Có nên luật hóa quy định xe cá nhân phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe?
(Baonghean.vn) - Đây là vấn đề được đặt ra khi thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sáng 10/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi và Bắc Kạn về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Dự phiên thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu đoàn Quảng Ngãi.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận.
TÂM LÝ XÃ HỘI CÒN CHƯA XẤU HỔ KHI VI PHẠM LUẬT GIAO THÔNG
Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đề cập nhiều nội dung liên quan đến quy định trong dự thảo còn bất hợp lý so với thực tiễn.
Đặc biệt, đại biểu dẫn số liệu cho thấy trung bình 10.000 người chết/năm do tai nạn giao thông. Theo thống kê, có đến 687 vụ tấn công cảnh sát giao thông dẫn đến 8 chiến sĩ hy sinh, 234 chiến sĩ bị thương, mà 1 trong 3 nguyên nhân - theo Bộ Công an, là do người điều khiển phương tiện chiếm 90%. Đại biểu cho rằng, quy định về tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với dự án luật này cần phải có điểm khác biệt hơn các luật khác. Đó là phải hướng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ trăn trở khi tâm lý xã hội còn chưa cảm thấy thực sự xấu hổ lúc vi phạm luật giao thông, ngược lại còn ngay lập tức gọi điện thoại cầu cứu, xin xỏ… “Luật phải có những quy định, chế tài để khắc phục tình trạng này trong thực tế”, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền nói.
Bà cũng ủng hộ các giải pháp lắp camera giám sát, hình thành trung tâm chỉ huy giao thông thông minh, cơ động, phủ lấp được điểm mù về giao thông và phải phát hiện, xử lý mọi hành vi vi phạm về giao thông, qua đó nâng cao ý thức người điều khiển giao thông. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa cụ thể hóa quy định về cách thức điều hành của trung tâm chỉ huy giao thông;…
Cũng liên quan đến dự án luật trên, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ băn khoăn khi quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng một trong các điều kiện là có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Ông cho rằng, thực hiện quy định này chi phí toàn xã hội bỏ ra tương đối lớn để trang bị thiết bị giám sát hành trình và đặc biệt là liên quan cả về yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì vậy, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị nên giữ lại các quy định hiện hành, là chỉ yêu cầu gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh dịch vụ thì có cơ sở hơn.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng chia sẻ quan điểm cho rằng, nên cân nhắc thời điểm này chưa nên đưa vào luật các quy định đối với phương tiện giao thông thông minh, mà cụ thể là xe tự lái. Vì loại phương tiện này đang có rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra.
Đối với Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ quan tâm đến quy tắc giao thông đường bộ vì nó điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông.
Ông cho biết, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ có báo cáo lỗi vi phạm nào là chủ yếu về quy tắc, từ đó nghiên cứu để phòng ngừa; để ĐBQH có cơ sở xây dựng quy tắc về giao thông đường bộ.
TÍNH TOÁN KỸ LƯỠNG, CHẶT CHẼ CÁC QUY ĐỊNH VỀ ÁP THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi - đại biểu đoàn Nghệ An nhận định, việc ban hành nghị quyết nhằm hình thành chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuộc diện điều chỉnh về thuế OECD về thuế tối thiểu toàn cầu nộp thuế.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 142 thành viên đã đồng thuận sẽ đánh thuế tối thiểu toàn cầu 15% trên mức lợi nhuận đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu. Quy tắc thuế này dự kiến sẽ thực thi từ đầu năm 2024, nhằm ngăn chặn cuộc đua thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, theo quan điểm của vị đại biểu đoàn Nghệ An, dự thảo Nghị quyết còn có vấn đề chưa giải quyết được như trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam thì cơ chế thuế với họ như thế nào?
Còn đối với các nhà đầu tư hiện hành đang hưởng ưu đãi miễn, giảm, thậm chí có những nhà đầu tư được ưu đãi thuế lớn, nên thu thêm thuế tối thiểu toàn cầu thì mức thuế chắc chắn ảnh hưởng lợi ích nhà đầu tư.
Trong khi đó, lợi ích của nhà đầu tư hay là ưu đãi cho nhà đầu tư không chỉ được bảo đảm bởi quy định pháp luật về bảo đảm đầu tư, mà còn bằng các hiệp định về bảo hộ đầu tư song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết.
Một khi lợi ích bị ảnh hưởng, có thể nhà đầu tư sẽ khiếu kiện ra các cơ quan tài phán quốc tế, lúc đó khả năng Việt Nam thua kiện là rất lớn. Do đó, theo ý kiến đại biểu, đây là thực tế và Chính phủ cần phải tính đến.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần quy định Nghị quyết này được ưu tiên áp dụng cao hơn các quy định về ưu đãi đầu tư trong trường hợp có mâu thuẫn trong kê khai và nộp thuế; đồng thời cũng nên có chế tài trong trường hợp nhà đầu tư không kê khai, nộp thuế theo Nghị quyết;…