Về xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương sau hoàn lưu bão số 4, làng mạc mênh mông nước bạc, nghe chuyện của người lính thời kháng chiến chống Mỹ Chu Văn Lương mà thêm chạnh lòng.
Những thông tin về ông Chu Văn Lương đến với chúng tôi qua mạng xã hội, do đồng đội năm xưa của ông đưa lên. Ở đó, có ký ức chiến tranh, có tình thương đồng đội, có vất vả kiếm tìm bằng chứng thương binh… và có cả những trách hờn cho rằng, đang có sự vô tâm. Kết nối, được xác thực tại xã Thanh Lương có ông Chu Văn Lương, từng nhập ngũ, chiến đấu, bị thương trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng mất hết giấy tờ nên chưa được hưởng chế độ thương binh. “Cụ thể ra sao, nên về Thanh Lương một chuyến…” – một nguồn tin trao đổi.
Ngược lên xã Thanh Lương ngày 30/9, mưa lớn ràn rạt, đường vào khu vực xóm 5, nơi ông Lương đang sống chìm trong biển nước. Ở đây, dân quân xã dựng rào chắn, ngăn lại. “Nhà ông Lương phía trong, đường đã ngập sâu, xã phải dựng chắn cảnh báo, xe máy cũng không vào được. Ít hôm nữa nước rút các anh hẵng đến…” – một anh nói. Trở lại ngày 4/10, đã hửng nắng, nhưng nước lũ rút chậm, đường vẫn ngập. Nhờ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nguyễn Văn Sơn dẫn đi vòng vèo xuyên qua các nhà dân, chúng tôi mới tới được nhà ông Chu Văn Lương.
Xã Thanh Lương từ khá lâu đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cổng, lối vào của các gia đình nơi này đều xây dựng khá kiên cố, đấu nối với đường bê tông nội xóm. Duy nhà ông Lương, lối vào nguyên bản nền đất đỏ cùng bờ mạn hảo. Gầy gò trong bộ đồ pijama đón khách, tay ông Lương không rời chiếc ống thở, nói từng câu đứt đoạn: “Tôi bị tắc nghẽn phổi. Bệnh này có sau khi bị bom đánh sập hầm. Hồi trẻ có sức thì không sao. Giờ tuổi cao sức yếu nó trở lại hành hạ…”.
Khi biết ý định của khách, ông gọi vợ ra, còn mình “xin phép vào nằm máy thở mươi phút để có sức giãi bày”. Thay chồng tiếp khách, vợ ông là bà Phan Thị Hồng, ngân ngấn nước mắt, nghèn nghẹn nói: “Ông yếu lắm. Ở viện nhiều hơn ở nhà, đã mấy lần tưởng chết. Còn việc của ông, là mong muốn cuối đời cho con cháu được tự hào, nhưng mà chưa được. Bây giờ, như đèn cạn dầu làm sao đeo đuổi…”.
Chừng 10 phút, ông Chu Văn Lương trở ra với tập hồ sơ mỏng trên tay. “Giấy tờ chứng thực bị thương của tôi đã mất hồi lụt năm 1978. Chỉ còn giữ được một số chứng nhận Huân, Huy chương…”- ông nói. Xem bản khai cá nhân, ông Lương sinh năm 1953, nguyên quán xóm 5, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, nhập ngũ ngày 13/12/1970. Đến ngày 25/1/1971, là chiến sỹ (cấp bậc B2), thuộc C22, E271, hoạt động trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị), Bố Trạch (Quảng Bình). Từ ngày 20/10/1971 đến ngày 18/2/1972, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường B2, tham gia chiến đấu trên địa bàn Thiện Ngôn, La Mát (Tây Ninh). Đến tháng 5/1973, là tiểu đội trưởng của C3, D7, E271, tham gia chiến đấu trên địa bàn An Thanh, Đức Huệ (Đức Hòa, Long An); đến ngày 21/6/1976 thì phục viên, trở lại quê hương.
Trong chiến đấu, ông Lương bị thương 3 lần. Lần thứ nhất, vào ngày 8/3/1972, khi chiến đấu tại vùng Thiện Ngôn, La Mát; vết thương do bom xăng gây ra ở vùng gót chân trái; được điều trị tại bệnh xá E271. Lần thứ hai, vào ngày 10/5/1973, khi chiến đấu tại vùng An Thanh, Đức Hòa (Long An); bị thương vùng bụng do trúng mảnh đạn M79, phải phẫu thuật ruột phía trái rốn; được điều trị 10 ngày tại bệnh xá E271. Lần thứ 3, vào ngày 4/4/1074, khi chiến đấu tại vùng Đức Huệ, Đức Hòa (Long An); bị bom đánh sập hầm, chịu sức ép dẫn đến tắc nghẽn phổi; được điều trị 40 ngày tại Trạm xá Bộ Chỉ huy Quân sự Long An.
Hỏi ông về những năm tháng gian khó ở chiến trường. Nhờ bà Hồng vỗ lưng cho dễ thở, ông chậm chạp kể về quãng đời quân ngũ, về những trận đánh ác liệt, và về những đồng đội đã không màng sự sống bản thân, cứu ông thoát khỏi hầm bị bom đánh sập…. “Trung đoàn 271 trước thuộc Quân khu 4. Sau được điều động vào Cam Lộ, Bố Trạch, rồi lại hành quân ròng rã 4 tháng trời vượt Trường Sơn, sang cả Campuchia để vào Thiện Ngôn, La Mát tham gia chiến đấu… Đồng đội tôi, hy sinh nhiều lắm. Thế nên, khi trở về, lập gia đình, có con, tôi thấy mình thật may mắn, chỉ lo mưu sinh mà không quan tâm bảo quản hồ sơ, không đề nghị công nhận thương binh. Sau này, thấy thiệt thòi thì mới lập hồ sơ đề nghị nhưng giấy tờ không còn. Đồng đội năm xưa giúp đỡ rất nhiều, gõ cửa khắp nơi, vào cả đơn vị cũ nhưng vì chiến tranh, thời gian đã trôi qua đến gần 50 năm, nên hồ sơ lưu trữ cũng không còn nữa…” – ông Lương buồn bã.
Trong tập hồ sơ mỏng của ông Chu Văn Lương, dù không có giấy chứng thực những lần bị thương, nhưng có một số chứng nhận thành tích trong chiến đấu. Đó là bản gốc Giấy chứng nhận được Huân chương số 693/CCGP ngày 30/6/1976 của Bộ Quốc phòng, chứng nhận được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì; Giấy chứng nhận có thời gian công tác XYZ số 9571 ngày 30/6/1978, chứng nhận nhập ngũ ngày 13/12/1970; thời gian công tác XYZ từ tháng 2/1971 đến tháng 6/1971. Bên cạnh đó, có thêm bản phô tô Quyết định ngày 2/12/1975 của Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba…
Hồ sơ cũng thể hiện, ông đã tìm về đơn vị cũ để sưu lục hồ sơ cá nhân. Cụ thể, ngày 2/1/2020, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) có Công văn số 02/SĐ-CT về việc “kiểm tra, xác nhận hồ sơ, danh sách lưu quân nhân bị thương” gửi cho ông Chu Văn Lương. Tại đây thông báo “Sư đoàn 5 qua rà soát, kiểm tra, đối chiếu toàn bộ danh sách quân nhân bị thương còn lưu trữ tại cơ quan chính sách Sư đoàn. Kết quả đơn vị không tìm thấy danh sách đăng ký quân nhân bị thương của ông Chu Văn Lương”. Nhưng Sư đoàn 5 cũng nêu nguyên nhân “do điều kiện Sư đoàn thường xuyên cơ động chiến đấu ở nhiều chiến trường và di chuyển nhiều lần, địa bàn đóng quân khác nhau nên việc quản lý, lưu trữ hồ sơ gặp nhiều khó khăn có thể rách nát hoặc thất lạc”.
Đồng thời, còn dẫn một số thông tin về Trung đoàn 271 khớp với bản khai và lời kể của ông Lương. Đó là theo Sách lịch sử Trung đoàn 271 giai đoạn 1947 – 2017 “Ngày 12/11/1971, Trung đoàn từ địa phận xã Cự Nẫm (huyện Bố trạch, tỉnh Quảng Bình) hành quân và tập kết tại Bộ Tư lệnh Miền (B2) tiếp tục hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ; tháng 3/1972, Trung đoàn 271 (Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8) đánh chiếm Thiện Ngôn; ngày 19/2/1973, kết quả trong đợt chiến đấu cắm cờ, giành đất, giành dân, chống địch phá hoại Hiệp định Paris, Trung đoàn tác chiến 239 trận, tiêu diệt 5.133 tên địch, cuối tháng 4/1973, Trung đoàn đánh bại 3 Tiểu đoàn bảo an ngụy…”.
Để có thêm thông tin, chúng tôi hỏi ông Lương về những đồng đội đã tìm đến với ông. Bày tỏ cảm kích, ông nhắc đến một số người, trong đó, có các ông Lê Cường, Vương Khả Sơn, Trần Võ Việt… Cùng chúng tôi đến thăm ông Lương có anh Võ Bá Hiếu – cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương, là con rể ông Trần Võ Việt. Biết vậy, ông Lương hào hứng kể về ông Việt, là niềm tự hào của Trung đoàn 271. “Trần Võ Việt thì nói chi hết, khỏe, dũng cảm nổi tiếng. Ông Việt từng bắn cháy loạt tàu Mỹ trên sông Vàm Cỏ, trèo cả lên cây dùng B41 bắn trực thăng… Tôi bên bộ binh, Việt bên công binh, khác đại đội nhưng có cùng đánh một số trận khi các đại đội của Trung đoàn hợp đồng tác chiến…”.
Có thông tin này, chúng tôi đã lên xã Thanh Đồng để gặp ông Trần Võ Việt. Đây là một nhân vật nổi tiếng, là người đã bắn liên tục 14 quả đạn B41 hạ 6 tàu Mỹ trên sông Vàm Cỏ, được báo chí nhắc đến nhiều. Đề cập đến ông Chu Văn Lương, ông Việt xác nhận mới cùng một số đồng đội Trung đoàn 271 đến thăm. “Hôm ấy, có cả Đại tá Lê Cường – nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, từng là Trung đội trưởng của Trung đoàn 271…” – ông Việt nói. Rồi thông tin, cả hai ông cùng trang lứa, cùng quê Thanh Chương, cùng nhập ngũ tháng 12/1970, trở thành lính của Trung đoàn 271. Sau đó, vào mở đường thắng lợi ở Quảng Trị, an dưỡng ở Quảng Bình, rồi cùng đồng đội hành quân thực binh vượt Trường Sơn 4 tháng vào Tây Ninh tham gia chiến trận.
“Lương là lính bộ binh, còn tôi bên công binh. Trung đoàn 271 tham chiến ở nhiều hướng, tôi chủ yếu đánh địch trên sông Vàm cỏ Đông; còn Lương, chủ yếu đánh ở vùng Đức Huệ, Đức Hòa. Khi thành lập, Trung đoàn 271 có 2.600 người, nhưng trong chiến đấu đã hy sinh hơn 2.000 người. Hiện nay, những người thuộc Trung đoàn 271 từ năm 1975 trở về trước chỉ còn khoảng 300 người đều là thương, bệnh binh, tôi cũng là thương binh 3/4. Ngày 11/10 này, Trung đoàn 271 phía Bắc dự kiến hội ngộ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh để ôn lại truyền thống, tôi đang liên lạc với anh em để tổ chức đi cùng nhau. Về việc của đồng chí Lương, nếu được lấy ý kiến, tôi sẽ làm chứng chúng tôi cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Về việc bị thương, dù bị mất hết giấy tờ nhưng hiện chứng tích bị thương vẫn còn trên người đồng chí ấy, tại vùng bụng, vùng chân. Đơn vị cũ dù không lưu được hồ sơ của đồng chí Lương, nhưng đó là do chiến tranh thất lạc, nhiều đồng đội khác của Trung đoàn 271 cũng như vậy. Trên tinh thần đồng đội, tôi mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm, xem xét giúp đỡ đồng chí Lương trong những năm cuối đời…” – ông Trần Võ Việt nói.
Tại nhà ông Chu Văn Lương, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ khoảng năm 2019, anh là người nghiên cứu chính sách, giúp ông Lương lập hồ sơ cá nhân, và cũng là người đưa ông lên Ban Chỉ huy Quân sự huyện để chỉnh lý hồ sơ. “Ở xã còn 2 bác cũng đang đề nghị công nhận thương binh, nhưng bác Lương sức khỏe yếu nên chúng tôi vẫn thường hỗ trợ…” – anh Nguyễn Văn Sơn trao đổi. Rồi cho biết, cách nay hơn 10 ngày, có 2 cán bộ chính sách Ban Chỉ huy Quân sự huyện về thăm ông Lương. Sau đó, trao đổi sắp được tập huấn Nghị định mới (Nghị định 131/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thực hiện Pháp lệnh người có công với cách mạng – PV) để triển khai thực hiện; nhắc Ban Chỉ huy Quân sự xã sau khi được tập huấn thì quan tâm giúp ông Lương bổ sung hồ sơ, tiếp tục đề nghị xét chế độ thương binh.
Nhờ anh Võ Bá Hiếu kết nối với những cán bộ chính sách Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Chương, được xác nhận những nội dung anh Nguyễn Văn Sơn đã trao đổi. Cụ thể, khi đến thăm ông Lương, đã thông tin thời gian tới Ban Chỉ huy Quân sự huyện sẽ được tập huấn về Nghị định 131/NĐ-CP. Sau khi tập huấn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện sẽ triển khai đồng loạt ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ban Chỉ huy Quân sự xã kiểm tra hồ sơ của ông Lương, nếu đáp ứng các quy định thì giúp thiết lập hồ sơ theo Nghị định mới. “Các anh ấy cũng nói, trường hợp ông Chu Văn Lương sức khỏe yếu, có thể ủy quyền để người khác giúp làm…” – anh Võ Bá Hiếu nói thêm.
Với niềm mong nguyện vọng của người lính chống Mỹ thành hiện thực, chúng tôi đã nghiên cứu Nghị định 131/NĐ-CP. Tại đây, quy định rõ trách nhiệm cấp giấy chứng nhận bị thương là “Cơ quan, đơn vị quản lý cá nhân tại thời điểm bị thương…”; trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận thương binh là “Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người bị thương…”. Nghĩ đến lời ông Trần Võ Việt “Ngày 11/10 này, Trung đoàn 271 phía Bắc dự kiến hội ngộ…”, rồi nghĩ về những giấy chứng nhận Huân, Huy chương của ông Lương vẫn đầy đủ số hiệu, thời gian cấp; nên chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Võ Việt: “Nếu bám theo số hiệu, thời gian trên các giấy chứng nhận Huân, Huy chương tìm được giấy tờ liên quan ở những nơi lưu trữ, và có thêm nhiều đồng đội cùng đơn vị năm xưa xác nhận, việc đề nghị chứng nhận bị thương của ông Lương sẽ thuận lợi hơn. Trong cuộc hội ngộ của Trung đoàn 271 ngày 11/10 , bác có thể trao đổi để mọi người quan tâm giúp ông ấy”. Không chút do dự, dũng sỹ bắn tàu Mỹ trên sông Vàm Cỏ Trần Võ Việt trả lời: Tôi sẽ trao đổi với anh em những việc này!
Anh Đặng
Tôi rất tâm đắc với bài viết của bạn Nhật Lân. Mong những CCB, những cơ quan liên quan quan tâm để ko để sót một CCB, một “thương binh thật”, đã công trong kháng chiến chống Mỹ. Muốn Nhật Lân viết tiếp về bác Trần Võ Việt.