Còn nhiều bất cập trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường
Từ khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi năm 2020) có hiệu lực thi hành, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập.
Triển khai các biện pháp đồng bộ
Ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực ngày 1/1/2022 và thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014. Ngay sau khi Luật có hiệu lực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, áp dụng tại địa phương. Tính đến nay, tỉnh Nghệ An đã ban hành 28 văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Luật.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực môi trường cũng được các sở, ngành, địa phương quan tâm thông qua nhiều hình thức, cách thức thực hiện. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân có sự thay đổi tích cực.

Trong giai đoạn 2022-2024, UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho các cấp, các đơn vị là 1.266 tỷ đồng; cấp vốn đầu tư công cấp tỉnh: 623,3 tỷ đồng cho 14 dự án về biến đổi khí hậu. Phân bổ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 36,54 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chủ trương đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường, huy động nguồn lực xã hội hóa từ sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng. Trong đó, vào năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư thực hiện “Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với công suất 100.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng” và “Dự án đầu tư xây dựng trung tâm xử lý rác thải y tế, rác thải nguy hại khu vực thành phố Vinh và các huyện lân cận huyện Hưng Nguyên, công suất 2,7 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng” theo “Danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh đến năm 2030”.
Đồng thời, xúc tiến và quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An với các đơn vị trong nước và quốc tế.

Hiện nay, Công ty TNHH WEKOTEC (Hàn Quốc) đã tài trợ 100% thiết bị hệ thống giám sát chất lượng nước (WECO-AiO-WQMS) do công ty sản xuất để phục vụ quan trắc nước thải tự động, liên tục tại Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Nam Cấm và Khu công nghiệp Hoàng Mai I. Hiện đã kết nối đường truyền quan trắc tự động, liên tục từ 2 trạm xử lý nước thải trên về Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) theo quy định.
Công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Giấy phép môi trường… được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư hạ tầng và các cơ sở trong khu kinh tế và các khu công nghiệp được cải thiện rõ rệt. Tính đến nay, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, 100% dự án đầu tư mới được phê duyệt hồ sơ, thủ tục môi trường trước khi đi vào hoạt động.

Liên quan đến công tác quản lý chất thải, theo số liệu thống kê, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát sinh khoảng 1.843,58 tấn rác; tổng lượng chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 97,6% khu vực đô thị và 85,15% khu vực nông thôn.
Những bất cập
Có thể thấy, việc quan tâm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực về mặt xã hội, giúp cải thiện môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều bất cập cần được giải quyết.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra thường xuyên với nhiều mức độ khác nhau. Giai đoạn 2022-2024, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, nhiều cơ sở vi phạm.

Trong đó, Sở NN&MT đã thực hiện 36 cuộc thanh tra đối với 68 tổ chức; kiểm tra 62 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra xác minh phản ánh của cử tri và báo chí đối với 6 cơ sở; hướng dẫn, kiểm soát môi trường tại 129 trang trại chăn nuôi. Sau thanh tra đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt 3 tổ chức với tổng số tiền là 670 triệu đồng.
Chánh Thanh tra Sở NN&MT cũng đã ban hành 27 quyết định xử phạt đối với 27 tổ chức với số tiền hơn 1 tỷ đồng; buộc 5 tổ chức chi trả kinh phí kiểm định với số tiền gần 28 triệu đồng. UBND cấp huyện đã xử lý 150 nội dung phản ánh từ báo chí, đơn thư và đường dây nóng; tổ chức kiểm tra, xử phạt 36 cơ sở với số tiền là 1.693,6 triệu đồng. Công an tỉnh đã kiểm tra 70 tổ chức, xử phạt 70 tổ chức, phạt tiền 1,610 tỷ đồng; phát hiện xử lý 640 vụ, 680 đối tượng vi phạm, xử phạt 8,533 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu môi trường trọng yếu của tỉnh đến nay vẫn tăng chậm, không đạt kỳ vọng. Đơn cử như, tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để năm 2022 là 87%, nhưng đến năm 2023, 2024 chỉ tăng lên 88%. Tỷ lệ điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật được lập dự án xử lý mới đạt 44,8%; Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn chỉ đạt 40% năm 2024; Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường có xu hướng giảm: từ 79,9% năm 2022 xuống 72,6% năm 2023, rồi tăng nhẹ lên 79,08% năm 2024...

Một vấn đề lớn hiện nay là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Các cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị loại V - thị trấn chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt. Nhiều nơi xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Hệ thống thoát nước thải còn dùng chung với hệ thống thoát nước mưa, thiếu sự phân tách rõ ràng.
Hệ thống quan trắc không khí vẫn còn thiếu thốn và chưa đồng bộ. Toàn tỉnh chỉ có 1 trạm quan trắc không khí tự động. Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn bất cập. Các bãi rác không đảm bảo khoảng cách, công nghệ xử lý lạc hậu, chôn lấp quá tải. Vấn nạn bãi rác tự phát vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi...
Ngoài ra, việc triển khai phân loại rác tại nguồn - một yêu cầu bắt buộc theo luật từ ngày 1/1/2025 - đang bị chậm trễ nghiêm trọng. Hạ tầng chưa được đầu tư, người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ, công tác chuẩn bị còn rời rạc.

Theo kết quả quan trắc mạng năm 2024 cho thấy chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục có biểu hiện ô nhiễm một số thông số hữu cơ, vô cơ và vi sinh; việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lịch sử để lại còn chậm...
Có thể thấy rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng là bước tiến lớn trong quản lý nhà nước về môi trường. Tuy nhiên, việc thực thi thiếu hiệu quả, không đồng bộ và chậm trễ, khiến cho nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của địa phương.
Chính vì thế, để Luật Bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả cao, cần phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những hành vi gây ô nhiễm. Cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao nhận thức cộng đồng; các cấp chính quyền cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành; người dân và doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Có như vậy thì môi trường mới không trở thành “điểm nghẽn” của phát triển.