Có một màu hoa trên cát biển xôn xao

Loài cây ấy, hoa đã tím đến tận cùng mong mỏi, lá đã xanh đến cùng tận ước ao. Lan trên triền cát bỏng những tháng mùa hè gắt nắng và gió Lào thiêu đốt, một dải biển Quỳnh, từ Quỳnh Thọ, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương… của huyện Quỳnh Lưu, mà xanh, mà tím.

Cái loài hoa đến lạ, mọc được trên cát mặn. Người con trai ấy bảo với tôi rằng, hạt hoa đến từ những dòng nước biển xô dạt. Hạt tự vùi mình trên cát, để đợi tháng Năm – tháng bắt đầu gắt nắng – dâng tặng con người ta một món quà bất ngờ. Vậy thì có điều chi khiến tôi còn nghi ngờ ở những màu nhiệm của tự nhiên, nghi ngờ ở những màu nhiệm của cuộc sống vốn có bao nhiêu thử thách và gian khó?

Người ta đã vì yêu hoa, vì biết ơn sự màu nhiệm ấy, mà sáng tạo cho hoa một câu chuyện tình diễm lệ. Có một chàng trai tên Biển, yêu cô gái tên Muống. Để có đủ sính lễ cưới được người con gái mình yêu, chàng trai đã đi tìm luồng cá trong một ngày giông bão. Để rồi, chàng đã mãi mãi không về sau một con sóng dữ cuốn chàng ra với thăm thẳm đại dương. Cô gái ngồi trên bờ biển đợi người yêu trở về, mòn mỏi sau những con sóng trắng, để rồi cô cùng gục xuống với nỗi buồn đau, hóa thân làm loài cây, thân mềm mại như muốn vươn chạm xuống mép sóng, và hoa nở bừng một niềm mong mỏi, nhớ nhung…

Chuyện tình cổ tích nào mà chẳng được khoác lên vẻ đẹp đến khắc khoải? Nhưng, có đứng chân trên cát, có sống cuộc sống, dẫu chỉ một ngày với ngư dân, mới biết có bao nhiêu câu chuyện đời, đã nở trên cát, đẹp đẽ hơn, dữ dội hơn, khốc liệt hơn cả huyền thoại…

Ám ảnh trong tôi là câu chuyện về những người đàn bà làng chài nhỏ Thành Công bên biển Quỳnh Long. Những người từ thuở nhỏ đã theo chân mẹ ra biển đón cha về hàng đêm, rồi lớn lên lại ra bãi cát đón chồng. Có người đàn bà đã chứng kiến mẹ mình chạy dọc theo bãi biển gào khóc gọi tên cha, rồi đến lượt mình lại chạy cùng vành khăn trắng gào gọi tên chồng. Những bước chân bấm vào cát. Những tiếng gọi chỉ có sóng trắng đáp lời… Thế mà họ vẫn gạt nước mắt đứng lên, vẫn tin ở biển. Biển cả dữ dằn và tai ương, nhưng cũng đầy phóng khoáng rộng lượng. Để rồi, hàng đêm, những người đàn bà làng biển ấy, lại đứng trên cát với ngọn đèn cháy trên tay chờ đón người đàn ông của gia đình họ trở về trong hơi thở phập phồng vị mặn.

Những người đàn bà hát ru con, hát ru thân phận mình, rằng: “Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, thế nhưng vì đã yêu, vì đã thuộc về biển, thì làm sao họ có thể chối từ? Cũng như người con trai ấy, đã nói với tôi rằng: Loài muống biển nhìn mong manh thế, nhưng lại mạnh mẽ đến vô cùng. Điều gì, nếu không phải vì yêu, có thể giúp nó có được sự mạnh mẽ đến khôn cùng ấy?

Phải rồi, hoa muống cũng như những người đàn bà “lấy chồng nghề biển” quê anh, đã lựa chọn cát mặn, đã lựa chọn gió Lào, là nương trên những nhọc nhằn, mặn chát ấy mà sinh sôi, mà kiêu hãnh bung nở. Tin rằng sau con sóng kia, người đàn ông mà họ yêu thương sẽ trở về.

Những đóa hoa giản dị, khiêm nhường. Đến sắc màu cũng chỉ muốn làm dịu mát ánh mắt ai đó chạm vào. Nhưng lại cháy bỏng, bền bỉ, chung thủy một niềm tin. Hoa đã dạy tôi bao điều mà nếu không yêu thương, sao tôi có thể hiểu?

Và tôi, những ngày này, lại tìm về trên những trảng cát quê hương. Những trảng cát đã quen thuộc với từng ngư dân, sao sáng nay bỗng lạ. Chỉ bởi, màu trắng cát, sáng nay bỗng tím rực sắc hoa. Bước chân người đi biển chừng như cũng chậm lại, sợ giẫm lên những đóa mỏng rung rinh. Có cô gái nào đi lang thang trên bãi biển ban mai, nhặt một dây hoa, cài lên thành một chiếc vương miện trên mái tóc. Cô gái ơi, có phải cô đang mơ giấc mơ thơ ấu? Hay cô đang hát bài ca của hiện tại này? Có hoàng tử nào sẽ rẽ ngọn sóng trắng cập bến bờ này cùng những cánh buồm thắm đỏ?

Phải rồi, những mơ mộng viển vông, những chờ mong thấp thỏm…đều đang bay cùng một trái tim đang yêu! Như muống biển – là màu yêu trên cát xôn xao.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn Thị Kim Thúy

    Bài viết hay, nhiều hình ảnh đẹp, câu ,từ sắc gọn. Cuốn hút người đọc.