Có lạm dụng giọng nói ở giáo viên?

19/12/2017 17:16

Theo kết quả đánh giá của các bệnh viện, hằng năm giáo viên (GV) mắc bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao trong đó tập trung vào các bệnh phổ biến như viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản và cả ung thư.

Thế nào là lạm dụng giọng nói ở giáo viên?

Hiện nay, một số GV bộ môn Âm nhạc ngoài dạy chính thức ở trường cơ hữu, còn dạy thêm ở một số trường tiểu học khác do tình trạng thiếu GV. Dạy bộ môn Âm nhạc không chỉ nói nhiều, mà còn phải bắt nhịp hát cùng với HS trong mỗi ngày nên giọng nói của các “ca sĩ thầy giáo” này cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài đứng trên bục giảng, cuối tuần học còn tranh thủ đứng trên sân khấu ca nhạc để chạy các show diễn nên liên tục sử dụng giọng nói và giọng ca. Một số GV có kinh nghiệm nhiều năm nên đã tìm cách tiết chế giọng nói để có cơ hội bám nghề được lâu dài. Nhưng cũng có người phải chạy theo nhiều bản hợp đồng nên bỏ mặc cho sức khỏe giọng nói của mình.

Rõ ràng tính chất công việc của nghề nghiệp đã đẩy thầy cô trong cuộc phải hứng chịu căn bệnh liên quan đến âm thanh này. Bên cạnh giảng bài, GV còn tham gia các hoạt động khác, mà lời nói cũng rất cần thiết như sinh hoạt chủ nhiệm lớp, câu lạc bộ ngoài giờ nên việc tiết chế giọng nói quả là một thử thách rất khó vượt qua.

GV dạy bộ môn khoa học tự nhiên như toán lý hóa đã nói nhiều nhưng GV dạy các bộ môn khoa học xã hội lại càng lạm dụng giọng nói gấp đôi gấp ba lần nên sức khỏe sau một năm học gần như đuối hẳn. Các trợ lý thanh niên tham gia hoạt động phong trào Đoàn trường THPT, GV phụ trách công tác Đoàn đội trường TH và THCS cũng bị các căn bệnh về đường hô hấp “viếng thăm” liên tục do dùng giọng nói làm “vũ khí chiến đấu” hằng ngày.

Lạm dụng giọng nói là không phải nói theo giọng bình thường vốn có của một người, mà sử dụng giọng nói quá mức, như nói quá lớn, nói liên tục theo yêu cầu công việc. Khi lạm dụng giọng nói quá mức, dây thanh rung động mạnh, biên độ căng quá mức dẫn đến tổn thương dây thanh như phù nề, xung huyết.

Kéo dài tình trạng này sẽ gây viêm thanh quản, viêm họng, khàn tiếng và rất khó khăn trong giao tiếp. Trên thực tế, GV là đối tượng lạm dụng giọng nói hằng ngày nhiều hơn cả. Để bảo vệ giọng nói, lời khuyên tốt nhất của thầy thuốc là GV không nên dạy liên tục trong nhiều giờ liền.

Sau mỗi tiết dạy phải có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Trong quá trình nghỉ ngơi dù chỉ 5 phút cũng nên tranh thủ uống nhiều nước và tạo thói quen tốt uống nước thường xuyên.

Một số trường do điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt, GV phải dạy trong một không gian rộng, sĩ số học sinh đông thì nên sử dụng micro để lên lớp, đừng nên nói quá to. Một số thầy cô bị khàn tiếng là do nói quá sức và quá nhiều, vì thế thiết kế phòng học phải đúng quy cách không được quá rộng, vượt qua sĩ số cho phép.

Đối với GV dạy tiểu học, ngoài bài giảng còn phải thường xuyên nhắc nhở các em trật tự nên phải nói nhiều hơn. Theo giới chuyên môn, không chỉ cần tìm ra phương thuốc hữu hiệu trong quá trình điều trị bệnh hô hấp cho GV, mà ngành y còn cần thể hiện sự quan tâm đối với ngành giáo dục trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, tiếng ồn xung quanh lớp học cũng gây ảnh hưởng đến giọng nói của người thầy. Khi ở gần chỗ đông người như chợ, đường phố, công xưởng thì trường học phải chịu nhiều tiếng ồn.

Để giúp học sinh tiếp thu được bài, không còn cách nào hơn GV phải ráng hết sức. Thế nhưng, chính vì điều này các thầy cô đã vô tình tự làm hại sức khỏe của chính mình. Tốt nhất là GV phải tìm cách hạn chế tiếng ồn trong điều kiện có thể được. Điều này cần có sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường.

Theo GD&TĐ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Có lạm dụng giọng nói ở giáo viên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO