Quốc tế

Cố vấn của lãnh đạo tối cao Iran nhấn mạnh khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân

Hoàng Bách 02/07/2024 18:12

Hãng tin TASS ngày 2/7 cho biết, ông Kamal Kharrazi, cố vấn các vấn đề đối ngoại của Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times nói rằng, Tehran có thể xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình trong trường hợp có mối đe dọa hiện hữu.

639984_0.jpeg
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: AFP

“Chúng tôi không ủng hộ việc chế tạo vũ khí hạt nhân”, ông Kharrazi nhấn mạnh, nhắc đến một sắc lệnh do ông Khamenei ban hành năm 2003 có nội dung cấm phát triển loại vũ khí này. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu Iran phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, "đương nhiên chúng tôi phải thay đổi học thuyết của mình". Nhân vật này cũng bày tỏ ý kiến ​​​​tương tự trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera vào tháng 5.

Nói về thỏa thuận hạt nhân Iran và hậu quả của việc Mỹ rời bỏ thỏa thuận này vào năm 2018, cố vấn Kharrazi lưu ý rằng, phương Tây đã kích hoạt các điều khoản để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đã được dỡ bỏ khi Tehran ký thỏa thuận, nhằm đáp trả việc Iran tiếp tục mở rộng chương trình của mình, "sẽ có phản ứng gay gắt từ Iran về việc thay đổi chiến lược hạt nhân của mình”.

Chính trị gia này nói rằng "cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa quyết định làm giàu hơn mức 60%". Ông nói thêm: “Nhưng chúng tôi đang cố gắng gia tăng kinh nghiệm của mình bằng cách sử dụng các máy móc khác nhau và các thiết lập khác nhau”.

Nói về cuộc bầu cử tổng thống vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 5/7, quan chức này lưu ý rằng đườnghướng chính sách đối ngoại của hai ứng cử viên Masoud Pezeshkian mang quan điểm cải cách và Saeed Jalili mang quan điểm bảo thủ, là khác nhau và cuộc bầu cử có thể tạo ra "những cơ hội mới" trong quan hệ giữa Iran và phương Tây. Tuy nhiên, các nước phương Tây sẽ phải thoái lui “từ các chính sách hiện tại và tham gia đàm phán với Iran trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. “Nếu họ quyết định hợp tác, chúng tôi sẵn sàng hợp tác”, Kharrazi nói thêm.

Tờ Financial Times lưu ý rằng hiện tại các nhà ngoại giao Iran đang tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ ở Oman về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Ông Kharrazi cho biết thêm rằng về tổng thể, chiến lược chính sách đối ngoại của đất nước do ông Khamenei quyết định nên sẽ được giữ nguyên sau cuộc bầu cử.

Theo TASS, cuộc bầu cử tổng thống sớm được tổ chức tại Iran vào ngày 28/6 (sau khi nhà lãnh đạo tiền nhiệm Ebrahim Raisi qua đời trong một vụ tai nạn máy bay hồi tháng 5) đã không có được người chiến thắng tuyệt đối.

Giờ đây sẽ diễn ra vòng hai, giữa ứng viên Pezeshkian (42,5%), một nhà cải cách ôn hòa, cựu bộ trưởng y tế, và ông Jalili (38,6%), từng là một trong những nhà đàm phán chính về chương trình hạt nhân Iran. Cuộc bỏ phiếu dự kiến ​​diễn ra vào ngày 5/7. Trước đây, Iran chỉ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào năm 2005.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức đã ký thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2015 để giải quyết cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của nước này. Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, trong khi Tổng thống đương nhiệm Biden liên tục ra tín hiệu sẵn sàng đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân này.

Nga, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ và Pháp đã đàm phán với Iran tại Vienna từ tháng 4/2021, nhằm tìm cách khôi phục thỏa thuận. Vào tháng 11/2022, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, vòng đàm phán mới nhất với các quan chức Iran đã kết thúc tại thủ đô của Áo mà không đạt được kết quả cụ thể nào.

Theo TASS
Copy Link

Mới nhất

x
Cố vấn của lãnh đạo tối cao Iran nhấn mạnh khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO