Coi trọng đối thoại, giải quyết thấu đáo việc dân

06/08/2017 07:57

(Baonghean) - Việc tổ chức đối thoại với nhân dân được huyện Nam Đàn triển khai từ năm 2013 theo Quyết định số 2924/QĐ-TU, ngày 30/8/2012 về ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn, các cuộc đối thoại trước đây thường giống với hoạt động tiếp xúc cử tri, các ý kiến người dân đề đạt lên được giao cho các phòng, ban cấp huyện vào cuộc giải quyết và trả lời.

Bắt đầu từ năm 2016, hoạt động này có những đổi mới, với quan điểm chỉ đạo là phải cam kết trước dân thời gian giải quyết cụ thể các vấn đề kiến nghị. Thay vì đối thoại chung giữa cấp huyện với Tổ trưởng các tổ dân vận các khối, xóm, nay chuyển sang đối thoại trực tiếp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy xã với người dân, có sự tham gia của Thường trực Huyện ủy và các phòng, ban cấp huyện. Theo đó, 2 xã Nam Phúc và Nam Tân lần lượt được tổ chức đối thoại với dân.

Tăng cường đối thoại, giải quyết việc dân ở xã Nam Trung.
Tăng cường đối thoại, giải quyết việc dân ở xã Nam Trung. Ảnh: Minh Chi

Tại xã Nam Phúc, công tác đối thoại được tổ chức thường xuyên, thông qua đó, cấp ủy, chính quyền vừa giải thích rõ những vấn đề một cách thấu đáo, vừa làm tốt công tác dân vận.

Bí thư Đảng ủy xã Nam Phúc, đồng chí Nguyễn Văn Đạo, chia sẻ: Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến của người dân được lãnh đạo địa phương và huyện trả lời trực tiếp một cách thấu đáo, giúp người dân hiểu và đồng thuận hơn, nhất là vấn đề chế độ chính sách.

Thông qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng thấy rõ hơn những hạn chế, tồn tại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mình cần phải điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Chẳng hạn trong việc huy động nội lực để xây dựng nông thôn mới, do phương pháp tuyên truyền, vận động chưa phù hợp nên tư tưởng người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ Nhà nước.

Mặt khác do phương pháp huy động được xã giao cho các xóm, các xóm lại phân bổ trên đầu dân nên người dân không đồng thuận cao để đóng góp làm đường GTNT.

Sau đối thoại, người dân hiểu rõ trách nhiệm, đâu là trách nhiệm của người dân, đâu là của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời xã cũng đổi mới cách thức huy động trên cơ sở người dân tự bàn bạc để huy động chung ở các hộ trong xóm hoặc huy động các hộ dân bám các tuyến đường để tập trung làm.

Nhờ đó, gần 1 năm sau đối thoại, xã Nam Phúc đã huy động sức dân làm 11 km đường bê tông, đồng thời đóng góp để nâng cấp và đầu tư các thiết chế văn hóa đồng bộ cho các nhà văn hóa xóm...

Còn ở xã Nam Tân, các cuộc đối thoại ghi nhận hàng chục ý kiến phát biểu của người dân. Điển hình gần đây, cuộc đối thoại giữa xã với nhân dân có 40 ý kiến của người dân về nhiều lĩnh vực. Đồng chí Phạm Văn Khánh - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trong đối thoại, xã đã phân loại từng vấn đề, trong đó thẩm quyền cấp xã là 21 ý kiến, cấp huyện là 19 ý kiến.

Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã và các phòng, ban, ngành cấp huyện, cùng các đồng chí Thường trực Huyện ủy trực tiếp trả lời các vấn đề theo thẩm quyền. Kết quả có khoảng 80% ý kiến được trả lời thấu đáo, được cán bộ, nhân dân đồng thuận và 20% ý kiến cần có thời gian, lộ trình để giải quyết.

Đặc biệt, nhận thức về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã theo đó cũng được nâng lên, từ đó tăng cường học hỏi, trau dồi năng lực, trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ kinh nghiệm bước đầu trong đối thoại với các xã, đồng chí Lê Thị Hằng – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn, cho rằng: Việc lựa chọn chủ thể đối thoại là Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở là nhằm mục đích mở rộng nội dung, phạm vi đối thoại, đồng thời đảm bảo đối thoại có chất lượng, giải quyết được nhiều vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Bởi nếu chỉ Bí thư cấp ủy đối thoại thì sẽ khó trả lời và giải quyết được các vấn đề thuộc thẩm quyền của Nhà nước hoặc nếu Chủ tịch UBND đối thoại thì những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ cũng khó hơn.

Mặt khác, việc lựa chọn cơ sở để tổ chức đối thoại cũng được quan tâm, đó là những cơ sở có khó khăn về công tác cán bộ hoặc có những vướng mắc, khó khăn cần tập trung giải quyết thông qua đối thoại để tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.

Để hoạt động đối thoại thực chất, giải quyết dứt điểm vấn đề thực tiễn đặt ra, ngoài các vấn đề được trả lời và giải quyết trực tiếp tại cuộc đối thoại, Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho Ban Dân vận Huyện ủy và Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng UBND huyện tiếp tục theo dõi, đôn đốc các phòng, ban, ngành và địa phương giải quyết.

Cũng theo đồng chí Lê Thị Hằng, từ thành công và những phản hồi tích cực của cán bộ và nhân dân thông qua đối thoại tại 2 xã Nam Phúc, Nam Tân, trong năm 2017, chủ trương của Thường trực Huyện ủy sẽ trực tiếp đối thoại tại 2 xã Nam Lĩnh (dự kiến vào ngày 11/8) và Nam Thượng (dự kiến vào ngày 16/8).

Đồng thời, chỉ đạo Ban Thường vụ Đảng ủy 22 xã, thị trấn còn lại xây dựng kế hoạch để trực tiếp đối thoại với nhân dân và có sự tham gia của các đồng chí Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách vùng và Ủy viên BCH Đảng bộ phụ trách điểm cùng lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Coi trọng đối thoại, giải quyết thấu đáo việc dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO