Cơ sở công nghiệp nông thôn ở Nghệ An chủ động chuyển đổi số
(Baonghean.vn) - Chuyển đổi số tại các cơ sở công nghiệp nông thôn sẽ giúp doanh nghiệp có được nền tảng vững chắc để tự tin phát triển trước những thời cơ và thách thức khi tham gia vào các Hiệp định tự do thương mại toàn cầu.
Chuyển đổi số để “hiểu đúng, làm đúng”
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, thông tin minh bạch kịp thời và chính xác, tiết kiệm nhân lực quản lý điều hành, tiết kiệm chi phí; gia tăng tốc độ tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm và dịch vụ trên toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động.
Sản xuất môi thìa xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Sơn (Cụm Công nghiệp Đô Lăng, Nghi Lâm, Nghi Lộc) giải quyết nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn. Ảnh: Thu Huyền |
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách trong công cuộc số hóa trên mọi lĩnh vực; tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với Nghệ An, ngày 22/6/2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025…
Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã chủ động thực hiện. Tại Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An, ông Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Công ty cho biết: Là doanh nghiệp thuộc nhóm vừa và nhỏ, nhưng chúng tôi luôn nhận thức chuyển đổi số là quá trình tất yếu liên quan đến sự phát triển lâu dài của mình. Hiện nay, trong quản lý điều hành, Công ty đã áp dụng hệ thống phần mềm quản trị trước năm 2000, áp dụng bộ quy chuẩn quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 từ năm 2005 và nâng cấp lên tiêu chuẩn ISO:22000 năm 2018. Trong quản lý chất lượng sản phẩm, đã áp dụng sổ tay chất lượng từ và ứng dụng mã số mã vạch từ năm 1998; triển khai ứng dụng mã QRCode từ năm 2015.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, Công ty TNHH Đức Phong được lựa chọn làm một trong những đơn vị thí điểm của tỉnh. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng Mây tre và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, có mô hình sản xuất khá đặc thù. Lâu nay, Công ty đã tổ chức sản xuất theo chuỗi, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ rất sớm; từ hỗ trợ trồng rừng, liên kết với người dân tạo vùng nguyên liệu, tổ chức sơ chế, chế biến nguyên liệu đến đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường xuất khẩu được thực hiện theo mô hình khép kín.
Công ty TNHH Đức Phong sản xuất theo chuỗi, từ trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thu Huyền |
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho hay: Ngoài lực lượng sản xuất tập trung tại xưởng, chúng tôi còn sử dụng lao động nông nhàn tại địa phương, tại các làng nghề (tổ chức sản xuất tại gia đình) với hơn 1.000 người. Sản phẩm chủ yếu là hàng trang trí nội thất, 90% là xuất khẩu, thị trường chính là châu Âu. Số lượng sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã thay đổi thường xuyên, liên tục. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Nhà nước có chủ trương và chính sách khuyến khích hỗ trợ một phần kinh phí. Đa số cán bộ công nhân viên đã tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất. Hạ tầng cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng cho việc thực hiện chuyển đổi số.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Thực tế hiện nay hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn vì phần lớn các các thành viên cán bộ công nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ. Các dự án chuyển đổi số bước đầu tiêu tốn nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp hỗ trợ (hoặc dịch vụ) kỹ thuật và pháp lý sau khi ứng dụng công nghệ số hóa, qua đó giúp doanh nghiệp có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp. Nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn, sau khi chuyển đổi ứng dụng số hóa gặp các sự cố... thì xử lý như thế nào?
Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An chia sẻ những khó khăn đặt ra trong chuyển đổi số đối với cơ sở chế biến thuỷ sản hiện nay tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn do Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương tổ chức mới đây. Ảnh: Thu Huyền |
Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An - ông Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, doanh nghiệp chế biến thủy sản gắn liền với nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau và đối tượng lao động đa dạng như: khai thác, dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải, diêm dân, lao động kỹ thuật, lao động thủ công,... Do vậy, quá trình kết nối, tương tác khá đa dạng dẫn đến việc tích hợp dữ liệu số hóa cũng là một vấn đề khó khăn.
Vì thế, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án tư vấn chuyên sâu hỗ trợ giúp doanh nghiệp hiểu và lựa chọn công cụ để chuyển đổi số phù hợp với ngành nghề, quy mô mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tạo điều kiện tiếp xúc, áp dụng các công cụ chuyển đổi số tốt hơn.
Cần hình thành các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan các ưu, nhược điểm của các giải pháp sau khi ứng dụng công nghệ số hóa, qua đó giúp doanh nghiệp có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật và pháp lý trong suốt quá trình hoạt động, chuyển đổi ứng dụng số hóa gặp các sự cố.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu sử dụng lao động nông thôn, do đó việc ứng dụng công nghệ số trong các công đoạn sản xuất đang gặp khó khăn. Ảnh: Thu Huyền |
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong thì cho rằng, là doanh nghiệp chọn làm thí điểm nên mọi vấn đề đều mới lạ, và khó khăn. Vì thế, đề nghị có sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa, sâu sát hơn nữa cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần phân loại mô hình doanh nghiệp khảo sát cụ thể xem doanh nghiệp chuẩn bị đến đâu, từ đó hướng dẫn cho doanh nghiệp hoàn thiện từng phần một. Chọn đơn vị tư vấn có chức năng am hiểu doanh nghiệp, có kỹ năng tư duy và xây dựng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện và vận hành tốt. Đồng bộ hóa việc cải cách hành chính để việc chuyển đổi số doanh nghiệp vận hành tương thích với nhau.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn do Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Văn Thịnh - Cục phó Cục Công Thương địa phương cho rằng, để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng và triển khai được lộ trình chuyển đổi số phù hợp cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các đơn vị tư vấn, chuyên gia và cơ sở công nghiệp nông thôn.
|
Sở Công Thương Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách về chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; chỉ đạo Trung tâm Khuyến công xây dựng chương trình hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương. Về phía Cục Công Thương địa phương, sẽ tham mưu để lãnh đạo Bộ Công Thương bố trí ngân sách từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia trong các năm tiếp theo cho nội dung hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn…
Trước những khó khăn đặt ra đối với hoạt động chuyển đổi số, đề nghị cơ quan chức năng liên quan tăng cường các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xu thế ứng dụng chuyển đổi số và giới thiệu một số giải pháp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam;… Các doanh nghiệp cần được cung cấp các thông tin, kiến thức đa chiều về chuyển đổi số để “hiểu đúng, làm đúng”, chủ động ứng phó.
Cần tập trung tư vấn, cung cấp lộ trình chuyển đổi số đơn giản cho doanh nghiệp và giới thiệu các giải pháp mang tính ứng dụng cao, dễ triển khai giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có thể bắt tay chuyển đổi số ngay. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả.