Thấm thoắt đã hơn 5 năm, kể từ khi 2 cậu bé dân tộc Thái Ngân Trần Khang (SN 2011), trú tại bản Mường Phú và Quang Nhật Linh (SN 2009), trú tại bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) được những người “bố” quân hàm xanh đưa về mái ấm Đồn Biên phòng Thông Thụ nuôi dưỡng, chăm sóc.
Cả hai đều có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Cậu bé Ngân Trần Khang mất bố do bệnh hiểm nghèo lúc em mới 4 tuổi, khi em trai Khang còn nằm trong bụng mẹ. Bố Khang là người xã Tiền Phong (Quế Phong), lập gia đình rồi ở hẳn tại xã Thông Thụ, quê hương của vợ. Cuộc sống ổn định chưa được bao lâu thì căn bệnh ung thư ập đến.
Sau khi chồng mất, mẹ Khang vừa gồng gánh trả nợ vừa nuôi 2 đứa con nhỏ nên buộc phải gửi anh em Khang cho ông bà ngoại là Lô Văn Phú và Lô Thị Hoa để vào miền Nam tìm việc làm. Sau một thời gian, mẹ Khang đi bước nữa, anh em Khang ở với ông bà ngoại sức khoẻ yếu nên cuộc sống hết sức khó khăn. Cũng bởi hoàn cảnh éo le nên Khang có vóc dáng khá nhỏ con so với bạn bè cùng trang lứa, đôi mắt buồn và dáng vẻ bẽn lẽn, rụt rè.
Tương tự hoàn cảnh của Khang, Quang Nhật Linh cũng sớm mất bố do tai nạn lao động. Trong lúc đi khai hoang ruộng lúa nước, do thiếu cẩn thận, bố của Linh bị hòn đá tảng đè dẫn đến tử vong. Gia đình em cũng thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống còn nhiều bấp bênh, vất vả.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của 2 cháu, cuối năm 2019, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã nhận nuôi dưỡng, chăm sóc Khang và Linh, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để các em có cơ hội được tiếp tục đến trường, không vì hoàn cảnh riêng mà dang dở chuyện học hành.
Thời gian đầu xa người thân vào ở với các bác, các chú tại đồn biên phòng, hai cậu bé như hai chú chim non ngơ ngác, vừa hào hứng lại vừa bỡ ngỡ khi làm quen với kỷ luật quân đội. Thời gian đầu, các em được giao cho cán bộ, chiến sĩ là đoàn viên thanh niên của đồn chăm sóc, kèm cặp, hướng dẫn từ sinh hoạt cá nhân, bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành.
Thiếu tá Phạm Đức Tính -nguyên Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Thông Thụ (hiện nay đã chuyển công tác về Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ nuôi dạy 2 cháu. Anh cho biết: Thời gian đầu, chăm sóc các cháu cũng khá vất vả vì các cháu đã quen với sinh hoạt tự do ở nhà, nay phải đi vào nề nếp, khuôn khổ, tuân thủ giờ giấc nên không quen. Việc kèm cặp các cháu trong học tập cũng là một quá trình gian nan đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì vì các cháu đã mất gốc, hổng kiến thức cơ bản nên phải kèm lại từ đầu.
Hơn nữa, các cháu đều ít nói, ít tương tác nên các chú phải mất nhiều thời gian gần gũi, tâm sự, chia sẻ để các cháu dần thay đổi, cởi mở, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, học hành cũng ngày càng tiến bộ, biết tự vệ sinh cá nhân, gấp quần áo, chăn màn gọn gàng…
Ngoài việc sinh hoạt đúng giờ, Khang và Linh còn được làm quen với việc tăng gia sản xuất cùng các chú, chơi thêm các hoạt động thể dục, thể thao để rèn luyện sức khoẻ ,tăng cường thể lực.
Các em còn được những người “bố nuôi” biên phòng mua cho từng bộ quần áo, giày, dép, sách, vở và luân phiên chở đến trường. Tuy được chăm sóc tận tình bởi những người “bố nuôi” biên phòng, 2 cháu Khang và Linh cũng không tránh khỏi những lúc chạnh lòng, nhớ nhà, nhớ người thân, thỉnh thoảng còn trốn về nhà.
Trung tá Hồ Đăng Thảo - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết: "Hiểu được tâm lý các cháu, chúng tôi thường trò chuyện, động viên. Vào các ngày nghỉ thì tranh thủ chở các cháu về bản thăm gia đình để các cháu vơi đi nỗi nhớ nhà. Bây giờ đồn đã gần như là ngôi nhà thứ 2 của Khang và Linh, mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết các cháu có thể tự về nhà nhưng một lát rồi lại lên với các bác, các chú…”.
Hiện nay, Ngân Trần Khang và Quang Nhật Linh đã lên cấp 2 nên theo học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thông Thụ, cách đồn khoảng 9 km. Quãng đường khá xa nên 2 cháu ở bán trú tại trường, cuối tuần thì về với các “bố nuôi” ở Tổ công tác biên phòng bản Lốc (xã Thông Thụ) cách trường khoảng 1 km để tiện việc đi lại.
Thế nhưng, điều đó không làm vơi đi sự quan tâm mà những người "bố nuôi" quân hàm xanh dành cho 2 con.
Theo Thiếu tá Đinh Xuân Thảo - Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng bản Lốc (Đồn Biên phòng Thông Thụ) chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên liên hệ thầy, cô giáo ở trường để hỏi thăm tình hình học tập, sinh hoạt của 2 con. Cuối tuần, chúng tôi hướng dẫn các con làm bài tập, ôn luyện lại kiến thức trong tuần. Đã sống với các chú một thời gian khá dài nên 2 anh em rất ngoan và tự giác, thường xuyên động viên nhau cùng cố gắng.
Tại Tổ công tác, Khang và Linh đều được bố trí chỗ ăn, nghỉ ấm cúng, góc học tập với đầy đủ đồ dùng cần thiết. Có thêm các con ở cùng, những người lính biên phòng cũng thêm phần bận rộn hơn. Những hôm nắng gắt hay mưa gió, các anh cắt cử người đưa đón các con tới trường. Tối đến, các anh vẫn phải sáng đèn hướng dẫn, chỉ bảo cho các cháu hoàn thành bài vở. Những giây phút đầm ấm ấy, cũng giúp các anh vơi đi nỗi nhớ gia đình, con cái ở quê nhà.
Đại úy Tăng Văn Công (quê Diễn Châu) được điều lên Tổ công tác biên phòng bản Lốc đã hơn 1 năm. Đó cũng là quãng thời gian mà anh được gắn bó cùng 2 cháu Khang và Linh. Đối với anh, việc chăm lo cho các cháu cũng như chăm lo cho những đứa con của mình, bù đắp lại tình yêu thương của những người bố dành cho các cháu mồ côi.
Thời gian qua, thực hiện chương trình "Con nuôi đồn Biên phòng- Nâng bước đến trường", đồn biên phòng đã có nhiều chương trình, hoạt động kịp thời hỗ trợ các em mồ côi không nơi nương tựa hoặc những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở khu vực biên giới. Thông qua đó, nhiều em học sinh đã có cơ hội để thay đổi cuộc đời, được đến trường và sống trong tình yêu thương, đùm bọc, chia sẻ từ những người lính quân hàm xanh.
Ngân Trần Khang và Quang Nhật Linh là 2 học sinh đầu tiên được nhận làm con nuôi của đồn biên phòng. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Thông Thụ còn đỡ đầu 3 em học sinh theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” trong đó có cháu Vừ Kia Dùa -học sinh lớp 3, sinh sống ở tại bản Nậm Táy (cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào).
Chính tình thương, sự chăm sóc đặc biệt từ những người lính quân hàm xanh đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ cũng như tạo động lực cho những mảnh đời bất hạnh như Khang và Linh vượt khó vươn lên trên con đường trưởng thành. Quãng thời gian hơn 5 năm sống cùng những người bố nuôi là BĐBP cũng giúp các cháu hiểu thêm về tình cảm gia đình, bạn bè, tình đồng đội, từ đó có sự gắn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Nhờ được nuôi dạy chu đáo, 2 em đều có kết quả học tập tiến bộ và hạnh kiểm tốt.
Ngồi thân thiết bên nhau trong những bộ quần áo mới vừa được các bố nuôi biên phòng sắm cho, khuôn mặt Khang và Linh ánh lên niềm vui, sự xúc động. Khi được hỏi về mơ ước nghề nghiệp trong tương lai, 2 cậu bé dõng dạc trả lời: “Chúng cháu sẽ cố gắng học tập để trở thành người lính biên phòng bảo vệ biên giới, bảo vệ bản làng, quê hương như các bác, các chú!".
Nói về vai trò của những người lính quân hàm xanh đối với sự học của con em trên địa bàn, bà Lương Thị Hồng- Bí thư Đảng uỷ xã Thông Thụ cho biết: Là xã vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc huyện Quế Phong, có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, dài 33,737 km, dân số 1.152 hộ/5.104 khẩu, phân bố trên 8 bản với 7 thành phần dân tộc chính là Kinh, Thái, Thổ, Mường, Khơ Mú, Dao, Kor cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 99%. Địa hình chủ yếu đồi núi, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; trình độ dân trí chưa đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở địa bàn xã Thông Thụ còn cao, (hộ nghèo 374 hộ, chiếm 33,01%; hộ cận nghèo 313, chiếm 27,63%).
Những năm qua, nhờ sự giúp sức, đồng hành của đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn, cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc, sự học của con em được chăm lo. “Đặc biệt là mô hình Con nuôi biên phòng-Nâng bước đến trường, chúng tôi tin rằng, dưới sự nuôi dạy, hỗ trợ của những người bố là BĐBP, mai này, các cháu sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội…”, bà Lương Thị Hồng cho hay.
Không chỉ riêng ở Đồn Biên phòng Thông Thụ, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” được triển khai trong toàn lực lượng. Đến nay, BĐBP Nghệ An hỗ trợ 96 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi cháu 500.000 đồng/tháng (trong đó, có 16 học sinh của nước bạn Lào) và nuôi dưỡng, chăm sóc 18 em là con nuôi tại các đồn biên phòng.
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh cũng triển khai và thực hiện tốt Dự án "Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường", theo đó, nhận hỗ trợ 150 cháu tại các địa bàn khu vực biên giới; triển khai thành công mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” cho 65 em học sinh Đan Lai tại khu nội trú Trường THCS xã Môn Sơn (Con Cuông).