Chuyển đổi số

Công nghệ xanh: Chìa khóa vàng cho tương lai bền vững của Đông Nam Á

Phan Văn Hoà 22/08/2024 9:00

Để ứng phó hiệu quả với những thách thức về biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ở các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Công nghệ xanh nổi lên như một giải pháp hứa hẹn, mang đến cơ hội xây dựng một tương lai xanh hơn cho khu vực này.

Công nghệ xanh (Green Technology) là một thuật ngữ chung chỉ các công nghệ, quy trình và sản phẩm được thiết kế để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nói cách khác, đây là những giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc giảm thiểu phát thải carbon và chuyển đổi sang năng lượng xanh. Nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, cùng với sự phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khiến khu vực này trở thành một trong những khu vực phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo năm 2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng cao khiến nguồn cung không đáp ứng đủ. Do vậy, năng lượng xanh là giải pháp cung cấp nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng, giảm khí thải và đảm bảo nguồn cung liên tục cho tất cả mọi người.

Bà Andrea Meza Murillo - Phó Tổng Thư ký điều hành Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) cho biết, biến đổi khí hậu đang gây hại cho hành tinh chúng ta thông qua hạn hán, lũ lụt, nắng nóng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác. Do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo ở các quốc gia ASEAN trở nên thiết yếu cho sự sống ở đây.

Việc giảm thiểu phát thải carbon tại các quốc gia ASEAN là vấn đề quan trọng vì khí thải đi vào bầu khí quyển và làm nóng lên toàn cầu, gây rối loạn hệ sinh thái thực vật và động vật. Điều này ảnh hưởng đến an ninh lương thực, gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, khí thải nhà kính (GHG) gây ô nhiễm không khí, khiến người dân mắc các bệnh về đường hô hấp.

Giải pháp công nghệ xanh mang lại những lợi ích gì cho các quốc gia ASEAN?

Các quốc gia ASEAN với nguồn tài nguyên phong phú như niken, đang trở thành trung tâm sản xuất các giải pháp năng lượng sạch hàng đầu thế giới. Công nghệ xanh, đặc biệt là xe điện, không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ chính sách hỗ trợ tích cực từ các chính phủ và sự quan tâm của người tiêu dùng, thị trường xe điện tại các quốc gia ASEAN đang bùng nổ, dự kiến sẽ đạt 1.871 triệu USD vào năm 2028, tăng trưởng 5,51% mỗi năm.

Công nghệ xanh không chỉ là giải pháp cho các vấn đề môi trường mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia ASEAN. Nhờ những sáng kiến đột phá, các doanh nghiệp trong khu vực đã tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, thu hút nhân tài công nghệ và mở ra những thị trường mới. Một ví dụ điển hình là nông nghiệp thẳng đứng, giải pháp thông minh giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực.

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi những giải pháp cấp bách. Công nghệ xanh đã mang đến những đột phá trong quản lý rác thải, như chuyển hóa chất thải thành năng lượng (WTE) và tận dụng rác thải hữu cơ để tạo ra sinh khối. Nhờ đó, không chỉ giảm thiểu lượng rác thải đổ vào môi trường mà còn cung cấp nguồn năng lượng sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Những rào cản trong việc áp dụng rộng rãi các công nghệ xanh ở các quốc gia ASEAN?

Việc chuyển đổi sang công nghệ xanh tại các quốc gia ASEAN đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, than vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu, chiếm đến 40% tổng sản lượng điện. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được xem là giải pháp thay thế tiềm năng, nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung và đẩy giá lên cao, hạn chế khả năng ứng dụng rộng rãi của loại nhiên liệu này.

Mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn, các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch vẫn chưa đủ mạnh. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Bain&Co (Mỹ), các quốc gia ASEAN đang “đi chệch hướng” trong việc đầu tư vào công nghệ xanh. Nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư còn e ngại về lợi nhuận ngắn hạn, khó khăn trong việc thoái vốn và thiếu các công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư một cách chính xác.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng và chi phí đầu tư cao cũng đang cản trở việc áp dụng công nghệ xanh, đặc biệt ở các khu vực nông thôn. Đồng thời, sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường và rác thải. Để giải quyết những thách thức này, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư vào hạ tầng và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Hướng tới xanh hóa ASEAN

Theo báo cáo của Đại học Columbia (Mỹ), để đạt được mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon, mọi khía cạnh của nền kinh tế đều phải thay đổi. Điều đó có nghĩa là cần những ý tưởng mới trong thực tiễn quản lý đất đai, sản xuất năng lượng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Các quốc gia ASEAN có thể tập trung tuyên truyền tiết kiệm năng lượng trong những tòa nhà lớn, sử dụng vật liệu bền vững để xây dựng và ứng dụng biện pháp khử carbon.

Theo sáng kiến Năng lượng bền vững (SEforAll), các quốc gia ASEAN là nơi rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu. Ước tính đến năm 2050, các quốc gia này có thể mất tới 30% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) do biến đổi khí hậu gây ra.

Do đó, để ngăn chặn những tác động của nóng lên toàn cầu, các quốc gia ASEAN cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng xanh để giảm 10% lượng khí thải vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải, các quốc gia ASEAN cần chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch như mặt trời, gió và thủy điện; khuyến khích phương tiện di chuyển ít phát thải carbon bằng cách phát triển giao thông công cộng, xe điện và các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và giảm thiểu tổng lượng khí nhà kính được thải ra môi trường do các hoạt động của con người trực tiếp và gián tiếp.

Tóm lại, công nghệ xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu ở các quốc gia ASEAN. Việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khu vực, bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao sức khỏe cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Techcollectivesea
Copy Link

Mới nhất

x
Công nghệ xanh: Chìa khóa vàng cho tương lai bền vững của Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO