'Chìa khóa vạn năng' trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Nam Đàn
Huyện Nam Đàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Nghệ An (năm 2017). Đây là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2025. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, huyện sáng tạo tổ chức “Dân vận khéo”, huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu đề ra.
Vào cuộc của hệ thống chính trị
Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trở thành nội dung cốt lõi trong chỉ đạo xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” của Ban Chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” huyện Nam Đàn và cơ sở. Các cấp ở huyện Nam Đàn đã phát động các phong trào xây dựng khối, xóm, trụ sở, trường học, khu dân cư, tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới và sản phẩm OCOP; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết trong sản xuất…
Huyện Nam Đàn lấy sự nêu gương “Nói đi đôi với làm”, tiên phong làm trước của cán bộ, đảng viên và người uy tín nơi cộng đồng để để lan tỏa. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp chú trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, tạo sức mạnh từ nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất.
Từ năm 2020 đến nay, hệ thống chính trị các cấp ở huyện Nam Đàn đã xây dựng 950 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Từ các mô hình này đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với nội lực của người dân tại địa phương, nhiều xã đã kết nối, vận động đóng góp từ con em xa quê, trong đó, nhiều người ủng hộ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng xây dựng quê hương. Điển hình như gia đình ông Lê Nam Khánh (xã Kim Liên) ủng hộ 5 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa xóm. Gia đình bà Lê Thị Hường (xã Trung Phúc Cường) ủng hộ 3,5 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa xóm và nâng cấp sân bóng đá.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Lâm (xã Nam Kim) ủng hộ 2,1 tỷ đồng xây dựng khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã và nâng cấp tu sửa chùa Lò. Gia đình ông Vương Đạo Cương (xã Khánh Sơn) ủng hộ 2 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, cổng làng và nghĩa trang xã…
Hay ở xã Nam Lĩnh, gia đình ông Nguyễn Giảng Võ ủng hộ 2,5 tỷ đồng xây dựng đường giao thông và gia đình ông Phan Thanh Hải ủng hộ 900 triệu đồng xây cầu, làm đường liên xã. Ở xã Nam Cát, gia đình ông Nguyễn Văn Chinh ủng hộ 900 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa xóm và gia đình ông Hoàng Đăng Hạnh ủng hộ 500 triệu đồng xây dựng đường bê tông xóm...
Tính từ năm 2019 đến nay, toàn huyện Nam Đàn đã huy động sức dân hơn 630 tỷ đồng; hiến hơn 42 nghìn m2 đất; tháo gỡ gần 30 nghìn m2 tường rào và nhân dân đóng góp hơn 61 nghìn ngày công xây dựng quê hương.
Những điểm sáng "Dân vận khéo"
Hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đường mẫu nông thôn mới do huyện Nam Đàn phát động, rất nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện đã tích cực vận động các người dân hiến đất, tháo dỡ tường rào, góp ngày công và đóng góp tiền chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Toàn huyện đã có 76 tuyến đường đẹp, trong đó, có 20 tuyến đường đạt giải “Tuyến đường mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp". Điển hình xã Kim Liên, Nam Giang, Nam Lĩnh, Nam Nghĩa, Nam Cát, Xuân Lâm… xây dựng được nhiều tuyến đường đẹp.
Riêng xã Nam Giang, để xây dựng các tuyến đường thông thoáng, xanh, sạch, đẹp, Ban Chỉ đạo nông thôn mới xã và Ban vận động ở các xóm đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân vào cuộc tích cực chăm lo cảnh quan quê hương. Nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng hàng rào lát đá, vẽ bích họa trên tường rào, xây dựng các bồn cây cảnh, trồng cây chuỗi ngọc, xây dựng cột cờ gia đình.
Nhờ đó, ở xã Nam Giang đã có một số tuyến đường liên xóm trở thành địa chỉ mẫu, được đón nhiều đoàn đại biểu từ các địa phương trong và ngoài huyện tham quan, chia sẻ kinh nghiệm.
Tại xã Nam Lĩnh, từ một xã về đích nông thôn mới tốp cuối của huyện, chỉ sau 2 năm, địa phương này đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới nâng cao tiêu biểu của huyện. Có được thành quả đó, hệ thống chính trị ở xã Nam Lĩnh đã biết "chọn việc, chọn người, chọn cách tổ chức thực hiện" hiệu quả.
Xác định giao thông là tiêu chí "khó", nhưng là tiêu chí cần "ưu tiên" và quyết tâm thực hiện, xã Nam Lĩnh thành lập 3 tổ “Dân vận khéo” do các đồng chí Thường trực Đảng ủy xã làm tổ trưởng trực tiếp vận động nhân dân chung sức.
Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", khi nhân dân chưa thuận, chính quyền tiến hành giải thích, vận động, chỉ trong năm 2023, toàn xã Nam Lĩnh đã có 157 hộ dân tự nguyện hiến gần 2.000m2 đất; tháo dỡ hơn 2,6 km bờ rào, 27 công trình phụ; đóng góp 11 tỷ đồng để xây dựng 13,5 km đường giao thông.
Sau thực hiện sáp nhập xóm, khối, việc xây dựng nhà văn hóa đạt yêu cầu là nhiệm vụ cấp thiết của các xã, thị trấn. Tuy vậy, sau 3 năm nỗ lực huy động nguồn lực, đến nay, toàn huyện Nam Đàn đã xây dựng và nâng cấp hoàn thành 156/156 nhà văn hóa xóm, khối theo tiêu chuẩn đề ra; trong đó, xây mới 37 nhà, mỗi nhà văn hóa trị giá từ 3-7 tỷ đồng; có 103 xóm, khối lắp đặt dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời.
Xóm 3, xã Nam Thanh - đơn vị đi đầu trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để dựng thiết chế văn hóa và thể thao, đã trở thành mô hình xóm văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Xóm 7, xã Xuân Lâm cũng được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác xã hội hóa để hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất văn hóa và dụng cụ thể dục, thể thao tại nhà văn hóa để phục vụ nhân dân.
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Nam Đàn đã cho thấy có nhiều cách làm hiệu quả. Huyện yêu cầu các địa phương trong quá trình chỉ đạo phải cân nhắc, lựa chọn thận trọng sản phẩm để phát triển bền vững, không chạy theo phong trào hoặc “làm cho có”.
Ngoài trách nhiệm của các chủ thể sản xuất sản phẩm, các đơn vị chuyên môn cấp huyện và xã cùng vào cuộc để hỗ trợ hoàn thiện các chu trình, tiêu chuẩn của sản phẩm.
Bằng cách làm đó, hiện nay, ở cả 19/19 xã, thị trấn của huyện Nam Đàn đều có sản phẩm OCOP với tổng 80 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. Điều đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Nam Đàn có giá trị và lan tỏa rộng lớn trên thị trường, như các sản phẩm làm từ sen, nước tương, bột sắn dây, bột nghệ…
Thông qua thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã góp phần đưa huyện Nam Đàn trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 15/18 xã và 7 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng đã hoàn thành 37/42 nội dung thuộc 5 tiêu chí huyện nông thôn mới về “Văn hóa gắn với du lịch”.