Có phải dân thành phố 'mắc bệnh' lười đọc sách?
(Baonghean.vn) – Lười đọc sách dường như đã trở thành ‘căn bệnh’ thời đại. Người ta có thể có nhiều thời gian rỗi, ngồi hàng giờ ở quán cà phê, hát karaoke, lên mạng đọc tin tức … nhưng tuyệt nhiên rất ít người chọn lựa đọc một cuốn sách. Bạn có trăn trở trước thực trạng này không?
ThS Lê Hà Phương – Giảng viên Báo chí, Khoa Sư phạm Ngữ Văn, trường Đại học Vinh |
“Tôi nhận thấy thói quen và kỹ năng đọc của các bạn trẻ đã dần đổi khác. Tình trạng lười đọc sách ở tất cả các bạn ngày một tăng, kể cả khi sách được phát miễn phí và văn hóa đọc nghiêng dần về công nghệ "mì ăn liền": đọc nhanh, đọc ngắn, đọc mỏng. Các bạn ngại đọc sách dày, sách kinh điển, sách lý luận, thậm chí sách chuyên ngành. Trong khi đó, thời gian truy cập vào các trang mạng điện tử, mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao. Theo tôi, để phần nào giải quyết ‘căn bệnh’ này, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên phải là những người tiên phong đến với thư viện để trước hết hình thành cho bản thân, sau đó là hình mẫu để xây dựng thói quen, khơi dậy niềm đam mê đọc sách của sinh viên”. |
Em Trần Khánh Vy, học sinh chuyên Anh, trường THPT Phan Bội Châu |
“Em và các bạn cũng có đọc sách nhưng phần lớn là sách tham khảo, sách chuyên ngành phục vụ cho việc học tập. Các tác phẩm văn học cổ điển em cũng có biết đến nhưng không nhiều thời gian để đọc hiểu thấu đáo. Theo cá nhân em nhận thấy thì giờ giới trẻ cũng có nhiều bạn đọc sách nhưng hầu hết đọc tiểu thuyết ngôn tình. Lý do bởi tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn, kịch tính, nhân vật nam chính, nữ chính được xây dựng thường là xinh đẹp, giỏi giang, tuổi trẻ tài cao … rất phù hợp với tâm sinh lý, mơ mộng của lứa tuổi bây giờ. Em nghĩ với thời đại ngày nay thì không nhất định phải đọc sách giấy mà đọc sách điện tử cũng là ý hay”. |
Em Đặng Trúc Ly (phường Hưng Bình, TP.Vinh) |
“Cuối tuần là cháu được mẹ đưa đến thư viện để đọc sách. Ban đầu thì cháu cũng không thích lắm vì ở thư viện không được chạy nhảy, không được làm ồn ào nhưng sau thì cháu thấy ở đây… cũng được ạ. Cháu thích đọc truyện tranh nhất. Thư viện có phòng đọc riêng dành cho thiếu nhi, bàn ghế màu hồng và trang trí nhiều hình vẽ con vật ngộ nghĩnh nên cháu và các bạn thường đến sớm để chọn chỗ ngồi thật đẹp. Nhưng ở lớp cháu ít bạn biết đến thư viện lắm ạ. Chỉ có cháu với 1 bạn nữa là được bố mẹ đưa đến thư viện đọc truyện thôi”. |
Anh Nguyễn Anh Tú (ảo thuật gia Sky Nguyễn) |
“Tôi là người ít đọc sách. Cũng như các bạn trẻ khác thôi, tôi bị phụ thuộc nhiều vào internet, vào mạng xã hội. Ở đó có mọi thứ tôi cần. Bản thân tôi chưa từng biết đến và tham dự một chương trình, sự kiện nào về giới thiệu, quảng bá, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cả. Chỉ đôi lần được mời biểu diễn tại event của vài tác giả trẻ ở Hà Nội ra mắt cuốn sách mới. “à, thì ra đây là buổi giới thiệu sách, hóa ra cũng có những sự kiện như thế này!” Ý tôi muốn nói rằng công tác quảng bá, truyền thông các chương trình, sự kiện về sách còn kém quá, sức lan tỏa chưa cao, sự kiện hướng đến giới trẻ mà giới trẻ lại không hay biết gì. Nếu Nghệ An tổ chức được những sự kiện lớn về sách hấp dẫn, trẻ trung như đường sách ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thì chắc chắn là tôi sẽ đến và mua vài cuốn sách chứ, tại sao không?” |
Anh Cao Mạnh Hùng – chủ quán Mask Coffee |
“Mô hình cà phê - sách thật ra chỉ hình thành khi quán đã xây dựng xong, và có mấy anh bạn thân mang sách đến đọc. Tôi theo dõi và nghĩ thầm, không gian quán đẹp và yên tĩnh, làm cà phê - sách thì hợp quá đi chứ nhỉ! Và thế là, như bạn thấy đấy, 4 giá sách rộng rãi với hàng trăm đầu sách xuất hiện, qua thời gian, khách hàng đến quán tỏ ra rất thích thú và hưởng ứng. Theo tôi, giới trẻ ngày nay đúng là lười đọc sách. Nhưng nếu có không gian đẹp, phù hợp, tĩnh lặng và sẵn vài cuốn sách dạng truyện ngắn bên cạnh thì cũng không khó để hướng các bạn ấy đọc sách”. |
Bà Nguyễn Thị Tú Anh – Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An |
“Hiện tại thư viện tỉnh đón khoảng 4.500 người đọc sách/ năm, trong đó khoảng 2.000 người là thiếu nhi, thiếu niên độ tuổi từ cấp 2 trở xuống, khoảng 700 người là thanh niên từ 16 tuổi trở lên, còn lại là người cao tuổi. Theo tính toán, khoảng 107 người thành phố Vinh thì mới có 1 người đến thư viện đọc sách, nghĩa là chưa đầy 1% dân số! Mặt khác, hiện tại thư viện tỉnh có khoảng 17.000 bản sách, tính trung bình chỉ đạt 0,2 bản sách/ người/năm. Thống kê của Cục Xuất bản, bình quân mỗi năm người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo, trong đó, loại sách được giới trẻ đọc nhiều nhất là … truyện tranh (60%). Quá thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, như Malysia, mức trung bình của họ đã là 10 – 20 cuốn sách/ người/năm”. |
Phước Anh - Hữu Quân