Chuyện xin - cho ở V-League

Song việt 27/07/2019 08:50

Phát ngôn của HLV Võ Đình Tân gần đây cho rằng duy nhất Khánh Hòa không xin điểm khiến giải vô địch quốc gia lại nổi sóng.

HLV Võ Đình Tân đã nhanh chóng đính chính rằng ông chỉ muốn khẳng định Khánh Hòa không tiêu cực, chứ không có ý nói các đội khác đã "xin - cho điểm" như tuyên bố sau vòng 17 cuối tuần trước. Nhưng một lần nữa, những gì ông nói lại khiến người hâm mộ không khỏi thắc mắc: V-League hiện nay có còn tiêu cực? Bởi chỉ cách đó vài tuần, đích thân bầu Đức đã gây sốc khi nói về hiện tượng có tính chất tương tự, đó là chuyện "5 đánh 1".

Với kinh nghiệm hàng chục năm theo đuổi bóng đá, 2 nhân vật kể trên đều không thể nói theo cảm tính. Hiện tại bầu Đức là đại diện cho một CLB dạng "công thần khai quốc", có thâm niên 17 năm chơi ở V-League. Trong số 14 đội mùa này, chỉ có Nam Định, SLNA và Đà Nẵng từng thi đấu với HAGL tại V-League 2003 - thời điểm đội bóng phố núi lên chơi ở hạng cao nhất bóng đá Việt Nam. Bầu Đức cũng chỉ mới kết thúc 4 năm làm Phó Chủ tịch VFF, còn HAGL có ghế trong Ban Chấp hành VFF liên tiếp 4 nhiệm kỳ. HLV Võ Đình Tân có thể xem là một trong những ngôi sao của bóng đá Khánh Hòa với chiếc áo số 7 lừng danh ở cái thời mà đội bóng phố biển còn bị gán cho cái tên không mấy hay ho: Vua trụ hạng.

Hai con người đó mà nói về tiêu cực, chắc hẳn phải có vấn đề.

Tối 21/7, sau trận thua Viettel 0-2, HLV Võ Đình Tân bất ngờ cho rằng ở V-League chỉ đội bóng của ông không xin điểm. Ảnh: FOX.

Nếu tin lời bầu Đức, thì tuyên bố của HLV Võ Đình Tân càng phải chiêm nghiệm. Từ khi cùng Khánh Hòa trở lại với V-League 2015, ông Tân đã biến một đội bóng trẻ và nghèo trở thành "chú ngựa ô". 4 mùa đã qua, trung bình Khánh Hòa giành ít nhất 40 điểm mỗi mùa. Năm ngoái, họ thậm chí vươn lên thứ 3 - thành tích tốt nhất kể từ khi đội bóng này còn mang tên Phú Khánh. Vậy nhưng, sau 17 vòng mùa này, đội bóng của ông Tân chỉ giành 13 điểm với vỏn vẹn 3 trận thắng và xếp chót bảng. Cùng kỳ mùa trước, họ giành 7 chiến thắng, đạt 28 điểm và đứng thứ 2 chỉ sau Hà Nội.

Sự khác biệt quá lớn ấy phải chăng đến từ sự sa sút về chuyên môn? Rất khó cho rằng một đội bóng hòa cả 2 trận trước nhà vô địch Hà Nội, chia điểm tại sân của SLNA, của Thanh Hóa, thắng tại Nam Định... là một đội bóng yếu. 17 trận đã qua, chỉ 3 trận là Khánh Hòa thua với tỷ số cách biệt 2 bàn trở lên. Một đội bóng đá rất tốt 4 mùa liên tiếp, có tinh thần thi đấu mạnh mẽ, vậy mà lại đứng chót bảng. Phải phát hiện ra điều gì đó bất thường, HLV Võ Đình Tân mới công khai tuyên bố "chỉ mỗi Khánh Hòa đá sạch ở V-League".

Trước khi V-League ra đời, giải vô địch quốc gia đã tồn tại liên minh giữa các nhóm 4 hoặc nhóm 5 đội bóng, được hình thành bằng các mối quan hệ mang tính "3 điểm đi – 3 điểm về". Những trận đấu trong liên minh sẽ tùy tình hình mà "dồn điểm" cho một đội bóng nào đó đang gặp nguy cơ rớt hạng hoặc cần thêm điểm để vô địch. Về bản chất, các liên minh thường được lập ra để "dàn xếp điểm số" nhằm không phải xuống hạng, chứ ít có chuyện 3 hay 4 đội phải "gồng" lên thi đấu để phục vụ cho mục tiêu vô địch của một đội nào đó. Vì thế các liên minh đó mang ý nghĩa tiêu cực. Họ không thi đấu vì khán giả bởi các tỷ số đã được thỏa thuận. Đội bóng nào không nằm trong các liên minh này, xem như cầm chắc vé xuống hạng vì bị "đánh hội đồng".

Cạnh tranh vô địch cũng thế. "5 đánh 1" theo cáo buộc của bầu Đức gần đây cũng là kiểu liên minh có mối quan hệ thân thiết. Mục đích của nó là các đội "vệ tinh" sẽ thi đấu để giúp một đội vô địch. Các đội bóng này không nhất thiết phải "dồn điểm" cho nhau theo kiểu tiêu cực như trước, mà tập trung hết sức để đánh bại các đối thủ cản đường. Cho dù thi đấu theo kiểu "nỗ lực chiến thắng", chứ không phải dàn xếp đi nữa, thì "một ông chủ - nhiều đội bóng" cần được gọi đúng tên về bản chất là tiêu cực. Bởi nó cũng là một kiểu "nhường điểm" cho nhau.

Phân tích các kết quả thi đấu, sẽ thấy có nhiều sự trùng hợp bất thường. Tính đến trước trận đấu với Hà Nội hôm nay, TP. HCM đứng đầu bảng với 34 điểm. Tuy nhiên, họ chỉ kiếm được 8 điểm trong tổng số 6 trận với các đội: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Quảng Nam và Quảng Ninh. Đây là các đội bóng được cho là có liên quan đến mô tả "5 đánh 1" của bầu Đức. Như vậy, tỷ lệ là 23% so với số điểm mà TP. HCM đang có. Ngược lại, đội nhì bảng Hà Nội giành 13 trong 15 điểm tối đa trước các đội kể trên, tức là chiếm tỷ lệ 42%. Với các con số nêu trên, nếu không thắng được Hà Nội trong trận "chung kết sớm" trên sân Thống Nhất hôm nay, thì như bầu Đức nói, TP. HCM nên quên chức vô địch đi bởi cả 2 đội đều còn 3 trận với nhóm "5 đánh 1" trong 8 vòng cuối cùng.

Nếu chỉ chừng đó mà kết luận chuyện tiêu cực thì quá võ đoán. Tuy nhiên, việc này không chỉ mới xảy ra. Trở lại với 3 mùa gần nhất, sau khi V-League xuất hiện đầy đủ 5 đội bóng nói trên, các con số lại trùng hợp một cách ngạc nhiên, đặc biệt là 2 mùa giải 2016 và 2017 - khi Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) và Quảng Nam vô địch. Đó là thời điểm các đối thủ cạnh tranh của họ, lần lượt là Hải Phòng và Thanh Hóa, không thể đăng quang vì mất quá nhiều điểm trước các đội nằm trong nhóm bị nghi ngờ "5 đánh 1".

Năm 2016, Hải Phòng đứng đầu bảng 18 vòng nhưng cuối cùng về nhì dù cùng 50 điểm với Hà Nội - đội chỉ đứng đầu 3 vòng cuối cùng. Trong số 11 trận không thắng của Hải Phòng (5 hòa, 6 thua), có 2 hòa và 4 thua diễn ra trước các đội bóng Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn, Quảng Ninh... tức là 16 trên 28 điểm bị mất từ nhóm này. Tương tự, cũng bị mất 28 điểm, nhưng chỉ 4 điểm của Hà Nội liên quan đến những đội bị nghi ngờ là "anh em".

Khánh Hòa (vàng) mùa trước thường xuyên ở nhóm đầu bảng, nhưng mùa này tụt xuống cuối cùng sau 17 vòng đấu. Ảnh: Lâm Thỏa.

Năm 2017, chức vô địch của Quảng Nam còn bị nghi ngờ nhiều hơn. Thanh Hóa của bầu Quyết cũng 18 vòng giữ ngôi số 1 nhưng để Quảng Nam vô địch dù cùng 48 điểm. Khi đó, Thanh Hóa mất khá nhiều điểm vì có 9 hòa và 4 thua. Trong 30 điểm bị mất, có đến 22 điểm diễn ra trước "nhóm anh em". Tức là họ chỉ kiếm 17% (8 điểm) trong tổng điểm cả mùa từ nhóm này và có đến 83% điểm từ phần còn lại của V-League. Ngược lại, cũng là 9 hòa và 4 thua, nhưng Quảng Nam chỉ mất 9 điểm từ "nhóm anh em".

Ở góc nhìn khác, hãy xem số điểm mà Hà Nội vượt qua Hải Phòng mùa 2016 đến từ đâu: họ lấy được 18 trên 24 điểm tối đa trong 8 trận đấu "nội bộ", chiếm tỷ lệ 36% điểm số cả mùa. Con số này của Quảng Nam sau đó 1 năm là 38%. Cần lưu ý là vì đá chung nhóm nên số trận đấu của Hà Nội hay Quảng Nam đều ít hơn Hải Phòng, Thanh Hóa. Các tỷ lệ này đều giống với những gì đang diễn ra mùa này.

Liệu các thống kê trên có thể xem là trùng hợp ngẫu nhiên? Nó đã đủ để đưa đến kết luận mang những khái niệm về "dồn điểm", "đánh hội đồng" "nhường điểm" hay chưa? Nếu VFF không thể chứng minh lời của bầu Đức hay của HLV Võ Đình Tân là đúng, ít nhất họ cũng phải cho thấy các phát biểu kia là sai.

Năm 2012, sau các cáo buộc của bầu Kiên, đã có đoàn thanh tra mối quan hệ giữa các đội bóng được cho là của bầu Hiển. Nhưng cuối cùng, không ai chứng minh được gì. Tuy nhiên, theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi năm 2015, VFF có thể phải nhờ đến những cơ quan chuyên ngành từ các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính cũng như viện dẫn các luật về đầu tư, quảng cáo... Ai cũng biết đa số CLB hiện nay không thể tự kinh doanh nuôi sống mình, thậm chí là chẳng có vốn pháp định. Vậy các nguồn tiền hoạt động đến từ đâu? Kiểm tra sổ sách kế toán của các CLB chính là một trong những cách để chứng minh. Lấy ví dụ, trên áo các đội Sài Gòn hay Quảng Nam đều không có nhà tài trợ, nhưng trên sân Tam Kỳ, sân Thống Nhất lại có các bảng biển của SHB hay T&T thì liệu đủ chứng minh là các công ty của bầu Hiển đã "rót tiền" thông qua quảng cáo được hay không? Hoặc như trường hợp của CLB Sài Gòn FC, ban đầu là đội Hà Nội B nhưng khi chuyển vào TP. HCM chẳng biết ai là chủ sở hữu. Nếu chưa chuyển đổi, vậy có phải vẫn thuộc quyền kiểm soát của CLB Hà Nội không?

Nếu không kết luận được, liệu VFF hay VPF có đủ dũng cảm để kết luận V-League thực sự trong sạch?

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Chuyện xin - cho ở V-League
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO