Công nghiệp Nghệ An nỗ lực về đích đúng kịch bản

Thu Huyền 27/08/2021 09:28

(Baonghean.vn) - Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, với chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Nghệ An vẫn đạt mức tăng trưởng khá.

Tín hiệu lạc quan

Một trong những sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao phải kể đến xi măng. Nghệ An là tỉnh có tiềm năng về phát triển xi măng vì có nguồn đá vôi làm nguyên liệu khá dồi dào, phân bố chủ yếu ở vùng phía Tây và phía Bắc của tỉnh, thuộc địa bàn các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Kỳ Sơn, Tương Dương... Riêng Nhà máy xi măng Tân Thắng (Quỳnh Lưu) sử dụng hệ thống thiết bị và dây chuyền công nghệ đồng bộ của hãng F.L.Smith - Đan Mạch được đánh giá là một trong những dây chuyền tiên tiến nhất hiện nay. Nhà máy có công suất 5.000 tấn clinker/ngày tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm.

Sau thời gian chạy thử, hiện nay toàn bộ dây chuyền sản xuất của nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã sản xuất hơn 500.000 tấn clinker, 261.000 tấn xi măng; sản lượng tiêu thụ hơn 212.000 tấn clinker, hơn 257.000 tấn xi măng.

Nhà máy Xi măng Tân Thắng. Ảnh: Thu Huyền
Nhà máy Xi măng Tân Thắng. Ảnh: Thu Huyền

Hiện trên địa bàn có 4 nhà máy sản xuất xi măng đang hoạt động, tổng công suất theo thiết kế 7,8 triệu tấn/năm. Nhờ cải tiến kỹ thuật và công nghệ, thực tế tổng sản lượng xi măng và clinker của các nhà máy đã đạt trên 7,5 triệu tấn/năm, dự kiến năm 2021 tổng sản lượng đạt khoảng 9 triệu tấn. Hiện có 02 dự án xi măng đang được xem xét triển khai thực hiện là Nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn II: công suất 3,8 triệu tấn/năm và Xi măng Hoàng Mai 2, công suất giai đoạn 1 là 2,3 triệu tấn xi măng/năm.

Ông Lê Khánh Sang - Phó phòng Quản lý VLXD, Sở Xây dựng

Bên cạnh xi măng, dệt may cũng là một trong những thế mạnh về thu hút đầu tư, tiếp tục khẳng định là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động... Dù dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, nhưng chuỗi cung ứng về nguyên liệu dệt may không bị đứt gãy, cùng với giá trị đầu tư ngành dệt may khá nhanh nên giá trị sản xuất ngành này trong 7 tháng đầu năm tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Minh Anh - Nghệ An cho biết: Tín hiệu đáng mừng hiện nay ở các doanh nghiệp dệt may là đơn hàng dồi dào, sản xuất tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Ngay đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các đơn hàng đến cuối năm và cả năm sau. Để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, chúng tôi vừa phòng chống dịch, các doanh nghiệp chủ động trang bị cồn sát khuẩn, khẩu trang, test nhanh, và xây dựng phương án làm việc, bố trí chỗ ăn ở đảm bảo, đưa đón công nhân...

Các doanh nghiệp ở khu CN Bắc Vinh triển khai test nhanh Covid-19 cho công nhân đảm bảo sản xuất. Ảnh: Thu Huyền
Các doanh nghiệp ở Khu CN Bắc Vinh triển khai test nhanh Covid-19 cho công nhân đảm bảo sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2021 dự kiến đạt khoảng 48.240 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm và đạt 60,85% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 24,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Xây dựng kịch bản, quyết tâm về đích

Tuy nhiên, theo đánh giá, một số sản phẩm, lĩnh vực công nghiệp dù tăng so với năm 2020 nhưng khó đạt mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2021.

Chẳng hạn, bột đá trắng các loại ước cả năm đạt khoảng 950 ngàn tấn/kế hoạch 1.200 ngàn tấn, nguyên nhân do cước vận tải biển tăng cao, thời gian và chi phí vận chuyển tăng. Sản phẩm bia lon, bia chai mặc dù tăng so với năm 2020 nhưng vẫn đạt thấp so với kế hoạch do dịch bệnh, sức tiêu thụ giảm. Dự kiến sản lượng 3 nhà máy năm 2021 đạt khoảng 135 triệu lít/kế hoạch 185 triệu lít; Bao bì giảm mạnh do khách hàng là các doanh nghiệp giảm sản lượng, dừng sản xuất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng để đóng gói sản phẩm cũng giảm sút. Dự kiến đạt 75 triệu sản phẩm/kế hoạch 90 triệu sản phẩm.

Sản phẩm sợi trong tháng 7/2021 giảm 299 tấn so với tháng 6/2021 do các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vinh không đảm bảo đủ số lượng công nhân làm việc trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, nhu cầu nhập khẩu của khách hàng ở các nước Trung Đông, Tây Á cũng giảm do dịch bệnh bùng phát, dự kiến cả năm chỉ đạt 14.300 tấn/kế hoạch 18.000 tấn...

Sản xuất tại Công ty TNHH may Prex Vinh. Ảnh: Thu Huyền
Sản xuất tại Công ty TNHH may Prex Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Dịch đang diễn biến phức tạp, do đó sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm tiếp tục gặp khó khăn. Song, theo nhận định, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì sự đóng góp của một số dự án có quy mô lớn từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đi vào hoạt động (Nhà máy xi măng Tân Thắng, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare-ICT, Nhà máy may An Hưng, Nhà máy may TAAD...) giúp công nghiệp duy trì đà tăng trưởng.

Từ quý III/2021 tiếp tục có đóng góp thêm của các dự án: Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối DKC, Nhà máy sản xuất viên gỗ của Công ty CP gỗ Thanh Chương và dự kiến quý IV/2021 có sự đóng góp của Nhà máy sản xuất và gia công giày dép Viet Glory, Nhà máy Thủy điện Bản Mồng,... Vì thế, nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất và quyết định đến tốc độ tăng trưởng của ngành như: Xi măng, sữa chế biến, tôn thép Hoa Sen các loại, sản phẩm may mặc, điện sản xuất, linh kiện điện tử,... vẫn đạt hoặc vượt kế hoạch.

Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Frescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Frescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền

Ngành Công Thương vẫn đặt mục tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến Chỉ số phát triển công nghiệp cả năm 2021 đạt từ 16,5-17%; Tốc độ tăng trưởng Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng từ 19% tương ứng với giá trị sản xuất đạt từ 81.000 tỷ đồng/KH giao năm 2021 là 79.271 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Công Thương đã xây dựng kịch bản tăng trưởng, đề xuất các giải pháp cụ thể. Trong đó, rất cần có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời nhằm phát huy hết năng lực sản xuất.

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương

Theo đó, cần triển khai các giải pháp hỗ trợ về giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ người lao động,... theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021. Tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh làm việc với các đơn vị theo kế hoạch ban hành từ đầu năm 2021 để nắm bắt khó khăn vướng mắc của từng dự án, doanh nghiệp. Trên cơ sở kiến nghị đề xuất của đơn vị (hỗ trợ công tác GPMB, giao đất, xây dựng đường giao thông, ổn định cấp điện, cấp nước, thủ tục xuất nhập khẩu nguyên liệu,...), tham mưu UBND tỉnh giải pháp cụ thể chỉ đạo.

"Các sở, ngành liên quan cần đồng hành, hướng dẫn doanh nghiệp phòng ngừa dịch Covid-19; hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu và cả nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Chỉ đạo phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo đầu vào cho các nhà máy (mía, gỗ trồng, chè, cao su, dứa, thực phẩm chăn nuôi bò sữa, thủy sản,...), đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics và hỗ trợ tín dụng đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thuế và hải quan đối với lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung hỗ trợ khởi nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội tham gia cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước..." - người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.

Mới nhất
x
Công nghiệp Nghệ An nỗ lực về đích đúng kịch bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO