Cộng hòa XHCN Việt Nam: Quốc hiệu và hiện thực

02/07/2016 17:07

Ngày 2/7 cách đây 40 năm, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam thống nhất (khóa VI 1976 – 1981) đã quyết định đặt tên nước là CHXHCN Việt Nam.

Cộng hòa XHCN Việt Nam là sự tiếp nối của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) mà tiền thân là Nhà nước Văn Lang thời lập quốc. Quốc hiệu của nước Việt Nam thống nhất, gắn liền với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, nay đã “sánh vai với cường quốc năm châu”[1] như lời mong mỏi của Lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.

Quốc gia thống nhất đi lên CNXH

Với thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất ngày 25/4/1976, được gọi là Quốc hội khóa VI. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước ta qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội khóa VI quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa XHCN Việt Nam”, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”; đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội.

Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam ngày 2/9/2015 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam ngày 2/9/2015 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Quốc hội – cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước Việt Nam đã trải qua 8 khóa, đã tạo dựng nền tảng pháp lý Việt Nam, với hàng loạt luật, bộ luật, hiến pháp nhằm điều chỉnh các hành vi xã hội trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động của quốc gia với nền pháp lý tiên tiến, hiện đại phù hợp xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

Cơ quan hành pháp của Việt Nam là Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam đã điều hành đất nước vượt qua khó khăn, thách thức; tiến hành sự nghiệp đổi mới theo đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; hội nhập và tạo dựng vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Ngành Tư pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam sau 40 năm, nay đã khẳng định được vị trí trong đời sống xã hội. Công tác tư pháp đã và đang phản ánh tính thống nhất quyền lực Nhà nước và mối liên hệ chặt chẽ của ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền…”. Bài học lớn nhất mà Ngành Tư pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam có được đó là lấy lợi ích của nhân dân và dân tộc làm mục tiêu. Ngày nay hoạt động tư pháp đã bao trùm cả tầm vi mô - đến tận nơi có người dân sinh sống, theo yêu cầu thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Cộng hòa XHCN Việt Nam không chỉ là tên nước mà mục tiêu CNXH đã hình thành và phát triển trong thực tiễn và dần dần hoàn chỉnh đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 và Văn kiện Đại hội XII của Đảng là, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, với 2 điểm nhấn trong hệ mục tiêu và 8 đặc trưng quan trọng.

Từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn của Nhà nước và nhân dân về một nền Cộng hòa XHCN đã hình thành trên thực tế, thể hiện rõ nét tính dân tộc, tính nhân dân, coi lợi ích quốc gia - dân tộc là cốt lõi, là mục tiêu hàng đầu của phát triển đất nước, vừa đúng quy luật, vừa hợp lòng dân và xu thế phát triển của thế giới đương đại.

Thành tựu to lớn, thắng lợi vẻ vang

40 năm Cộng hòa XHCN Việt Nam là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đó có 10 năm, phấn đấu vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh và 30 năm đổi mới là giai đoạn cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

40 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy vẫn còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Những thành tự đáng ghi nhận là, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh CNH, HĐH; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Tính đến cuối năm 2015, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, trong đó có 5 nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, tham gia ký kết 500 hiệp định song và đa phương; là quốc gia tiếp nhận lượng FDI khá lớn với 260 tỷ USD, đồng thời cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Điều quan trọng hơn là qua thực tiễn Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định: “Lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng rõ hơn”. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm… Đảng và Nhà nước ta đã rút ra 5 bài học quý báu, trong đó có bài học về đổi mới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Phát huy những thắng lợi đã đạt được, thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ngày 22/5/2016, hơn 67 triệu cử tri cả nước đã nô nức đi bầu cử, nhằm lựa chọn ra những người tiêu biểu cho ý chí toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu ra.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã xác định, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có các nhiệm vụ thuộc chức năng của bộ máy nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Đảng ta còn nhấn mạnh, phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp; gắn với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Theo đó, Nhà nước có nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… Với một Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng được hoàn thiện thì chắc chắn sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ điều hành quốc gia, cùng toàn dân phát triển đất nước.

Như vậy, từ Nhà nước Văn Lang đến nhà nước Việt Nam mới, đặc biệt là 40 năm Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ một nước bị chia cắt làm hai miền, kinh tế lạc hậu lại phải khắc phục hậu quả chiến tranh và sự cấm vận của quốc tế, nay đã là nước phát triển trung bình và đã có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Cộng hòa XHCN Việt Nam: Quốc hiệu và hiện thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO