Chuyện về những lá cờ đặc biệt

“Đây là cờ mặt trận phòng không” – Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoàn – Trợ lý trưng bày Bảo tàng Quân khu IV giới thiệu về bộ sưu tập cờ chỉ huy. Hơn 20 lá cờ là hơn 20 chứng tích về những trận chiến thắng bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại trên địa bàn Quân khu IV giai đoạn 1964-1972. Đây cũng là giai đoạn máy bay Mỹ ném bom ác liệt nhất khi mặt trận phòng không Quân khu IV đồng thời phải làm 2 nhiệm vụ quan trọng, đó là vừa bảo vệ hệ thống giao thông vận tải, vừa bảo vệ những chuyến hàng vào Nam. Trong trận chiến bảo vệ bầu trời, lá cờ chính là vật bất ly thân được người chỉ huy sử dụng làm hiệu lệnh. Anh em pháo binh còn gọi đây là “cờ vẫy”…

Những chiếc lá cờ chỉ huy được sử dụng trong các trận chiến đấu bảo vệ phòng không không quân.
Những chiếc lá cờ chỉ huy được sử dụng trong các trận chiến đấu bảo vệ phòng không không quân.

Theo quy định, những lá cờ hiệu lệnh phải là màu đỏ và có hình tam giác. Sau này, dưới “mưa bom, bão đạn”, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn nên những lá cờ theo đúng hiệu lệnh có thời điểm không cung cấp kịp, phải sử dụng lá cờ cũ bị bom đạn xé nát. Để đảm bảo thông suốt lệnh chỉ huy, bộ đội pháo phòng không đã tự chế cờ hiệu lệnh theo phương thức “có áo dùng vải áo, có khăn dùng vải khăn”, đôi khi là chiếc khăn mặt, khi lại là chiếc áo may ô… Điều này cũng lý giải vì sao dù là cờ chỉ huy, nhưng có cái lại hình vuông, có cái hình tam giác, màu sắc không đồng nhất, không đúng quy chuẩn.

Dù có sự khác biệt về hình dáng, màu sắc, nhưng có một điểm chung của những lá cờ hiệu lệnh đang trưng bày ở Bảo tàng Quân khu IV đều là những lá cờ báo tin vui, thể hiện chiến công của bộ đội pháo phòng không. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoàn kể: Sau mỗi trận đánh, mỗi lần bắn rơi máy bay, những lá cờ lại được chiến sĩ giữ lại gửi về các đơn vị tuyến trên, gửi về Bảo tàng Quân khu IV để báo công. Trong số này, có lá cờ nhuộm “thắm máu đào” bởi khi chuyển về tay đơn vị thì người chỉ huy đã hy sinh. Đó là lá cờ được may thủ công, bằng vải phin, đã rách viền nhưng vẫn nổi bật dòng chữ được viết bằng máu trên nền vải xanh: “Quyết tâm phải trả bằng máu”! Di vật ấy là của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng, người con của quê hương Nam Định đã hy sinh trong khi bảo vệ vùng trời Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong trận chiến sinh tử ngày 10/7/1966.

Những lá cờ chỉ huy ở Bảo tàng Quân khu IV.
Những lá cờ chỉ huy ở Bảo tàng Quân khu IV.

Hôm ấy, tốp máy bay phản lực của đế quốc Mỹ khoảng 10 chiếc thay nhau bắn phá dữ dội cầu Hoàng Mai. Đỗ Lương Bằng lúc này là Trung đội Phó thuộc Sư đoàn 341 – đoàn Sông Lam, đã chỉ huy đồng đội chiến đấu bắn trả quyết liệt. Trong quá trình chỉ huy khẩu đội chiến đấu, anh đã bị mảnh bom xé nát chân trái. Mặc dù bị thương nặng, mất nhiều máu, nhưng anh vẫn kiên cường bám trận địa, cùng đồng đội chiến đấu đến cùng và bắn cháy chiếc máy bay đi đầu. Những dòng chữ mà liệt sĩ Đỗ Lương Bằng để lại cũng là quyết tâm thư anh gửi đồng đội trước khi hy sinh, thể hiện khí phách, lòng dũng cảm và quyết tâm chiến đấu với kẻ thù.

Lá cờ đặc biệt nhất trong số những lá cờ nói trên có hình vuông, phía trên thêu rõ dòng chữ “17/5/1967. 1900”. Trong hồ sơ của lá cờ này ghi, đây là lá cờ của đồng chí Thông, thuộc Đại đội 22, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 222. Ngày 17/5/1967, anh đã dùng lá cờ này để chỉ huy đơn vị bắn rơi 1 máy bay F8U tại cầu Om, huyện Đô Lương. Đây cũng là chiếc máy bay thứ 1.900 bị rơi ở miền Bắc và con số ghi trên lá cờ cũng là thành tích của lực lượng pháo phòng không ghi lại để mừng thọ Bác Hồ tròn 77 tuổi.

Dòng chữ ghi trên lá cờ vẫy, đánh dấu ngày bán rơi chiếc máy bay thứ 1900 ở miền Bắc; Một lá cờ thưởng đơn vị đã chiến đấu anh dũng hạ máy bay.
Dòng chữ ghi trên lá cờ vẫy, đánh dấu ngày bán rơi chiếc máy bay thứ 1900 ở miền Bắc; Một lá cờ thưởng đơn vị đã chiến đấu anh dũng hạ máy bay.

Trong tổng số hàng nghìn hiện vật đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quân khu IV, có khá nhiều hiện vật là các lá cờ. Mỗi lá cờ “kể” một câu chuyện riêng, trong đó, có những lá cờ ghi dấu những chiến công, lá cờ giải phóng và lá cờ của tình đoàn kết, hữu nghị. Từng lá cờ được bảo vệ và gìn giữ qua nhiều năm, cho thấy được sức sống trường tồn, sự bất diệt và cả sự quyết tâm bảo vệ màu cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Có những thời điểm, lá cờ còn là động lực, niềm tin quyết thắng để những người lính vượt qua lao tù, gian khổ hy sinh chờ ngày toàn thắng.

Các học sinh đang tìm hiểu những lá cờ được lưu giữ ở Bảo tàng Quân khu IV.
Các học sinh đang tìm hiểu những lá cờ được lưu giữ ở Bảo tàng Quân khu IV.

Tháng 3/1973, tại bờ sông Thạch Hãn, đồng chí Hoàng Văn Cờ, một người lính vừa được thả từ Nhà tù Biên Hòa của kẻ thù, đã trực tiếp trao lại lá cờ cho Ban Tiếp nhận tù binh giải phóng. Sau đó, lá cờ cùng nhiều hiện vật khác được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu IV. Lá cờ mang màu đỏ loang lổ, cùng hình ảnh sao vàng 5 cánh có thể xem là chiến công của ông và hơn 400 đồng đội của mình trong 4 năm các ông bị giam cầm trong ngục tù.

Lá cờ được làm từ vải xô do tù binh ta lấy được từ vỏ bao đựng bột mì khi lao động tại nhà bếp, sao vàng do các tù binh nữ khâu bằng tay từ 3 mảnh vải áo lót. Để nhuộm màu cho lá cờ, các chiến sĩ bị giam cầm đã phải dùng đến nhiều cách khác nhau như dùng thuốc đỏ, máu từ vết thương; sao vàng được nhuộm bằng thuốc chống phù nề. Sau khi được hoàn thành, lá cờ được sử dụng lần đầu tiên tại Lễ Kỷ niệm 1 năm ngày mất của Bác Hồ… Năm 1973, sau khi biết được thông tin mình sẽ được trao trả, đồng chí Hoàng Văn Cờ đã giấu lá cờ bằng cách lấy đá rạch vào đùi mình cho chảy máu rồi cuộn tròn lá cờ quanh chỗ vết thương để lọt qua sự khám xét của kẻ thù…

Lá cờ thắm máu đào do các cựu tù ở nhà tù Biên Hòa cất giữ.
Lá cờ thắm máu đào do các cựu tù ở nhà tù Biên Hòa cất giữ.

Có 1 lá cờ với dòng chữ “Giữ vững tuyến đầu”, cho đến nay đã tròn 60 tuổi. Đó là lá cờ do Thiếu tá Triệu Minh – quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 giao cho Đại đội 1 vào ngày 28/3/1963, trước khi nhận nhiệm vụ phòng thủ trên đảo Mắt. Lá cờ được trao gửi với niềm tin về lòng dũng cảm, sự quyết tâm của các chiến sĩ của Đại đội 1 với bất cứ giá nào cũng giữ đảo đến cùng, bảo vệ nhân dân đánh cá trên biển cùng tuyến giao thông vận tải đường thủy.

Cờ giải phóng cắm trên chốt ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Cờ giải phóng cắm trên chốt ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, để khích lệ, động viên quân và dân ta hăng hái thi đua chiến đấu, phục vụ chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra hình thức tặng cờ thi đua cho những tập thể đạt thành tích cao trong các chiến dịch. Một lá cờ thi đua nay còn lưu giữ được là phần thưởng cho đội dân công hỏa tuyến huyện Yên Thành đã vượt qua mọi thử thách, khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển hơn 7 tấn lương thực, vũ khí, kịp thời phục vụ bộ đội trong Chiến dịch Tây Bắc. Lá cờ được tặng tại Hội nghị Bình công sau chiến dịch, trên lá cờ mang dòng chữ “Danh dự, giải thưởng Hồ Chủ Tịch năm 1952”…

Những lá cờ với những câu chuyện cũng là sử liệu “kể” lại một giai đoạn chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất đỗi anh dũng của quân đội ta. Để rồi qua đó, lớp lớp người Việt Nam lại thêm trân trọng, yêu quý và tự hào về biểu tượng cờ đỏ sao vàng thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Những tài liệu về các hiện vật là các lá cờ được cán bộ Bảo tàng Quân khu IV lưu giữ cẩn thận.
Những tài liệu về các hiện vật là các lá cờ được cán bộ Bảo tàng Quân khu IV lưu giữ cẩn thận.