ như tiền vệ tổ chức chẳng hạn, cũng đã là tốt so với… không chuyển động gì? Ngay cả ngoại binh chơi không đạt như Zaracho, có thể vẫn được sử dụng ở vị trí mới có khả năng phù hợp hơn, dù ai cũng thừa biết anh này từng xuất trận ở vị trí trung vệ lệch trái rồi nhận thẻ đỏ ngay tức thì, từng chơi trung tâm mà khung thành nhà nhà vẫn báo động liên tục, nhiều khi băng lên nhưng chẳng thấy đường chuyền nào sáng nước…

Người ta thường ví “sóng ở đáy sông” tức sóng ngầm là khó lường, ôm chứa sức mạnh khi dâng cao. Nhưng “sóng” ở đáy bảng V-League như lâu nay thì nhẹ hều, thoảng qua, chuyển qua, chuyển lại cho có mà thôi. Để rồi, khi V-League trở lại, ai mà dám chắc những đội bóng nói trên sẽ tạo ra sức bật mới, nếu tình hình lực lượng vẫn chỉ là “có gì dùng nấy” “tới hay lui cũng chừng ấy” với chất lượng non yếu như 9 vòng đấu đã qua mà thôi./.

Mới nhất

x
Chuyện V-League 2024/2025 và sóng ở đáy bảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO