Tình cờ lướt Facebook, thấy trên tờ Lao động Việt Nam điện tử có bài viết về Khu du lịch sinh thái Diễn Lâm ở huyện Diễn Châu, gọi đây là nơi trải nghiệm cung bậc cuộc sống (“Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm: Nơi trải nghiệm cung bậc cuộc sống” – laodong.vn ngày 5/8/2018).
Hiếu kỳ, vào Google gõ từ khóa Mường Thanh – Diễn Lâm thấy “bạt ngàn” bài viết trên các báo, trang thông tin điện tử với lời ngợi khen, góp phần quảng bá cho nơi này. Ngay như website của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng có hẳn một bài giới thiệu, với tiêu đề “Đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm tận hưởng không gian xanh bốn mùa”.
Đã vài lần ghé đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, nên thông tin trong bạt ngàn bài viết ấy, không hề ngợi khen thái quá. Thậm chí còn tiếc, vì chưa có tác giả nào đủ công phu đào sâu, tìm kỹ kể ra được cái sự thai nghén, sinh thành, nuôi dưỡng, bồi đắp để Nghệ An – mùa Hạ gió Lào gắt nắng, mùa Đông gió bấc mưa dầm – có được một “không gian xanh bốn mùa”, “là nơi trải nghiệm cung bậc cuộc sống”.
Thật sự là vậy, vì Diễn Lâm, một thời kỳ rất dài là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Hình ảnh về Diễn Lâm xưa là những ngọn đồi trơ trụi, những cánh đồng bạc màu phơ phếch, những thôn xóm dân cư cũ kỹ tiêu điều…, là nơi mà đời sống người dân khó khăn, cơ cực nhất huyện Diễn Châu.
Ấy thế nhưng, kể từ khi Tập đoàn Mường Thanh cùng với sự dẫn dắt đầy tâm huyết của ông Lê Thanh Thản xuất hiện, thì Diễn Lâm thực sự chuyển mình. Nhất là từ ngày Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm tạo được “không gian xanh bốn mùa”, trở thành “nơi trải nghiệm cung bậc cuộc sống”, đã tạo cú hích để toàn vùng “chó ăn đá, gà ăn sỏi” Diễn Lâm thay đổi, đến nay thì có thể nói, nếu không phải người từng đến đó sẽ khó mường tượng ra.
Đọc những gì người ta viết về Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, thấy vui khi tỉnh có được một điểm đến thu hút khách du lịch. Nhưng nghĩ sâu hơn về sự thay đổi của vùng đất Diễn Lâm, thấy tiếc cho Nghệ An mình, khi có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích có thể thu hút đầu tư phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nhưng còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác.
Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiều đại biểu cũng đã nhắc đến vấn đề này, thiết tha đề nghị tìm giải pháp khai thác tiềm năng để Nghệ An phát triển nền kinh tế du lịch, một mục tiêu trong nhiều mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thậm chí vì tâm huyết, vì trách nhiệm, nên tại phiên thảo luận và phiên chất vấn của kỳ họp nói trên, một số đại biểu đã nói về một nguyên nhân lớn, là có quá nhiều dự án gắn với phát triển du lịch nhưng “treo”, chậm tiến độ, hoặc thậm chí phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên.
Đó là đại biểu Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, đã nhắc đến dự án Khu du lịch sinh thái đảo chè với nhà đầu tư Cienco4. Đây là một đại dự án rất được kỳ vọng, nhưng đã 6 năm trôi qua kể từ ngày công bố quy hoạch, đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện.
Đó là đại biểu Trần Phan Long ở thị xã Cửa Lò, rất trăn trở thông tin về đô thị biển của tỉnh đang hiện hữu quá nhiều dự án chiếm đất lớn, vị trí thuận lợi trong đầu tư kinh doanh nhưng nhiều năm qua đầu tư chắp vá, chậm tiến độ, vi phạm quy hoạch, hoặc không đầu tư dẫn đến kéo lùi sự phát triển. Và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh quan tâm, khẩn trương đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm.
Trò chuyện bên lề kỳ họp, vị đại biểu là Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đã cảm thán rằng, ngày nào chưa tìm lối thoát cho dự án Khu du lịch sinh thái đảo chè thì ngày đó ông còn thấy bản thân có lỗi với cán bộ và nhân dân huyện nhà. Ông Trình Văn Nhã nói: “Nhân dân huyện Thanh Chương rất nóng ruột, bức xúc trước thực trạng chủ đầu tư thiếu hợp tác, “treo” dự án Khu du lịch sinh thái đảo chè. Còn cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở thì rất buồn, rất lo vì quy hoạch này có nguy cơ bị phá vỡ, kinh tế – xã hội của địa phương bị ảnh hưởng. Vì vậy, với trách nhiệm của bản thân, tôi phải có ý kiến về nội dung này, và sẽ tiếp tục có ý kiến đến khi nào có sự thay đổi…”.
Nếu đem so sánh vùng đất Diễn Lâm trước đây với vùng đảo chè Thanh Chương, hay với đô thị biển Cửa Lò, thật khập khiễng! Nhưng cũng chính vì vậy, cần phải đặt câu hỏi: Tại sao Tập đoàn Mường Thanh gây dựng được Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm “không gian xanh bốn mùa”, là “nơi trải nghiệm cung bậc cuộc sống” trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” Diễn Lâm; trong khi, những đảo chè, đô thị biển Cửa Lò, rồi nhiều lắm những vùng đất gắn với thiên nhiên hùng vỹ, danh lam thắng cảnh, quần thể di tích nổi tiếng của tỉnh lại thiếu vắng nhà đầu tư tầm cỡ, tâm huyết?
Nghĩ rằng, cần kiên quyết với những dự án treo, chậm tiến độ, vi phạm quy hoạch… và cần có lời giải cho câu hỏi này để có sự thay đổi. Nếu không, sẽ tiếp tục có lỗi khi lãng phí tài nguyên!