Cơ chế nào để phát huy tác dụng phản biện xã hội?

Mai Hoa 10/03/2019 07:31

(Baonghean) - Phản biện xã hội vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu nhằm đảm bảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước sau khi ban hành đi vào cuộc sống tránh được những sai sót, bất cập. Vấn đề là hoạt động này trong thực tiễn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Góp phần loại bỏ những bất cập

Theo Đề án Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã do UBND huyện Hưng Nguyên xây dựng, toàn huyện có 12 xã chưa đạt 50% tiêu chí dân số nằm trong lộ trình sáp nhập từ nay đến năm 2021. Và sau sáp nhập, địa phương này sẽ giảm từ 23 xã, thị trấn hiện tại xuống còn 17 xã, thị trấn. Đối với khối, xóm, toàn huyện có 252 đơn vị và phương án sáp nhập còn lại 88, giảm 164 khối, xóm.

Đề án trên đã được Ban Thường trực UBMTTQ huyện tổ chức phản biện nhằm tranh thủ trí tuệ, sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhiều thành phần; đây cũng là một bước thăm dò sự đồng thuận, đồng thời tuyên truyền chủ trương, kế hoạch, bước đi và cách làm trong vấn đề sáp nhập xã, xóm; bởi thành phần tham gia phản biện có đội ngũ Chủ tịch UBMTTQ xã, thị trấn toàn huyện.

Ủy ban MTTQ huyện Hưng Nguyên tham gia phản biện vào quy hoạch một số dự án trên địa bàn. Trong ảnh: Tthi công dự án Công viên trung tâm huyện. Ảnh: Mai Hoa
Ủy ban MTTQ huyện Hưng Nguyên tham gia phản biện vào quy hoạch một số dự án trên địa bàn. Trong ảnh: Thi công dự án Công viên trung tâm huyện. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh cơ bản đồng tình với đề án, có 42 nội dung nêu ra tại hội nghị liên quan đến việc sáp nhập ở một số xóm chưa phù hợp với đặc điểm dân cư; việc sắp xếp, bố trí, lựa chọn đội ngũ cán bộ sau sáp nhập; công tác tuyên truyền, vào cuộc của hệ thống chính trị… Thông qua đó, Thường trực Huyện ủy tiếp thu và xem xét thêm một số vấn đề cũng như làm rõ một số nội dung cụ thể.

Ngoài nội dung trên, trong 5 năm (2013 - 2018), huyện Hưng Nguyên đã tổ chức 10 cuộc phản biện bằng hình thức hội nghị; 84 cuộc phản biện bằng hình thức góp ý kiến dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền; 11 cuộc phản biện bằng hình thức đối thoại trực tiếp. Ở cấp xã tổ chức góp ý 179 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội cấp cơ sở.

Quan cảnh hội nghị phản biện vào đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa
Quan cảnh hội nghị phản biện vào đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa

Tại huyện Diễn Châu, hoạt động phản biện cũng được triển khai tập trung vào các nội dung mang tính quyết sách của huyện. Theo đó, mỗi năm, ở cấp huyện tổ chức được 2 cuộc phản biện theo hình thức hội nghị; trong đó có những ý kiến phản biện của MTTQ huyện rất có giá trị.

Ví dụ thông qua phản biện kế hoạch phát triển kinh tế của huyện đến năm 2020, có tính đến năm 2030, ý kiến của MTTQ huyện cho rằng chủ trương nuôi cá lồng trên biển là khó khả thi đã được UBND huyện tiếp thu và bãi bỏ. Hay MTTQ huyện cũng đã phản biện vào một số dự thảo Đề án thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn; phản biện Đề án đẩy mạnh phát triển du lịch biển, thương mại, dịch vụ gắn với văn hóa lịch sử cũng được huyện tiếp thu trên tinh thần cầu thị.

Đồng chí Nguyễn Đức Thành - Trưởng ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, cho rằng, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở theo Nghị quyết số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, ngày càng bài bản và hiệu quả.

Ở cấp tỉnh, một số nội dung quan trọng được tổ chức phản biện, như: dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự thảo Đề án về quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; dự thảo Quyết định ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn tham gia phản biện thông qua hình thức góp ý bằng văn bản nhiều dự thảo luật và nhiều dự thảo văn bản của HĐND, UBND tỉnh.

Ở cấp huyện, trong 5 năm đã tổ chức 51 cuộc phản biện bằng hình thức hội nghị; 151 cuộc phản biện bằng hình thức nghiên cứu, xem xét, góp ý dự thảo bằng văn bản.

Ở cấp xã tổ chức phản biện 956 dự thảo văn bản bằng hình thức hội nghị; góp ý phản biện bằng văn bản đối với 1.570 dự thảo.

MTTQ huyện Diễn Châu tham gia phản biện vào một số kế hạch, đè án phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Mai Hoa
MTTQ huyện Diễn Châu tham gia phản biện vào một số kế hoạch, đề án phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Để phản biện phát huy hiệu quả thực tiễn

Phản biện xã hội vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu bức thiết của đời sống xã hội hiện nay. Nói phản biện là yêu cầu, bởi hoạt động này đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương; Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 14/02/2014 về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Phản biện xã hội được coi là giải pháp, cơ chế phòng ngừa hiệu quả tham nhũng.

Nói là nhu cầu, bởi thông qua hoạt động này sẽ góp phần loại bỏ những bất cập, hạn chế và hệ lụy trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án… sau khi được phê duyệt. Thậm chí trong quá trình phản biện có thể dừng các quyết sách, dự án ngay từ đầu, tránh lãng phí về nguồn lực; đồng thời đây cũng giải pháp, cơ chế phòng ngừa hiệu quả nạn tham nhũng đặt ra hiện nay. Dù vậy, hoạt động này trong thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cán bộ MTTQ xã Hiến Sơn trao đổi kinh nghiệm vận động sức dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu

Qua nắm bắt thực tiễn, nhận thấy, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể, chủ yếu mới dừng lại ở việc góp ý kiến bằng văn bản và đối tượng tham gia góp ý chủ yếu chính là đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể với trình độ chuyên môn sâu các lĩnh vực thì chưa nhiều; dẫn đến chất lượng phản biện còn ở mức khiêm tốn.

Còn phản biện theo hình thức tổ chức hội nghị với đối tượng tham gia phản biện rộng hơn, trong đó có đội ngũ chuyên môn sâu hoặc chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực thuộc ban tư vấn và nội dung phản biện sẽ được thảo luận kỹ hơn, chất lượng hơn, trao đi, đổi lại nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có ý kiến khác nhau hoặc chưa đồng thuận; tuy nhiên hình thức này chưa được nhiều.

Phản biện theo hình thức hội nghị lâu nay chưa triển khai nhiều ở các cấp; ở cấp tỉnh và huyện, mỗi năm cũng chỉ được 1 - 2 cuộc; còn ở cấp xã, nhiều địa phương không tổ chức được cuộc nào.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Huy, hiện nay chưa có chế tài bằng luật pháp quy định bắt buộc cấp ủy, chính quyền trước khi ban hành một chủ trương hay chính sách nào đó, phải được MTTQ và các đoàn thể quần chúng tham gia phản biện; ngược lại, hiện MTTQ chỉ phản biện khi các sở, ngành tự yêu cầu và đề xuất. Do đó, hàng năm, mặc dù Ban Thường trực MTTQ tỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh cùng các Sở, ngành đề xuất nội dung phản biện, tuy nhiên việc đề xuất cũng chỉ có rất ít ngành.

Bên cạnh đó, một số ngành, đơn vị xây dựng dự thảo các chủ trương, chính sách, đề án, kế hoạch đều ngại bị phản biện; bởi lẽ, phản biện tốt sẽ “lòi” ra những vấn đề tồn tại do năng lực, trình độ xây dựng dự thảo của đơn vị, hoặc cố ý che đậy để lợi dụng; hoặc một số dự án, đề án, chính sách mà cơ quan xây dựng trên cơ sở quyền lợi của ngành, thiếu căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Ủy ban MTTQ thị xã Cửa Lò tặng thùng rác cho nhân dân phường Nghi Hòa. Ảnh tư liệu

Đề cập ở góc độ khác, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Diễn Châu Cao Đức Hùng cho rằng, cán bộ MTTQ, nhất là cấp cơ sở chưa đủ tầm để đảm đương nhiệm vụ phản biện; trong khi đó việc mời các chuyên gia vào các tổ tư vấn rất khó khăn, bởi kinh phí để chi cho đội ngũ này nghiên cứu rất eo hẹp, chưa khuyến khích được sự cống hiến, tham gia tích cực của họ. Bình quân mỗi năm, ngân sách huyện chi cho hoạt động giám sát và phản biện chỉ có 25 triệu đồng; ở cấp xã thì có xã có, xã không.

"Cán bộ Mặt trận Tổ quốc, nhất là cấp cơ sở chưa đủ tầm để đảm đương nhiệm vụ phản biện".

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Diễn Châu Cao Đức Hùng

Từ thực tiễn nêu trên, để hoạt động phản biện phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, cơ quan MTTQ các cấp cần tự vươn lên, nhất là người đứng đầu phải thật sự có năng lực, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận đụng chạm, đồng thời quy tụ được đội ngũ chuyên gia cùng tham gia.

Về phía tỉnh, cần xây dựng cơ chế, trong đó xác định rõ các quyết sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án cần phải lấy ý kiến phản biện, tránh tình trạng “xin - cho” trong phản biện như hiện nay; đồng thời cần trích ngân sách thỏa đáng cho hoạt động này.

Cơ chế nào để phát huy tác dụng phản biện xã hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO