Cơ hội rộng mở cho trái cây Việt xuất khẩu

20/11/2016 09:40

Cùng với sự hội nhập quốc tế và việc loại bỏ nhiều rào cản kỹ thuật, trái cây Việt Nam đang ngày càng rộng đường xuất khẩu hơn. Tuy nhiên để xuất khẩu bền vững, trái cây Việt cần phải nỗ lực nhiều trong việc nâng cao được chất lượng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều trái cây thâm nhập thị trường khó tính

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính 9 tháng năm 2016 xuất khẩu (XK) trái cây Việt Nam đã đạt giá trị gần 1,8 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015, giá trị gần bằng giá trị XK của cả năm 2015 và lần đầu tiên XK vượt gạo.

Trái cây

Trái cây Việt được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho ngành nông nghiệp nước nhà.

» Lúa 'Khâu cầy nọi', đặc sản vùng biên xứ Nghệ

Hiện XK trái cây đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp và đứng thứ 3 về giá trị trong danh sách 9 sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Trong số 29 loại trái cây XK của Việt Nam, thanh long chiếm vị trí đầu bảng với giá trị XK đạt hơn 700 triệu USD, tương đương gần 50% tổng giá trị XK. Tiếp theo là nhãn, dưa hấu... đều tăng trưởng ấn tượng.

“Những tháng cuối năm, ngành trái cây liên tiếp nhận nhiều tín hiệu vui khi mặt hàng măng cụt đã được cấp phép XK sang thị trường Mỹ, vải thiều Bắc Giang đã được đưa sang Australia... Tương lai là những loại trái cây đặc sản khác như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt sẽ sớm gia tăng được khối lượng sau khi được các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... phê duyệt", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho hay.

Hiện trái cây trong nước đã thỏa mãn điều kiện nhập khẩu khắt khe của nhiều nước. Đến nay đã có 4 loại trái cây gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều đã XK sang Mỹ và ngành chức năng đang đàm phán đưa thêm xoài, vú sữa sang thị trường này. Tại thị trường Australia, trái vải đã thâm nhập thành công và trong tương lai gần sẽ là xoài, thanh long. Còn tại Nhật, sau quá trình đàm phán gian nan, xây dựng thành công quy trình xử lý dịch hại, trái xoài và thanh long đã được đến tay người tiêu dùng.

Xây dựng ngành trái cây chủ lực

Theo ông Hoàng Trung, sau thời gian phát triển, hiện diện tích cây ăn quả của Việt Nam đạt hơn 786.000 ha, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất, chiếm gần 40% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Nhờ tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh và trình độ canh tác của các nhà vườn được nâng cao nên năng suất và sản lượng cây ăn quả cũng tăng trưởng mạnh.

Ngày rằm, hàng hoa quả khi nào cũng đông khách. Những năm trở lại đây, người dân có xu hướng thích mua hoa  quả vườn nhà để thờ cúng, kén mua hoa quả đưa từ nước ngoài về.
Hình minh họa.

Tuy nhiên, trái cây trong nước lại đang đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững khi vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nguồn cung khó bảo đảm cả số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó doanh nghiệp XK trái cây còn yếu và thiếu kinh nghiệm giao thương, quản lý.

"Chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản như diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt, trồng và chăm sóc theo những tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, cũng như từng bước quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng XK, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định. Bên cạnh đó, để tạo thêm nhiều cơ hội cho trái cây, ngành nông nghiệp đã đặt quyết tâm xây dựng ngành trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam Bộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và ít nhất 50% sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP đáp ứng tốt những yêu cầu XK", ông Hoàng Trung nói thêm.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù XK trái cây liên tục tăng mạnh nhưng hầu hết đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch. Tỷ lệ các loại trái cây chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép... chiếm không đáng kể. Để duy trì và mở rộng thị trường cần phải quy hoạch lại vùng sản xuất trái cây XK và xây dựng khung chất lượng bảo đảm các tiêu chí. Hiện ngành nông nghiệp đã chú trọng phát triển 12 loại trái cây chủ lực gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng XK trái cây, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hợp tác với nhóm sản xuất có cơ chế phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất.

Theo Lê Nghĩa/baotintuc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cơ hội rộng mở cho trái cây Việt xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO