Cơ hội việc làm rộng mở với sinh viên ngành Luật
Vị thế của ngành Luật ngày càng được khẳng định, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Luật vì thế cũng trở nên rộng mở.
Nhu cầu nhân sự ngành Luật cao
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, ước tính chỉ riêng các chức danh tư pháp Việt Nam cần khoảng 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên thi hành án dân sự và thừa phát lại. Con số trên còn tăng lên gấp nhiều lần khi tính đến lượng công chức làm việc tại các bộ, ban ngành và doanh nghiệp.
Như vậy, ngành Luật tại Việt Nam đang có nhu cầu nhân lực rất lớn, đặc biệt là trong các chức danh tư pháp và các vị trí liên quan đến thực thi và quản lý pháp luật.
Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho các sinh viên và chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, đồng thời khẳng định vị thế của ngành Luật như một trong những ngành học và nghề nghiệp “đắt giá” của thời đại.
Cơ hội việc làm rộng mở
Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có cơ hội việc làm rất rộng mở với các vị trí việc làm đa dạng như trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty, doanh nghiệp tư nhân ở tất cả các lĩnh vực. Có thể có các nhóm vị trí việc làm sau:
Nhóm 1: Làm việc tại Cơ quan Đảng, Tổ chức Chính trị-xã hội; cơ quan lập pháp, hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật (Tư pháp) như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan thi hành án, Công an (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Công an…).
Nhóm 2: Hành nghề độc lập hoặc làm việc cho các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý như: Văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, thừa phát lại, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản, các trung tâm trọng tài thương mại… của Việt Nam và nước ngoài (Luật sư, công chứng viên, hòa giải viên thương mại, quản tài viên hành nghề quản lý, thanh lý tài sản…).
Nhóm 3: Làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng với tư cách là các chuyên viên, nhân viên pháp chế, tư vấn pháp luật, quản trị nhân sự, thu hồi nợ…
Nhóm 4: Giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về pháp luật, hành chính - chính trị như các trường đại học, cao đẳng, trung học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại - Phó Trưởng khoa Luật học, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh chia sẻ: Có thể thấy, với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu nhân sự luật trong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tăng, mở ra cơ hội nghề nghiệp lớn. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn theo học Luật để trau dồi bản thân, cũng như có được một nghề nghiệp tốt với mức thu nhập hấp dẫn. Mức lương ngành Luật thường do tổ chức hành nghề luật sư trả tùy vào việc đóng góp của từng luật sư nhưng sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại cũng cho biết, hiện nay, các cơ sở đào tạo ngành Luật như Trường Đại học Vinh và các trường đại học top đầu cả nước đều xây dựng khung chương trình đào tạo hiện đại, tập trung vào kỹ năng nghề nghiệp, phù hợp với chuẩn đầu ra của thế giới việc làm và xu hướng toàn cầu. Đội ngũ giảng viên của khoa Luật và Luật Kinh tế Trường Đại học Vinh khá hùng hậu với 36 giảng viên, trong đó có 01 phó giáo sư, 20 tiến sĩ, 16 thạc sĩ. Nhiều người đã được đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước .
Bên cạnh các lớp học lý thuyết, các cơ sở đào tạo cũng thường xuyên tổ chức các chương trình thực tế nghề nghiệp, các phiên tòa giả định, kết nối với các cựu sinh viên, chuyên gia trong ngành nhằm tạo cho sinh viên có cơ hội được cọ xát với nghề và tạo ra một mạng lưới quan hệ trong giới pháp lý rộng rãi.
Thực tế cho thấy, trong số hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp ngành Luật học của Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Vinh, rất nhiều người đã trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực như tài chính ngân hàng, nhiều người trúng tuyển vào các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Ban Nội Chính các cấp; nhiều người cũng trở thành luật sư, thành lập doanh nghiệp, văn phòng, công ty luật...
Do nhu cầu của ngành Luật tăng cao, cơ hội việc làm hấp dẫn nên trong những năm qua, điểm chuẩn ngành Luật đều khá cao. Năm 2023, hầu hết điểm chuẩn cao nhất đối với khối ngành Luật ở các trường đều nằm ở tổ hợp (khối) xét tuyển C00 (Văn, Sử, Địa). Trong đó, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn cao nhất với 27,5 điểm, rơi vào ngành Luật (xét tuyển bằng khối C00). Đứng thứ 2 là Trường Đại học Luật Hà Nội với 27,36 điểm, xét theo tổ hợp C00 ở ngành Luật Kinh tế.
Với Trường Đại học Vinh, điểm chuẩn cả 2 ngành Luật học và Luật kinh tế đều 19 điểm (xét tuyển bằng khối C00). Năm 2024, ngành Luật và Luật Kinh tế Trường Đại học Vinh có 300 chỉ tiêu tuyển sinh với 04 khối xét tuyển là:
- C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý;
- D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh;
- A00: Toán, Vật lý, Hoá học;
- A01: Toán, Vật lý, tiếng Anh.Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại - Phó Trưởng Khoa Luật học, Trường Đại học Vinh