Cơ quan chức năng sẵn sàng sửa sai để chấm dứt vụ việc

TS Thái Minh Tuấn 17/01/2018 09:24

(Baonghean) - Trong quá trình ban hành các quyết định hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo để xảy ra sai sót, người đứng đầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng nhận thức lại vấn đề để sửa sai, giải quyết đúng để chấm dứt vụ việc

Từ năm 2014 - 2017, toàn tỉnh đã tiếp 29.769 lượt công dân với 14.128 vụ việc, trong đó có 26 đoàn đông người. Số lượng đơn thư các loại đã tiếp nhận 27.700 đơn, trong đó khiếu nại 2.968 đơn (10,7%); tố cáo 2.057 đơn (7,4%); kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai 22.675 đơn (81,9%).

Đến nay các cấp, các ngành đã giải quyết được 95,09% vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp đã được giải quyết thấu tình đạt lý như: Vụ việc khiếu kiện của công dân tại HTX Bốc xếp Bến Thủy; các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng hầm Tuynel sông Sào...

Đây là chuyển biến lớn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân.


Phiên tiếp công dân tỉnh ngày 15/1/2018 do đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Phiên tiếp công dân tỉnh ngày 15/1/2018 do đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Những tồn tại, vướng mắc


Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, dù Luật Tiếp công dân quy định trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên trên thực tế, với nhiều lý do khách quan, các lãnh đạo đứng đầu ít tham gia tiếp công dân mà bố trí luân phiên cho cấp phó. Bởi vậy, công tác chỉ đạo, xử lý nhiều vụ việc phức tạp bị hạn chế.

Tại cấp huyện, theo quy định chỉ có một Trưởng ban tiếp dân, không có Phó trưởng ban, nên không có người thay thế trong những trường hợp cần thiết. Tại cấp xã không có biên chế chuyên trách tiếp dân mà bố trí công chức kiêm nhiệm, hầu hết chưa được đào tạo và thiếu kinh nghiệm.

Công tác phối hợp trong tiếp nhận và xử lý đơn thư giữa các cơ quan Đảng, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, UBMTTQ... chưa tốt.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều vụ việc mặc dù đã được giải quyết có lý, có tình nhưng công dân vẫn cố tình không chấp nhận, thường xuyên đến các cơ quan chính quyền để khiếu nại, tố cáo, thậm chí có phản ứng tiêu cực.

Các luật sư tại Văn phòng trợ giúp pháp lý Báo Nghệ An tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: Tư liệu
Các luật sư tại Văn phòng trợ giúp pháp lý Báo Nghệ An tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: Tư liệu

Nhiều vụ việc, đơn được phân loại chưa đúng bản chất dẫn đến việc giải quyết không chính xác, đẩy vụ việc từ đơn giản đến phức tạp.

Chẳng hạn vụ việc ông Trần Văn Thành, xã Nghi Tiến, Nghi Lộc kiến nghị việc cấp GCN QSDĐ nhưng UBND xã đã chuyển hướng vụ việc sang tranh chấp đất đai giữa công dân và UBND xã; vụ việc ông Ngô Sỹ Trung – Ngô Sỹ Nghĩa, Diễn Châu, bản chất là tranh chấp đất đai và cần phải được Tòa án nhân dân giải quyết nhưng đã được cấp huyện phân loại và giải quyết theo hướng khiếu nại việc cấp GCN QSDĐ.

Có một số vụ việc, cơ quan có thẩm quyền cố gắng giải quyết cho xong nhiệm vụ mà không chú trọng đến tính toàn diện, bản chất vụ việc; một số vụ việc xác định sai thẩm quyền, giải quyết không hết nội dung, giải quyết phần ngọn mà không dứt điểm từ gốc phải giải quyết lại, gây lãng phí nhân lực và kinh phí của Nhà nước.

Ví như vụ khiếu nại của ông Nguyễn Huy Hà (TP Vinh), vụ khiếu nại của các hộ dân đường ven Sông Lam (Nam Đàn), khi giải quyết khiếu nại lần 1 làm không hết nội dung khiếu nại, phải giải quyết bổ sung nhiều lần.

Vụ việc ông Nguyễn Tân Phúc (Nam Đàn), khi giải quyết lần 1 chỉ giải quyết nội dung khiếu nại bồi thường về đất, không chú ý đến gốc của vấn đề là quyết định thu hồi đất sai, cuối cùng phải hủy bỏ để giải quyết lại từ đầu; vụ việc ông Nguyễn Xuân Hỷ - Vinh, xác định sai thẩm quyền buộc phải hủy bỏ các quyết định giải quyết khiếu nại để giải quyết lại....

Ngoài ra, tình trạng giải quyết sai quy trình, né tránh vẫn còn diễn ra. Nhiều vụ việc trong quá trình giải quyết gặp khó khăn vướng mắc, cấp dưới có văn bản xin ý kiến của cấp trên và xem như đã làm tròn trách nhiệm, chỉ khi có văn bản trả lời mới giải quyết tiếp.

Việc áp dụng pháp luật trong các quyết định giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai cũng còn nhiều sai sót như dẫn chiếu quy định pháp luật không chính xác; không đưa ra căn cứ pháp luật mà căn cứ trực tiếp vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên ...


Sẵn sàng sửa sai để chấm dứt vụ việc

Để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Ban tiếp công dân các cấp cần phối hợp tốt với Công an, Chính quyền cơ sở để nắm chắc thông tin về những sự việc có thể gây phản ứng của nhiều người dân để kịp thời tham mưu giải pháp xử lý ngay từ ban đầu.

Đối với các vụ việc phức tạp nên giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu, giải quyết cho những tổ chức, cá nhân không trực tiếp tham mưu, ban hành, thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh những ảnh hưởng bởi cách tiếp cận đã hình thành trong quá trình thực hiện trước đây.

Bên cạnh đó, trong quá trình ban hành các quyết định hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn có thể xảy ra sai sót do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị cần sẵn sàng nhận thức lại vấn đề để sửa sai, giải quyết đúng để chấm dứt vụ việc chứ không phải giải quyết hết thẩm quyền.

Đối với các vụ việc phức tạp, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất cần tổ chức các buổi họp mở rộng, với sự tham gia của các ngành, địa phương, các cơ quan tư pháp, luật sư, nhà chuyên môn... để bàn phương án xử lý.

Ngoài ra, cần kiện toàn bộ máy tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; có chính sách ưu tiên trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cho đội ngũ làm công tác tiếp dân, thanh tra để thu hút những cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm. Tăng cường mở các khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, tập huấn, tọa đàm rút kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, thanh tra, tham gia giải quyết đơn thư để từng bước nâng cao chất lượng, kỹ năng của đội ngũ này.

Đưa tiêu chí kết quả thực hiện tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thành tiêu chí cứng hàng đầu khi xếp loại thi đua đối với các tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo địa phương trong công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư của công dân.

Mới nhất

x
Cơ quan chức năng sẵn sàng sửa sai để chấm dứt vụ việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO