“Có áp lực, đam mê mới có thành công”

P.V: Chúc mừng Bảo và Vũ với thành tích đặc biệt xuất sắc mà các em đã giành được tại Kỳ thi Olympic Tin học thế giới năm 2021. Đến với cuộc thi này, chắc chắn mỗi em sẽ có một áp lực riêng?

Trương Văn Quốc Bảo: Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế tuyển chọn khá căng khi mỗi nước chỉ có 4 thí sinh tham dự và phải tranh tài với 351 thí sinh thuộc 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước có thành tích rất tốt. Vì thế, có lẽ không chỉ riêng em mà tất cả các thí sinh khác khi được tham dự cuộc thi đều chịu nhiều áp lực và ai cũng có suy nghĩ phải cố gắng giành giải, phải vượt qua được thành tích của các năm trước để giành giải cao. Hơn thế, bản thân em cũng có nỗi lo riêng, cảm giác như mình chưa ôn thật đầy đủ.

Nguyễn Hoàng Vũ: Nếu Bảo áp lực một thì có lẽ em áp lực hơn rất nhiều lần bởi như chị biết đấy, trước khi đến với cuộc thi Olympic Tin học Quốc tế, em cũng đã tham dự cuộc thi Olympic Tin học châu Á. Thế nhưng, trong khi Bảo giành Huy chương Vàng thì em lại “trắng tay”, kết quả không như mong đợi dù trước đó khi chọn Đội tuyển Quốc gia tham dự Kỳ thi Olympic em là thí sinh giành được điểm cao nhất. Em đã rất thất vọng vì không phát huy được hết thực lực của bản thân, đồng thời không giữ được bình tĩnh khi hệ thống chấm bài gặp sự cố và code của mình bị bug (lỗi). Điều đó dẫn đến em tốn rất nhiều thời gian nên giành được rất ít điểm.

Sau kỳ thi này, em gặp áp lực về việc giành được Huy chương và em cảm nhận được sự lo lắng từ thầy cô và người thân. Tuy nhiên, nhờ vào sự động viên của thầy cô, bạn bè và gia đình đã giúp em lấy lại tự tin. Em cũng đã nhìn vào bảng thành tích của khóa trước, coi đó là động lực để sánh vai với các anh chị.Thất bại của kỳ thi trước cũng giúp em rút được rất nhiều kinh nghiệm về ổn định tâm lý khi thi.

P.V: Kỳ thi Tin học năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid – 19 đang diễn biến rất phức tạp. Các em có thể chia sẻ những kỷ niệm về kỳ thi năm nay?

Trương Văn Quốc Bảo: Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên không chỉ thời gian diễn ra kỳ thi mà trong suốt năm học lớp 10 và năm học lớp 11, thời gian chúng em học bằng hình thức online diễn ra khá nhiều, thậm chí có nhiều thời gian việc học bị gián đoạn. Điều này, ảnh hưởng khá nhiều đến việc ôn tập của chúng em.May mắn với đặc thù của môn Tin học, chúng em không gặp khó khăn khi học bằng hình thức trực tuyến và việc trao đổi với các thầy cô giáo vẫn diễn ra khá thuận lợi.

Nguyễn Hoàng Vũ: Để đến được với Đội tuyển Olympic Tin học của Việt Nam, chúng em đã trải qua rất nhiều kỳ thi, từ cuộc thi vòng loại của trường đến cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia và sau đó là kỳ thi vòng loại trên toàn quốc. Trải qua rất nhiều kỳ thi, trong bối cảnh dịch bệnh, điều mong muốn lớn nhất của chúng em đó là các kỳ thi Olympic sẽ không bị hoãn. May mắn là cuối cùng các kỳ thi đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Thực tế là để tham dự kỳ thi này, từ khi tập trung đội tuyển đến khi hoàn thành kỳ thi chúng em đã có hơn 2 tháng không về nhà và bản thân em thì ở cùng với các thí sinh khác ở ký túc xá của Trường Đại học công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó cũng là giai đoạn mà dịch bùng phát ở các tỉnh phía Bắc và thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nên mọi sinh hoạt của chúng em chủ yếu chỉ tập trung ở trường và hầu như không ra ngoài. Ngay cả sau khi kết thúc Kỳ thi Olympic Tin học châu Á dù cả hai đều muốn được về nhà nhưng vì tình hình dịch bệnh nên đã phải ở lại. Đây cũng là lần xa nhà dài nhất của chúng em.

Kỳ thi Olympic Tin học thế giới năm nay do Singapore đăng cai tổ chức và chúng em khá tiếc nuối vì không được đến nước sở tại tham dự. Tuy vậy, việc tham dự kỳ thi theo hình thức trực tuyến cũng có những trải nghiệm riêng. Đội tuyển Quốc gia Việt Nam gồm 4 thí sinh dự thi trực tuyến tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thí sinh Việt Nam làm bài cùng thời điểm với tất cả các thí sinh dự thi trong 2 ngày thi (mỗi ngày làm 3 bài trong 5 giờ trên hệ thống thi trực tuyến CMS từ 17h – 22h giờ Việt Nam). Máy tính dự thi của thí sinh được ảo hóa và có camera giám sát toàn bộ quá trình dự thi theo thời gian thực để bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan.

P.V: Được biết, so với những thí sinh ở các thành phố lớn có rất nhiều thí sinh được tiếp cận Tin học từ rất sớm, nhiều em đã bắt đầu học từ lớp 3, lớp 4. Nhưng riêng Vũ thì từ khi làm quen với Tin học đến Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia lớp 11 các em chỉ có 15 tháng chuẩn bị và đến Kỳ thi Olympic Tin học thế giới chỉ có 21 tháng. Vậy các em đã nỗ lực thế nào để có thể đứng ngang với các thí sinh khác?

Trương Văn Quốc Bảo: Em học lớp chuyên Toán ở Trường THCS Đặng Thai Mai và thực tế em chỉ bắt đầu làm quen với Tin học từ khi vào lớp 10. Buổi học đầu tiên được tiếp cận với bộ môn Tin học em cảm nhận đây là một bộ môn mới lạ, thực sự khó.Nhưng chính điều này sau đó lại rất hấp dẫn và cuốn hút chúng em và càng học em càng yêu thích, bởi môn học này học trên máy nên ít sai sót hoặc nếu sai là biết ngay. Bên cạnh đó, học Tin nhưng thực chất là phải học Toán tốt vì sử dụng khá nhiều thuật Toán. Bản thân em khi quyết định thử thách với Tin học em cũng đã đặt mục tiêu vào Đội tuyển Quốc gia nên đó là động lực để em phấn đấu. Thực tế, so với nhiều thí sinh khác ở vùng thuận lợi, chúng em có tiếp cận chậm hơn nhưng sau khi được học các thao tác cơ bản, được các cô giáo hướng dẫn cách học và môn Tin học có một cộng đồng mạng khá lớn nên chúng em có một nguồn tư liệu rất lớn để tự tìm tòi cả ở trong nước và toàn thế giới.

Nguyễn Hoàng Vũ: Em học ở Trường THCS Nghi Phú và tuy đã từng tham gia một số kỳ thi Tin học ở bậc THCS và giành giải Ba thành phố nhưng lên THPT cách học hoàn toàn mới lạ. Nhưng Tin học có mối liên kết rất chặt chẽ với môn Toán là điều thu hút em. Môn này đòi hỏi sự logic, luôn luôn thay đổi, phát triển theo thời gian nên em luôn có thể tìm tòi khám phá kiến thức mới. Để học tốt Tin học, như các môn học khác chúng ta cần đầu tư thật nhiều công sức, thời gian và đam mê, tích cực tìm tòi học hỏi các kiến thức mới, trao đổi giao lưu với mọi người trong cộng đồng. Một điều khác là nên có một nền tảng Toán tốt trước khi học Tin.

P.V: Thành tích các em đạt được trong năm học này cũng là thành tích cao nhất của các trường chuyên trong cả nước khi chiếm đến 50% giải thưởng của Đội tuyển Quốc gia (2/4 thí sinh dự thi) và cũng là thành tích cao nhất của Đội tuyển Tin học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu qua nhiều lần tham dự giải. Được biết, để hoàn thành kỳ thi này, các em cũng đã phải tự giải 20 trang đề thi bằng Tiếng Anh?

Trương Văn Quốc Bảo: Tiếng Anh cũng là môn học yêu thích của chúng em nhưng nếu so với nhiều bạn học khác thì chúng em vẫn còn nhiều hạn chế. Riêng việc đọc đề thi bằng Tiếng Anh thì không quá khó khăn vì lâu nay chúng em vẫn nghiên cứu tài liệu, tập giải đề từ nguồn nước ngoài và hầu hết phải sử dụng Tiếng Anh. Khó khăn nhất khi tham dự kỳ thi này có lẽ là thời gian làm bài bởi chúng em phải thi hai buổi, mỗi buổi 5 tiếng nhưng chỉ có 3 bài tập. Thế nên, để hoàn thành trọn vẹn bài thi là rất khó. Trong khi đó, việc làm bài thi trên máy thường hay xảy ra sự cố và nếu mất bình tĩnh thì khó có thể có trọn điểm. Cá nhân em, trong ngày thi đầu tiên vì gặp một số sự cố, dính lỗi nên mất quá nhiều thời gian cho bài 1 và không hoàn thành bài 3. Đến ngày hai, em làm rất nhanh 2 bài đầu và đúng hết nhưng bài 3 em lại gặp vấn đề, mất hơn một nửa thời gian làm bài nhưng không có điểm. Em thực sự tiếc nuối.

Nguyễn Hoàng Vũ: Không phải hoàn toàn đề đều bằng Tiếng Anh mà có một phần Tiếng Việt. Nhưng việc đọc hai đề bằng hai ngôn ngữ sẽ giúp chúng em hiểu rõ đề hơn. Em nghĩ em chỉ mới thông thạo Tiếng Anh trong Tin học. Còn lại, chúng em sẽ phải cố gắng hơn nữa mới có thể sử dụng thành thạo.

P.V: Dù chỉ mới học lớp 11 nhưng Vũ và Bảo đã có một bộ sưu tập các giải thưởng lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, vào trường chuyên để có được những thành tích này, học sinh cũng phải đánh đổi rất nhiều và phải chịu rất nhiều áp lực. Vũ và Bảo có đồng ý với nhận định này không?

Trương Văn Quốc Bảo: Với việc học nói chung và đặc biệt là môn Tin học, nếu không có sự đam mê thì không bao giờ có được thành quả, một bài tập Tin học, đôi khi mất 1 đến 2 ngày để tìm cách xử lý. Đôi khi đi sai hướng thì ngày hôm sau coi như bắt đầu lại từ đầu, để đi theo một hướng khác, việc tìm hiểu nhiều dạng thuật Toán để rèn luyện kỹ năng là việc mất nhiều thời gian nhất. Chẳng hạn, có thể hình dung là khi xử lý một bài tập Tin học thì có 2 phần gồm: Xác định thuật Toán và vận dụng kỹ năng lập trình để làm bài. Phần xác định thuật Toán là quan trọng nhưng kỹ năng lập trình cũng quan trọng không kém bởi nó quyết định việc cuối cùng mình có giải quyết được bài tập đó hay không, hoặc có thể hiểu là khâu hiện thực hóa ý tưởng.

Để có được thành tích thì áp lực là điều không tránh khỏi và chính em cũng tự tạo áp lực cho mình trước mỗi kỳ thi. Tuy nhiên, em cho rằng nếu là học sinh thì cũng cần có áp lực và nếu mình chịu đựng được thì áp lực sẽ trở thành động lực cho bản thân.

Nguyễn Hoàng Vũ: Em cũng cho rằng nếu áp lực mà không quá nặng nề thì sẽ rất tốt vì nó sẽ giúp mình tập trung và giành quyết tâm cao hơn trong học tập. Còn nói học trường chuyên, theo đội tuyển là thiệt thòi thì không chính xác, bởi được rất nhiều như được ưu tiên miễn thi tốt nghiệp, được học nhiều thầy giáo, cô giáo giỏi và được cọ xát nhiều. Quan trọng hơn là sau mỗi kỳ thi chúng em sẽ trưởng thành hơn rất nhiều.

P.V: Đến thời điểm này, cả hai đều đã có Huy chương ở các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế và đây có thể xem là kết quả cao nhất của học sinh THPT. Vậy, hai bạn có dự định tham dự các kỳ thi tiếp theo trong năm học tới hay không?

Trương Văn Quốc Bảo: Hai tấm Huy chương ngày hôm nay là dấu mốc để em phấn đấu rèn luyện và học tập trong những chặng đường tiếp theo. Vì thế, em sẽ đến với cuộc thi trong năm học tới như đến với một sân chơi để được thử thách mình.

Nguyễn Hoàng Vũ: Em hy vọng những thành tích trong năm học này sẽ là một nền móng để em đến với các kỳ thi trong năm học tới một cách tự tin và thoải mái hơn.

P.V: Cảm ơn hai em về cuộc trò chuyện và chúc hai em gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên chặng đường phía trước!