Công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(Baonghean.vn) - Sáng 13/1, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.
Đồng chí Trần Hồng Hà - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Dự hội nghị có đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.
Cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc;… Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Quân khu 4, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ;…
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự hội nghị có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các hiệp hội nghề nghiệp; Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh; các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học; lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 21 huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh với sự tham dự của lãnh đạo các huyện, thành, thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã.
PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG, TOÀN DIỆN, VĂN MINH, HIỆN ĐẠI
Ngày 14/9/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định 1059/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời bám sát các nghị quyết, định hướng, chỉ đạo mới của Trung ương, các quy hoạch cấp quốc gia để tích hợp theo hướng thống nhất, đồng bộ.
Đặc biệt, cùng với quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nội dung Quy hoạch tỉnh đã được cập nhật thống nhất, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Theo đó, thực hiện mục tiêu tổng quát, cốt lõi, xuyên suốt: Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực có thế mạnh. Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại.
Bám sát 5 quan điểm trọng tâm, với quan điểm xuyên suốt của quy hoạch tỉnh là kiên định mục tiêu phát triển bền vững; phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm tạo đột phá ở một số ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm, trong đó tập trung phát triển nhanh khu vực đồng bằng và ven biển để hình thành các động lực tăng trưởng mới, tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển bền vững khu vực miền Tây.
Các phương án, định hướng phát triển, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An đều hướng đến mục tiêu phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng chính là thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam mở rộng; Thực hiện 3 đột phá chiến lược; Hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gắn với 4 tuyến giao thông huyết mạch; Phát triển 5 lĩnh vực trụ cột gồm: công nghiệp; thương mại, dịch vụ; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tỉnh cũng định hướng xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển gồm: Thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm; phát triển thị xã Thái Hòa gắn với Nghĩa Đàn trở thành đô thị động lực, trung tâm vùng phía Tây Bắc; phát triển thị xã Hoàng Mai gắn với Quỳnh Lưu trở thành đô thị trung tâm vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh; xây dựng huyện Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái, động lực thúc đẩy phát triển của tiểu vùng Tây Nam; nâng cấp đô thị Diễn Châu với chức năng đô thị trung tâm vùng phía Đông; xây dựng đô thị Đô Lương đóng vai trò là điểm kết nối, liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, Khu kinh tế Đông Nam và khu vực ven biển của tỉnh.
Trước đó, ngày 15/2/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040.
Trên quy mô hơn 20.776 ha, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An được quy hoạch 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 có diện tích quy hoạch hơn 18.826 ha, gồm diện tích tự nhiên của 10 xã thuộc huyện Nghi Lộc (Nghi Hợp (nay thuộc xã Khánh Hợp), Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Đồng, Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên), 6 xã thuộc huyện Diễn Châu (Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn An, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Phú), 2 phường thuộc thị xã Cửa Lò (Nghi Thủy, Nghi Tân).
Khu vực 2 có diện tích lập quy hoạch 1.200 ha, gồm toàn bộ diện tích Khu Công nghiệp Hoàng Mai và Khu Công nghiệp Đông Hồi thuộc các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Vinh và phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai).
Khu vực 3 có diện tích lập quy hoạch là 750 ha, gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thuộc các xã Hưng Đạo, Hưng Tây, thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên) và xã Hưng Chính (TP. Vinh).
Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sau 17 năm thành lập như: Mở rộng diện tích các khu công nghiệp, giảm diện tích trước đây quy hoạch vào địa bàn tập trung khu dân cư, điều chỉnh bỏ các khu chức năng không còn phù hợp; hình thành thêm khu công nghiệp gắn với khu đô thị để tạo tính đồng bộ, từ đó xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định: Đây là hai đồ án quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới, cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn.
Tỉnh Nghệ An tin tưởng rằng, cùng với Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố hôm nay; đây là những cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, triển vọng mới cho sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng sau khi phê duyệt, gắn với tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết: Trước mắt trong năm 2024, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành công tác xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng huyện; thực hiện 5 chương trình, đề án trọng tâm, bao gồm: Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam; Đề án mở rộng địa giới và không gian đô thị thành phố Vinh; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025; Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 gắn với Đề án phân loại đô thị trên địa bàn tỉnh; Hoàn thành Đề án bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm trình Chính phủ, Quốc hội.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh. Tập trung triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng trao Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện 6 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư đạt 390 triệu USD, tương đương hơn 9.555 tỷ đồng trong Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm động lực mới, sức lan tỏa trong thu hút đầu tư phát triển không chỉ với tỉnh Nghệ An mà cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước; chúc mừng những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nghệ An đạt được trong suốt chặng đường vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng thời nhấn mạnh mục tiêu Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đặt ra cho Nghệ An không chỉ là khát vọng, là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nghệ An, mà còn là mong muốn của nhân dân cả nước trong xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh, các quy hoạch được công bố sẽ sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ: Vấn đề quan trọng là làm thế nào để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, khoa học các quy hoạch, các cơ chế, chính sách nói trên.
“Tôi cho rằng, chúng ta không thể nghĩ và làm theo được như lối cũ, cách thường mà tôi tin tưởng rằng, cán bộ, đảng viên, cũng như từng người dân Nghệ An, Đảng bộ, chính quyền Nghệ An sẽ chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương, cùng tinh thần đổi mới vào những hành động, việc làm để trở thành một địa chỉ đáng đến, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm và đáng sinh sống”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả. Trước hết, cần phát huy hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên dựa vào tri thức trên thế mạnh nguồn lực con người của tỉnh và thu hút nhân tài để tạo động lực cho phát triển.
Đồng thời, tỉnh cần dành nguồn lực tương xứng cũng như huy động xã hội hóa hiệu quả để xây dựng các quy hoạch chi tiết nhằm cụ thể hóa các quy hoạch. Đối với xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, trong đó ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối không chỉ nội tỉnh mà còn liên vùng, liên tỉnh để tạo được sự kết nối tổng thể, đồng bộ và thống nhất nhằm khơi thông được nguồn lực của tỉnh.
Nghệ An cũng cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, trong đó có những định hướng rất quan trọng về quy hoạch phát triển đô thị và phải coi phát triển đô thị là định hướng để xây dựng kinh tế cho tỉnh; phát triển các hành lang kinh tế phía Đông để thúc đẩy phía Tây phát triển.
Nghệ An là địa phương có diện tích vùng núi chiếm tỷ lệ rất lớn, có diện tích đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên lớn, do đó, phát triển rừng cần gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và công nghiệp chế biến; quan tâm phát triển du lịch, kinh tế carbon thấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện các quy hoạch liên quan đến mạng lưới nông thôn, đô thị cần thực hiện tốt công tác khảo sát địa chất, thủy văn để có cơ sở dữ liệu đảm bảo Nghệ An phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững, an toàn.
Cần chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo cho Nghệ An và cho vùng, trong đó đặc biệt cần xác định để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các lĩnh vực kinh tế mới như: Điện tử, bán dẫn, kinh tế carbon thấp, năng lượng xanh.
Tỉnh cũng cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù; đặc biệt phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi, nhất là phục vụ sang cải cách các thủ tục hành chính, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất.
Đồng thời, Nghệ An ban hành cho mình những tiêu chuẩn riêng biệt trong thu hút đầu tư, suất vốn đầu tư, trong tiếp nhận công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, Nghệ An cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước để tạo nhân lên tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, nhất là cần phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, như Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Chìa khoá thành công Nghệ An nằm ở khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ và đánh giá rất cao phương châm 5 sẵn sàng của tỉnh (sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ). Đồng chí đề nghị tỉnh bổ sung thêm “sẵn sàng cho sự thay đổi của chính mình và sẵn sàng cung cấp năng lượng xanh cho các hoạt động đầu tư phát triển”, để tăng sức cạnh tranh.
Đánh giá các dự án được trao chứng nhận đầu tư ngay trong những ngày đầu năm, trong lễ công bố quy hoạch hôm nay là sự khởi đầu tốt đẹp cho thấy sức hấp dẫn, tiềm năng lợi thế, cơ hội đầu tư hấp dẫn của tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng mong muốn nhiều nhà đầu tư cũng sẽ lựa chọn Nghệ An, trên cơ sở cùng tham gia với tỉnh có những đóng góp tiếp tục cụ thể hóa các quy hoạch.
“Điều đó cho chúng ta niềm tin lớn rằng, Nghệ An sẽ viết nên những kỳ tích mới về phát triển để quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Phát biểu tiếp thu và tổng kết hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Tỉnh nhận thức sâu sắc rằng, công bố quy hoạch mới là bước khởi đầu, chặng đường thực hiện quy hoạch là rất dài, nhiệm vụ rất quan trọng, trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi đan xen không ít thách thức.
Tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đoàn kết, năng động, sáng tạo; tích cực, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương để tổ chức thực hiện các quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất.