Xã hội

Chuyện về “rái cá” bản Lìm

Khánh Ly 12/02/2025 15:23

Về bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu hỏi thăm ông Hà Văn Thanh, cán bộ và dân bản đều bày tỏ tình cảm yêu mến, cảm phục đối với người nhiều lần cứu người thoát khỏi “tử thần” trong mưa lũ và tích cực tham gia công tác hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tại địa phương. Do có năng khiếu bơi lội bẩm sinh, lặn giỏi, có thể nín thở lâu và tinh thần dũng cảm, ông Thanh được bà con đặt cho biệt danh “rái cá” bản Lìm.

TIEU DE CHUNG
TIEU DE CHUNG

Về bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu hỏi thăm, cán bộ và dân bản đều bày tỏ tình cảm yêu mến, cảm phục đối với ông Hà Văn Thanh (SN 1975) - "rái cá" của bản, đã nhiều lần cứu người thoát khỏi “tử thần” trong mưa lũ và tích cực tham gia công tác hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tại địa phương.

Tit phu 1

Ông Thanh có vẻ ngoài chất phác, thân thiện, thân hình cao ráo, rắn chắc cùng nước da ngăm đen. Gặp, trò chuyện, ông kể sinh ra và lớn lên ở bản Lìm (bản nay có 208 hộ, 1.200 khẩu, 100% người dân tộc Thái,), có Khe Lìm nước trong vắt hiền hòa vào mùa khô, hung dữ vào mùa mưa chảy qua.

Cầu tràn bản Lìm chỉ mưa hai tiếng là ngập.
Cầu tràn bản Lìm, xã Châu Phong. Ảnh: KL

Thuở nhỏ, ông Thanh đã theo chúng bạn ra khe tắm, theo bố mẹ đi bắt tôm cá, thả lưới trên khe cộng với năng khiếu bẩm sinh, do vậy, ông đã rèn luyện được khả năng bơi lội giỏi, nín thở lâu, lặn sâu. Do có năng khiếu bơi lội bẩm sinh, lặn giỏi, lại dũng cảm, ông Thanh được bà con đặt cho biệt danh “rái cá” bản Lìm. Nhờ khả năng đó, “rái cá” bản Lìm đã nhiều lần hỗ trợ, cứu hộ người dân gặp sự cố khi di chuyển qua cầu tràn lúc mưa lũ.

nuoc-lu-ve-nhieu-cau-tran-da-bat-dau-ngap-nuoc-rat-nguy-hiem-den-nguoi-dan-luu-thong-o-nhung-diem-nay.-trong-anh-la-cau-ban-lim-xa-chau-phong-quy-chau.-anh-be-vinh(1).jpg
Chỉ cần mưa lớn tầm hai tiếng, cầu tràn bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu đã có nguy cơ bị ngập. Ảnh tư liệu: Bé Vinh

Cầu tràn bản Lìm nằm trên Tỉnh lộ 544 được xây dựng bởi hai mục đích, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước nhanh vào mùa mưa lũ, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên khi mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về thì đây lại là cái bẫy nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua đây.

Ông Lữ Văn Tương - Trưởng bản Lìm xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu.
Ông Lữ Văn Tương - Trưởng bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Ảnh: KL

Theo chia sẻ của Trưởng bản Lìm Lữ Văn Tương: cầu thấp quá, võng xuống khe nên cứ mưa lớn khoảng hai tiếng là ngập băng, nhanh cũng phải chừng 1 - 1,5 tiếng nước mới rút còn khi mưa bão kéo dài có khi ngập sâu hơn 5m và kéo dài cả tuần. Mỗi lần như vậy người dân bản Lìm, bản Lầu, bản Tằm (xã Châu Phong) và một số bản thuộc xã Châu Hoàn phải đi vòng qua xã Diên Lãm để ra thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Riêng 10 hộ bản Lìm nằm giữa hai cầu tràn thường bị cô lập.

Mùa mưa, nước lớn, Ban quản lý bản Lìm thường cắm sào cảnh báo nhưng một số người dân, chủ yếu ở bản khác vẫn chủ quan băng qua. Trong bản, nhiều người biết bơi nhưng không mấy người bơi giỏi, nín thở được lâu và dũng cảm, quyết đoán như ông Thanh. Khi có sự cố, mọi người sợ không dám bơi ra, nhưng ông Thanh thì sẵn sàng ứng cứu người trong những tình huống hiểm nghèo. Ông còn là 1 trong 6 thành viên tích cực của Tổ bảo vệ an ninh cơ sở, Tổ cứu hộ cứu nạn của bản Lìm. Tinh thần làm việc nghĩa của ông đã lan tỏa điều tử tế trong cộng đồng.

Ấy thế nhưng, khi được hỏi về những lần cứu người bị nạn, ông Hà Văn Thanh chỉ thuật lại ngắn gọn, khiêm nhường.

Ông Hà Văn Thanh chia sẻ về những lần cứu hộ cứu nạn.
Ông Hà Văn Thanh chia sẻ về những lần cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: KL

Thấy người gặp nguy hiểm, mình hỗ trợ, giúp đỡ theo bản năng, không nghĩ gì nhiều thậm chí còn không hỏi tên tuổi...”.

Vừa nói, ông vừa dẫn khách băng đường tắt ra tới khu vực cầu tràn thuộc địa phận bản Lìm chỉ tay về phía xa và chia sẻ rằng, bình thường nước khe chảy róc rách, có vẻ yên bình nhưng mùa mưa thì dòng nước chảy xiết cuồn cuộn dâng lên rất nhanh, đôi khi không kịp trở tay.

Khi chưa có cầu tràn bằng xi măng, mùa khô người dân chủ yếu lội qua, mưa gió thì chặt nứa dùng làm bè qua. “Cầu tràn cũng mới được xây dựng khoảng năm 2000 thôi, tôi nhớ vì cầu được khởi công xây dựng vào đúng ngày đám cưới em trai tôi. Từ khi cầu được xây dựng người dân đi lại thuận tiện hơn nhưng khi mưa gió cầu bị ngập nhanh, mặc dù có cảnh báo nhưng vẫn có một số người dân nơi khác qua lại và gặp sự cố. Nhà tôi ở gần khu vực cầu, như có linh tính và phản xạ tự nhiên, cứ nghe tiếng kêu cứu là băng đường tắt qua đồi chạy ra ứng cứu thôi, vì mạng sống mỗi người đều vô cùng đáng quý. Những người không may gặp nạn cũng giống như chúng ta, đều mong muốn được sống” - ông Thanh bộc bạch.

ong-ha-van-thanh-gioi-thieu-ve-loi-tat-qua-doi-ong-thuong-su-dung-moi-khi-can-cuu-ho-o-khu-vuc-cau-tran(1).jpg
Ông Hà Văn Thanh giới thiệu về lối tắt qua đồi ông thường sử dụng mỗi khi cần cứu hộ ở khu vực cầu tràn. Ảnh: KL

Nhiều lần cứu người trong lúc nguy cấp, nhưng “rái cá” bản Lìm không cho rằng đó là việc lớn lao. Với ông đây chỉ đơn giản là làm điều mình có thể, trong khả năng của bản thân. Dẫu cho khi cứu người, đôi lúc chính ông cũng phải đối diện với hiểm nguy, nhưng ông tâm sự chưa bao giờ thấy chần chừ và mảy may suy nghĩ rằng mình sẽ được đền đáp.

Còn nhớ khoảng năm 2022, trời mưa lớn, đang ngồi trong nhà thì ông Thanh nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh, liền băng đường tắt chạy vụt ra thì thấy một thanh niên đang ôm một cái cây chới với giữa dòng nước, hai bên đầu cầu rất đông người đứng xôn xao nhưng không ai dám nhảy xuống cứu vì nước lớn quá. Trước đó, anh thanh niên này tìm cách qua suối nhưng bị nước cuốn nên chỉ kịp bám vào cây để kêu cứu.

chi-mua-hai-tieng-la-cau-tran-ban-lim-da-ngap-3-.jpg
Cầu tràn bản Lìm ngập khi mưa lũ về gây khó khăn cho người dân trong lưu thông. Ảnh: CSCC

Rất nhanh, ông Thanh chạy vội về nhà xách một cái can 20 lít rồi ôm can bơi ra, vật lộn với dòng nước chảy xiết tìm cách dìu người thanh niên kia vào bờ. Khi ông nhảy xuống dòng nước lũ, vợ ông là chị Quàng Thị Liên và các con không dám can ngăn, chỉ đứng trên bờ hốt hoảng, lo lắng, kêu khóc.

Khoảng hơn 10 phút vật lộn với dòng nước lũ, chảy xiết ông cũng đưa được người thanh niên kia lên bờ. Chỉ khoảng 5 phút sau thì cây đổ và bị nước cuốn phăng, ai cũng nói người thanh niên đó quá may mắn vì đã được ông Thanh đưa vào bờ kịp thời.

Mỗi khi nghe tiếng kêu cứu ông Hà Văn Thanh thường dùng lối tắt băng qua đồi nhanh chóng tiếp cận hiện trường.
Mỗi khi nghe tiếng kêu cứu ông Hà Văn Thanh thường dùng lối tắt băng qua đồi nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Ảnh: KL

Sau vài lần như vậy, vợ ông Thanh cũng dần quen, tin tưởng vào khả năng của chồng, bình tĩnh để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của ông khi cứu người trong những tình huống ngặt nghèo. Ông Thanh nói, ông tin vào khả năng và phán đoán của mình.

Như lần trời mưa lớn, nước bắt đầu ngập tràn, có hai vợ chồng đi viện về, dìu nhau dắt xe qua cầu lúc sẩm tối, đi đến giữa cầu thì nước vây xiết xung quanh, có nguy cơ trôi cả người và xe. Nghe tiếng kêu cứu, ông Thanh chạy từ nhà băng ra ứng cứu, con trai ông cũng ra hỗ trợ bố đưa người và xe vào bờ an toàn.

“Khi đã lên bờ, họ vừa lạnh vừa run, nói cảm ơn mãi, anh chồng còn biếu tiền nhưng tôi không lấy, với tôi cứu được người an toàn là cảm giác vui vẻ và hạnh phúc, nhẹ nhõm lắm rồi…”.

Khu vực khe suối sát cầu tràn bản Lìm bình thường có vẻ hiền hoà nhưng mưa lũ về nước cuồn cuộn chảy xiết
Khu vực khe suối sát cầu tràn bản Lìm bình thường có vẻ hiền hoà nhưng mưa lũ về nước cuồn cuộn chảy xiết. Ảnh: KL

Chia sẻ về kinh nghiệm cứu người có nguy cơ bị đuối nước trên khe suối, nhất là trong mưa bão, theo “rái cá” bản Lìm thì đòi hỏi phải có thể lực, sức khoẻ tốt, đặc biệt kỹ năng bơi lội giỏi và khả năng phán đoán tình huống để lựa thời cơ thích hợp, bởi có nhiều trường hợp, liều mình cứu người đuối nước không đúng cách, đã khiến cả nạn nhân lẫn người cứu cùng thiệt mạng thương tâm.

Bên cạnh niềm vui khi cứu được người, ông Thanh cũng có những giây phút đau lòng khi tham gia cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm trục vớt người bị đuối nước. Như trong năm 2024, có trường hợp em học sinh cấp 3 tên là V.B.K nghỉ cuối tuần đi câu bị đuối nước ở khe suối gần khu vực bản Lìm.

Lãnh đạo bản Lìm và xã Châu Phong chia sẻ về ông Hà Văn Thanh. Clip: KL

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của xã đã triển khai tìm kiếm trong hai tiếng nhưng chưa có kết quả, sau đó ông Thanh đến tham gia lặn ở độ sâu khoảng 5m trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã tìm thấy thi thể em K.

“Tôi có thể nín thở trong vòng 1 phút, cứ lặn xuống rồi ngoi lên, không có trang thiết bị bảo hộ nào chỉ dựa vào khả năng bơi lội, phán đoán và sự cẩn trọng của mình thôi, nhưng khi ngụp lặn dưới khe sâu trong lòng tôi thầm quyết tâm phải tìm thấy cháu và may mắn sau đó đã tìm được, gia đình cháu có đến tận nhà để bày tỏ lòng biết ơn, thương lắm...”.

cau-tran-ban-lim-o-khu-vuc-vong-trung-duoi-khe-nen-rat-de-ngap-khi-mua-lon3(1).jpg
Ông Hà Văn Thanh ( thứ 2 trái sang) vui vẻ trò chuyện với cán bộ bản Lìm và lãnh đạo xã Châu Phong. Ảnh: KL

Sống gần khe suối nên ông Thanh thường nhắc nhở con cái và lũ trẻ trong bản ý thức cảnh giác, đảm bảo an toàn, các con ông (một trai, một gái) đều được bố dạy bơi và biết bơi từ nhỏ. Mùa mưa lũ, "rái cá" bản Lìm thường cảnh báo người đi đường lưu ý an toàn khi đi qua khu vực cầu tràn hoặc sẵn sàng hỗ trợ nếu ai cần giúp đỡ…

Trong câu chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà sàn ấm cúng, ông Thanh bày tỏ, ông chỉ là một người dân bình dị mưu sinh bằng nghề trồng keo, chặt, vác keo thuê và những việc làm của ông chỉ là việc nhỏ, xuất phát từ tâm chứ không có gì to tát, lớn lao. Ấy thế nhưng, nhiều người lại cho rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” như ông Hà Văn Thanh để lan tỏa những việc làm tử tế, điều tử tế trong cộng đồng…

Ông Hà Văn Thanh (thứ 2, trái sang) là một trong những thành viên tích cực của tổ cứu hộ cứu nạn bản Lìm, xã Châu Phong.
Ông Hà Văn Thanh (thứ 2, trái sang) là một trong những thành viên tích cực của Tổ cứu hộ, cứu nạn bản Lìm, xã Châu Phong. Ảnh: KL
Tit phu 2

Tinh thần dũng cảm và những việc làm tử tế , xả thân vì người khác của ông Hà Văn Thanh đã được ông Sầm Văn Lân - Bí thư Đảng uỷ xã Châu Phong nêu gương trên Facebook cá nhân. Chỉ vài dòng giới thiệu ngắn ngủi về “người bơi lội giỏi, đã cứu được nhiều người khỏi đuối nước, tham gia tìm kiếm cứu nạn, luôn có mặt đúng lúc hỗ trợ các gia đình nạn nhân...” đủ phác họa chân dung một con người bình thường nhưng không tầm thường.

Nhiều người bày tỏ sự cảm phục về nghĩa cử của ông Thanh và gửi lời chúc “công dân mẫu mực, dũng cảm” luôn mạnh khoẻ, gặp nhiều may mắn.

Lãnh đạo xã Châu Phong.
Lãnh đạo xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) trao Giấy khen về đóng góp trong công tác cứu hộ, cứu nạn cho ông Hà Văn Thanh. Ảnh: CSCC

Ông Vi Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong - người trực tiếp đưa chúng tôi xuống gặp “rái cá” bản Lìm cũng chia sẻ: Châu Phong có hai cầu tràn nằm trên Tỉnh lộ 544, ở bản Lìm có khoảng 10 hộ ở giữa khu vực hai cầu này, cứ mưa lớn nước ngập là bị cô lập. Hiện tại, cầu Vai Chón (giáp giữa bản Lìm và bản Mới) đã được thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, còn lại cầu tràn bản Lìm đang rất khó khăn, cứ mưa khoảng 2 tiếng là ngập, phương tiện xe cộ qua lại rất nguy hiểm. Ngoài cắm biển cảnh báo, chính quyền xã phân công tổ trực 24/24h, cấm người và phương tiện qua lại.

cau-tran-ban-lim-chi-mua-hai-tieng-la-ngap(1).jpg
Cầu tràn bản Lìm nằm trên con đường liên xã, có nhiều phương tiện qua lại. Ảnh: KL

Tuy nhiên, một số người dân ở địa bàn khác đôi khi vẫn chủ quan đi qua và gặp phải sự cố trôi xe và người. Tuy nhiên, được tổ gác trực và tìm kiếm cứu nạn nhiệt tình ứng cứu. Trong đó, ông Vi Văn Thanh với tài bơi lội giỏi và tinh thần xả thân đã cứu được nhiều trường hợp bị trôi.

Năm nào tổng kết công tác phòng, chống lụt bão cứu hộ, cứu nạn, cấp uỷ, chính quyền xã đều nêu gương ông Hà Văn Thanh. Năm 2024, ông Thanh - “rái cá” của bản Lìm- cũng vinh dự nhận được Giấy khen của UBND xã vì những đóng góp trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Mặc dù đã có biển cảnh báo nhưng một số người dân vẫn chủ quan băng qua cầu tràn bản lìm khi mưa to nước lớn.
Mặc dù đã có biển cảnh báo nhưng một số người dân vẫn chủ quan băng qua cầu tràn bản Lìm khi mưa to nước lớn. Ảnh KL

Đứng trên cầu tràn phóng tầm mắt vào dòng nước cuồn cuộn chảy phía dưới, "rái cá" bản Lìm bày tỏ: “Tôi luôn tâm niệm sống ở đời phải làm việc có ích cho cộng đồng, cứu người là việc nên làm, bởi vậy còn sức khỏe, còn khả năng tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia cứu hộ, cứu nạn”.

Tuy nhiên, mong ước lớn nhất của ông Thanh và bà con bản Lìm vẫn là sẽ sớm được các cấp chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ làm cầu vượt lũ để nhân dân đi lại thuận tiện hơn, không còn phải thấp thỏm lo lắng khi mưa to, nước dâng nữa.

Bởi việc tập trung lực lượng của xã, của bản để làm nhiệm vụ canh gác, cảnh giới đảm bảo an toàn trong mưa lũ tại khu vực cầu tràn chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, về lâu dài vẫn cần có cầu vượt lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và cũng thuận tiện hơn trong giao thương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo xã Châu Phong, cán bộ bản Lìm và ông Hà Văn Thanh trao đổi về công tác cứu hộ cún nạn tại cầu tràn bản Lìm.
Lãnh đạo xã Châu Phong, cán bộ bản Lìm và ông Hà Văn Thanh trao đổi về công tác cứu hộ, cứu nạn tại cầu tràn bản Lìm. Ảnh: KL
Chuyện về “rái cá” bản Lìm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO