Cô giáo của những học trò khuyết tật
(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, hơn 200 học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề người khuyết tật Nghệ An luôn xem những thầy, cô giáo ở đây là những người bạn, cũng là người bố, người mẹ thân thương của mình...
Đánh vật từng chữ cái
Giờ học ở lớp 1T-4T của cô giáo Đặng Thị Mai Liên thật đặc biệt. 14 học sinh của cô giáo Liên đều là trẻ thiểu năng về trí tuệ nên lớp học không hề “yên ả” mà náo động. Lớp học rộn ràng với tiếng trẻ ú ớ đọc phát âm, tập đếm, tiếng trêu đùa lẫn nhau không rõ nghĩa…
Khách đến thăm, 14 học sinh với nụ cười và ánh mắt ngây ngô nhưng vô cùng lễ phép đứng dậy chào. Thấy các em chào, cô Liên cười mừng ứa nước mắt, dịu dàng khen các em giỏi, ngoan. Được cô khen, các em vui mừng, rồi ngồi xuống tiếp tục với các phần “việc riêng”.
Cô giáo Đặng Thị Mai Liên “nhọc nhằn” chăm sóc những em học sinh thiểu năng trí tuệ. Cô tâm sự, để giúp các em nhận được một chữ, con số, có khi phải mất hàng tháng trời. |
Lớp ồn ào nhưng thay vì giận dữ, quát mắng, cô giáo lại ngọt ngào dỗ dành để trò tập trung vào tiết học. Mỗi em học sinh mỗi nhận thức, trình độ, cô Liên ân cần, kiên trì đến từng em chỉ dẫn theo các cách khách nhau. Ở lớp học này, mỗi học sinh có một thế giới riêng, duy chỉ có cô giáo mới là tâm điểm.
Trong các lớp học sinh khiếm khuyết thì lớp T đặc thù hơn cả với những đứa trẻ “không chịu lớn” – mang hội chứng chậm phát triển trí tuệ. Dạy kiến thức cho các em mất nhiều công sức bởi các em chậm tiếp thu, nhanh quên, nhận được mặt chữ con số mất vài tháng trời. Và cũng có lúc do tính cách không ổn định hay ức chế nên cự cãi lại, thậm chí có hành vi phá phách, tát, cắn, nằm lăn, bỏ ra ngoài v.v..
Cô Liên kể: Để dạy các em hiệu quả, bản thân giáo viên phải nhẹ nhàng, chịu khó, nắm bắt tâm lý tốt, có lúc nghiêm nghị, có lúc phải chiều theo yêu cầu của học sinh, lúc các em đòi vui chơi thì mình cũng tham gia vào các hành động con trẻ. Dạy cho trẻ chậm phát triển trí tuệ quan trọng hơn cả là dạy cho các em kỹ năng sống, biết cư xử phải phép, biết tham gia các hoạt động bình thường.
Hết giờ lên lớp, các thầy cô Trung tâm lại động viên các học sinh tham gia hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe phù hợp tùy theo thể chất từng em. |
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, đã dạy ở Trung tâm 22 năm, nay chuyển sang làm công tác quản lý học sinh lại đi từng phòng coi sóc việc tắm rửa, sinh hoạt cá nhân của các em. Những em nhỏ lại sà vào lòng mẹ Liễu ôm thơm nhờ mẹ chải, búi lại tóc.
Cô Liễu cho hay: Minh phải theo sát mọi học trò để nắm bắt tâm tư tình cảm, lắng nghe, chia sẻ. Từ việc chia sẻ cuộc sống thường nhật mới hướng dẫn được các em biết làm những các công việc: Lau bàn ghế, quét nhà, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc bản thân, thu dọn đồ dùng học tập, sắp mâm bát trong bữa ăn cơm, đếm số lượng bát ăn cơm đúng với số lượng các thành viên.
Những thầy cô giáo ở Trung tâm luôn yêu học sinh bằng cả trái tim. Họ có mặt có mặt ở lớp học từ rất sớm để chuẩn bị đồ dùng học tập cho học trò của mình; Họ về rất muộn vì chờ phụ huynh đến đón học sinh ngoại trú, dặn dò các em ăn uống đầy đủ, tập luyện hợp lý, tự chăm sóc bản thân mình.…
5 giờ chiều các em học sinh tan học về ký túc xá. Lúc này, cán bộ, giáo viên của Trung tâm lại đến từng phòng động viên các em tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, tùy theo thể chất từng em mà bố trí bộ môn phù hợp như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, bóng đá...
Những món quà đặc biệt
Đến thăm lớp khiếm thính của cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương, đã thấy những hình ảnh xúc động: Cô giáo vừa đến cầu thang, học sinh ùa ra ôm chầm lấy, em xách hộ cặp, em tríu lấy tay tíu tít nói những lời mà chỉ có cô Phương mới có thể hiểu được. Vào đến lớp, các em học sinh mang lên bó hoa tươi và phần quà nhỏ được bọc rất đẹp tặng cô. Nhận hoa và quà của các em, cô Phương cười mà nước mắt giàn dũa, ôm lấy các em nghẹn ngào cảm ơn…
Nước mắt của cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương giàn giụa khi nhận những bông hoa do các học trò khiếm thính góp tiền mua tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Nhìn đám học trò mình vui cười “u ơ”, nước mắt cô Phương cứ chảy mãi: “Các em đều ở các huyện xa, đi học ở nội trú, nhà rất nghèo, sự học chủ yếu dựa vào nguồn học bổng 360 nghìn đồng/tháng. Hôm nay, không biết các em lấy tiền ở đâu ra để mua hoa, quà tặng cô nhân ngày 20/11. Các em dặn cô “Về nhà, Mẹ mới được mở quà ra xem có bất ngờ không.
Học sinh lớp học khiếm thính của cô Phương ngoan lắm. Khả năng nghe nói bị hạn chế nhưng bù lại các em tiếp thu bài nhanh. Giúp các em học, người giáo viên như công Phương phải tìm mọi cách, mọi thứ ngôn ngữ để giảng giải, truyền đạt cho các em hiểu; ngoài ra, phải luôn ân cần, gần gũi, nhẹ nhàng, yêu thương các em hết mực.
Cô Phương tâm tình: Hầu hết học sinh khuyết tật đều sống xa gia đình, ở tập trung nên rất thiếu thốn tình cảm. Người cô, người thầy luôn tự coi mình là cha mẹ, bằng tình thương yêu chân thành giúp các em tiếp thu kiến thức, hòa nhập cộng đồng. …16 năm, tôi luôn coi các em như con của mình và ngược lại các em cũng coi mình như mẹ. Đó là một niềm hạnh phúc lớn.
Thầy Lê Thanh Tịnh, giáo viên dạy nghề mộc có thâm niên 24 năm ở Trung tâm chia sẻ: “Không hạnh phúc gì bằng khi biết tin có những học sinh mình mở được xưởng mộc riêng, có nghề đủ nuôi sống được bản thân và xây dựng được mái ấm gia đình”…
Hạnh phúc giản đơn của thầy giáo Lê Thanh Tịnh là không chỉ giúp các em khuyết tật giỏi nghề, mà còn có thể mở xưởng, làm công nuôi sống được bản thân mình. |
Ở lớp mộc của thầy Tịnh, tiếng cưa, tiếng đục như một bản nhạc vui tai. 16 học sinh ở đây đều chăm chú nhìn, nghe theo các hướng dẫn bằng miệng, bằng tay của thầy để khi thực hành sao cho chính xác. Người mới gia nhập lớp thì học cưa thẳng, bào thẳng, đục; người có “tay nghề” hơn thì tập cưa, bào theo đường cong, ghép mộng. Mỗi năm ở lớp thầy có khoảng 4-5 người thành nghề tốt nghiệp ra trường…
Thầy Tịnh được công nhận là giáo viên nghề giỏi cấp quốc gia song xuất thân không phải giáo viên nghề mà tốt nghiệp sư phạm và nghề mộc là nghề gia truyền. Về công tác, thầy đã không ngừng học hỏi, tìm ra những những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất giúp các em thành thạo nghề, đáp ứng nhu cầu thị hiếu mộc dân dụng, mỹ nghệ của thị trường.
Cô giáo Bùi Thị Lài hướng dẫn cho học trò mình những đường kim, mũi chỉ đầu tiên. Ở Trung tâm, dạy nghề cho các em là quan trọng song các thầy cô luôn tâm niệm: Dạy kỹ năng sống, tạo được niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho các em còn quan trọng hơn. |
Cũng như lớp học của thầy Tịnh, lớp học thêu của cô giáo Bùi Thị Lài hiện treo rất nhiều bức tranh thêu cỡ lớn đẹp, có giá trị hàng triệu đồng. Cô giáo Lài khoe: “Đây chính là tâm huyết, công sức cả tháng trời của cô và trò”..
Lớp cô Lài hiện có trên 15 học sinh, có độ tuổi và trình độ nghề khác nhau. Có tận mắt chứng kiến hình ảnh cô giáo Bùi Thị Lài ân cần và kiên trì dạy cho các em học sinh khiếm thính từng đường kim, mũi chỉ mới thấy hết tình cảm vô bờ mà cô dành cho học sinh khuyết tật.
Cô Lài tâm tình “Dạy nghề cho các em rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là phải động viên vượt qua những thiếu thốn vật chất, mặc cảm, nuôi dưỡng ước mơ để trở thành người có ích cho xã hội. Vậy nên, mỗi ngày đến trường, nhìn thấy học trò của mình không nghỉ học vì bất cứ lý do gì là cảm thấy được an ủi, được tiếp thêm sức mạnh…”.
Trung tâm Giáo dục dạy nghề người khuyết tật Nghệ An được thành lập từ năm 1978, thực hiện nhiệm vụ chăm lo, dạy dỗ các em về đạo đức cũng như kiến thức và tay nghề cho trẻ khuyết tật. Đây là ngôi nhà thứ 2 của rất nhiều học sinh đặc biệt, cũng là nơi chắp cánh ước mơ cho những người khiếm khuyết về thể chất tinh thần trở về hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, Hiện Trung tâm có 40 cán bộ, giáo viên, với 237 học sinh, chia làm 3 nhóm, gồm nhóm thiểu năng trí tuệ, nhóm tật vận động và nhóm khiếm thính. Các em đến từ các huyện, thành, thị trong tỉnh. Trong số 237 học sinh thì có 72 học sinh ở ngoại trú (nhà ở khu vực thành phố Vinh). |
Mặc dù hiện nay, cơ sở vật chất Trung tâm đang ngày càng khang trang, sạch đẹp nhờ sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Nhưng những cán bộ, giáo viên Trung tâm vẫn đau đáu, nặng trĩu nỗi lo khi bữa ăn của các học sinh vẫn còn “nghèo” bởi chế độ trợ cấp chưa thể giúp trọn vẹn việc ăn học.
Ông Phan Bùi Hải, Giám đốc Trung tâm lo lắng về "đầu ra" cho các em học sinh: “Hiện tại Trung tâm thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho các em nhưng rất khó. Mới chỉ có ít công ty may nhận các em khiếm thính làm việc. Việc làm các em đang phụ thuộc vào sự tạo điều kiện chính gia đình, anh em họ hàng”.
Cô giáo quản sinh Vương Thị Liên chăm chút mái tóc cho học trò mình. Bằng tình yêu thương, thầy cô giáo luôn chia sẻ với các em niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật; từ đó hướng dẫn các em kỹ năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân. |
Ngày 20/11 hàng năm, giáo viên nhà trường quyết tìm mọi cách để mang lại niềm vui cho các em. Mặt khác, đây cũng là dịp để giáo dục cho các em biết được đây là ngày vui của thầy cô, về truyền thống "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc.
Năm nay, Trung tâm tổ chức cho các em có buổi tọa đàm, vui chơi, giúp nối liền khoảng cách giữa các em với thầy cô, giữa các em với xã hội để các em hiểu và xóa bỏ mặc cảm, tự ti về bản thân.
Với các thầy, cô giáo - mẹ hiền của những “mảnh tâm hồn không lành lặn” ở đây, niềm vui nhất trong Ngày Nhà giáo chính là chứng kiến các em tiến bộ, tự làm được những việc nhẹ nhàng nhất mỗi ngày. Họ quan niệm: "Tình thương yêu của người giáo viên dạy trẻ tàn tật không thể chữa lành khiếm khuyết trên cơ thể của các em nhưng nó sẽ giúp các em có thể sớm hòa nhập cộng đồng. Nó còn lớn hơn cả sự yêu nghề, đó chính là tình cha mẹ đối với con cái, là tình người, tình đồng loại"./.
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN