Công điện khẩn về phòng chống cơn bão số 10
(Baonghean.vn) - Vào 17h chiều nay (13/9) Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã có công điện khẩn về phòng chống cơn bão số 10.
Công điện khẩn về cơn bão số 10. |
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số 10 với cường độ rất mạnh, khi đổ bộ vào đất liền dự báo gió cấp 13, giật cấp 15, đạt cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 và còn diễn biến phức tạp; Nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, bão kèm theo mưa to đến rất to với lượng mưa từ 200 - 300mm.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND- Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Giám đốc các công ty thuỷ lợi, Giám đốc các công ty thuỷ điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả nội dung Công điện số 62/CĐ-TW ngày 12/9/2017 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Công điện số 16 ngày 13/9/2017 của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Nghệ An.
2. Đài Khí tượng Thủy Văn khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão; Thông tin kịp thời cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các địa phương, đơn vị để chỉ đạo, triển khai đối phó với bão và mưa lũ.
3. Tích cực tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của cơn bão cho người dân biết để chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường, để xảy ra hậu quả đáng tiếc, thiệt hại đến tính mạng và tài sản, đặc biệt là tính mạng con người. Địa phương nào để xảy ra thiệt hại về người thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
4. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục thuỷ sản và Cảng vụ hàng hải Nghệ An, bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn; kiểm đếm số lượng tàu thuyền, hướng dẫn, tổ chức neo đậu an toàn, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi có bão.
5. Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi, kể từ 7 giờ ngày 14/9/2017.
6. Khẩn trương chỉ đạo nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa đến thời kỳ thu hoạch và các sản phẩm hoa màu khác với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chỉ đạo các doanh nghiệp, các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản chủ động thu hoạch trước mưa bão, đồng thời có biện pháp bảo vệ các lồng, bè và các diện tích nuôi trồng thuỷ sản chưa đến kỳ thu hoạch.
7. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các công ty thủy lợi chủ động chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt, có phương án bảo vệ đê điều, hồ đập giữ nước để phục vụ sản xuất.
8. Hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, biển hiệu, cắt tỉa cành cây, để hạn chế thiệt hại khi bão, mưa lũ xảy ra; nếu cây đổ thì phải khẩn trương giải phóng đảm bảo giao thông, dựng hoặc trồng lại ngay sau bão; Có biện pháp an toàn cho khách du lịch đang lưu trú tại địa phương mình. Đối với các huyện miền núi phải thông báo cho người dân đang sản xuất nương rẫy kịp thời tránh trú an toàn.
9. Kiểm tra các phương án di dời dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...; tổ chức di dời dân khi cần thiết, kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời.
10. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, công trình cao tầng, cần cẩu tháp, đường điện cao thế, thông tin liên lạc và các công trình xây dựng cơ bản khác.
11. Sở Công thương chỉ đạo việc kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện:
- Đối với các nhà máy thủy điện không có dung tích phòng lũ phải thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện hạ du để thông báo cho nhân dân biết nhằm hạn chế các tai nạn xẩy ra do xả lũ và thường xuyên báo cáo kết quả về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo.
- Đối với các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê: Vận hành đảm bảo theo quy trình liên hồ chứa được thủ tướng phê duyệt. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ tính toán dự báo lượng mưa, mực nước trong đợt lũ và sau đợt lũ để Văn phòng thường trực phối hợp với nhà máy thủy điện Bản Vẽ tham mưu phương án vận hành xả lũ.
- Chỉ đạo ngành điện đảm bảo an toàn điện lưới phục vụ sinh hoạt và bơm tiêu úng tại các Trạm bơm tiêu.
12. Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, Báo Nghệ An, Đài thông tin duyên hải Bến Thủy và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão, công tác chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đến các địa phương để người dân chủ động phòng tránh.
13. Các lực lượng vũ trang (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an Tỉnh) chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu và đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian bão và mưa lũ.
14. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo sự phân công, đi xuống các địa bàn để chỉ đạo đối phó với bão.
Thường trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, chủ động chỉ đạo đối phó với những tình huống xấu có thể xẩy ra. Báo cáo thường xuyên tình hình bão, mưa lũ và các sự cố về UBND tỉnh qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh biết để xử lý kịp thời./.
Phó chủ tịch UBND tỉnh
Đinh Viết Hồng
TIN LIÊN QUAN |
---|