Công khai xử lý cán bộ, người đứng đầu có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép
(Baonghean.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: "Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý”.
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thể hiện tại Văn bản số 2547/VPCP-CN, được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 14/4/2023. Trước đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường có đề nghị tại Báo cáo số 33/BC-BTNMT ngày 29/3/2023 và Báo cáo số 19 BC-BTNMT ngày 8/2/2023 báo cáo công tác quản lý, cấp phép, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2019 - 2021 trên phạm vi cả nước.
Tại Văn bản số 2547/VPCP-CN, đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản khác đã ban hành liên quan đến hoạt động khoáng sản; đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch tỉnh, trong đó có “Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh" để bảo đảm căn cứ cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm cung cấp nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khẩn trương thẩm định, phê duyệt tiền hoàn trả chi phí điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư.
Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, qua đó nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm.
Một điểm khai thác khoáng sản đá trắng tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân |
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí, nhất là định hướng thông tin mạng xã hội trong việc đấu tranh phê phán, lên án đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh tài nguyên khoáng sản. Phát huy vai trò của ngành và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, cho phép để bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, hướng dẫn việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng nếu phát hiện khoáng sản đảm bảo yêu cầu về chất lượng, trữ lượng làm đá ốp lát, nguyên liệu sản xuất xi măng và vôi công nghiệp trong quá trình quản lý quy hoạch, cấp phép và hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản in. Đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây mất an toàn lao động; gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, di sản địa chất.
Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện vụ việc khai thác khoáng sản đất vượt trữ lượng cho phép lên đến hơn 300.000 m3 tại khu vực điểm mỏ rú Dứa, xã Nghi Hưng, Nghi Lộc. Ảnh: Phạm Thủy |
Chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành có liên quan thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các địa phương liên quan trong việc thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoảng sản trái phép tại khu vực giáp ranh, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông.
Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng tại Văn bản số 2547/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan hành chính các địa phương, đặc biệt người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đối với việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan trong triển khai các dự án nạo vét, khơi thông cửa biển, cảng hàng hải, thông luồng đường thủy nội địa phù hợp quy hoạch có kết hợp thu hồi cát; nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép.
Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài chính, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ khoáng sản thông qua sản lượng khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản…
Ở Nghệ An, đến nay Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản thành lập theo Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh đã kết thúc công tác kiểm tra. Với 13 doanh nghiệp được kiểm tra, tổng số tiền xử phạt, truy thu, và doanh nghiệp khai nộp thêm lên đến hơn 44 tỷ đồng; trong đó, riêng xử phạt, truy thu vi phạm về lĩnh vực thuế trên 18,3 tỷ đồng.
Bìa một bài viết về tình trạng thất thu thuế khoáng sản trên Báo Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân |
Về tồn tại chủ yếu của doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung như: Sử dụng đất làm khu vực văn phòng mỏ và bãi thải nhưng chưa thực hiện thuê đất; chưa lắp đặt trạm cân; lập nhưng không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Có một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất cho phép, khai thác vượt ra ranh giới được cấp phép, vi phạm về thiết kế mỏ, xây dựng tường rào không đúng tiêu chuẩn đối với kho vật liệu nổ, chưa tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ, chưa xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp… Đáng lưu ý là cả 13 doanh nghiệp được kiểm tra đều có vi phạm về lĩnh vực thuế. Những vi phạm về lĩnh vực thuế được Đoàn phân tích, làm rõ như kê khai sai sản lượng, giá tính thuế tài nguyên, hệ số quy đổi giữa tấn và m3.
Mới đây, vào đầu tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Đông Nam hoạt động khai thác đất tại khu vực điểm mỏ rú Dứa (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) vượt trữ lượng cho phép trên 300.000 m3. Vụ việc này hiện đang được tiếp tục điều tra làm rõ.