Với dây chuyền sản xuất hiện đại, chất lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao và được sự ủy nhiệm của Tập đoàn Xi măng The Vissai, sản phẩm Xi măng Sông Lam nhanh chóng tiếp cận thị trường nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Hong Kong, Philippines, Trung Quốc, Australia, Mauritius, một số nước châu Âu… và đặc biệt được xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn, trong đó có nước Mỹ – một thị trường khá khó tính. Điển hình năm 2022, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đạt sản lượng trên 4,6 triệu tấn xi măng, hơn 1 triệu tấn Clinker; đơn vị đã xuất khẩu 4,4 triệu tấn (cả xi măng và Clinker) đến nhiều nước, doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong những tháng đầu năm 2023, lãnh đạo Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam Nghệ An đến nhiều quốc gia, kết nối với các đối tác, tiếp tục giới thiệu, ký kết xuất khẩu xi măng. Những ngày đầu tháng 4/2023, ông Hoàng Minh Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam có chuyến công tác đến Mỹ, làm việc với các đối tác. Sản phẩm xi măng Sông Lam bắt đầu xuất khẩu xi măng sang thị trường Mỹ từ cuối năm 2019 và sản lượng tăng trưởng mạnh qua từng năm. Cụ thể năm 2019, xuất sang Mỹ gần 128.000 tấn; năm 2020 xuất hơn 1,23 triệu tấn; năm 2021 xuất gần 1,3 triệu tấn; năm 2022 xuất gần 2 triệu tấn. Dự kiến năm 2023, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam xuất sang Mỹ khoảng 2,3 triệu tấn xi măng.
Ông Hoàng Minh Tuấn cho biết thêm: Hiện sản phẩm xi măng Vissai đã được chứng nhận sử dụng trong các công trình giao thông tại bang California (Caltrans), Texas (DOT) và đang trong quá trình thẩm định để được công nhận tại các bang khác như: Lousiana, Ohio, Kentucky, New Orleans, Ilinois… Thị trường xuất khẩu xi măng Vissai và xi măng Sông Lam tại Mỹ ngày càng mở rộng, ngoài các thị trường truyền thống tại bờ Tây với các cảng dỡ hàng như: LongBeach California, Stockton, Oregon Portland. Năm 2023, Công ty dự kiến sẽ xuất khẩu sang các khu vực bờ Đông nước Mỹ, khu vực Texas (cảng Houston, Port Authur, Corpus Christi), Mississipi River (Lousiana, Ohio, Kentucky, New Orleans, Ilinois)… Quá trình xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Công ty kết nối chặt chẽ với hệ thống khách hàng là các công ty đầu ngành trong lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng đang sử dụng và phân phối xi măng Vissai tại Mỹ, có thể kể đến như: Heidelberge Materials, Global Transit, Cemex, IMI, Mitsubishi Cement Corporation, CalPortland, Martine Marietta, Pan Pacific, Ash Grove, …
So với nhiều nhà máy, nhãn hàng xi măng khác ở Việt Nam, các sản phẩm của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam “sinh sau đẻ muộn”. Chính vì vậy, việc cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường nội địa là một cuộc đua khốc liệt. Xác định như vậy, nên Công ty xây dựng uy tín thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm đạt chuẩn và kết nối chặt chẽ với các nhà phân phối trong nước phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Với cách làm đó, xi măng Sông Lam hiện có mặt rộng khắp mọi miền đất nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và nhiều tỉnh phía Nam.
Qua 6 năm hoạt động, sản lượng bán hàng nội địa tăng trưởng hàng năm. Nếu như năm 2020, công ty tiêu thụ trên thị trường nội địa chỉ khoảng 800 nghìn tấn, đến năm 2022 đã tăng lên 1,3 triệu tấn (tăng 60% so với năm 2020 và 37% so với năm 2021). Riêng quý I/2023, bán nội địa được 280 nghìn tấn (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Dù vậy, so với khả năng sản xuất và sản lượng xi măng ra lò, những số liệu đó còn khiêm tốn. Chính vì vậy, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đang tăng cường kết nối các kênh phân phối để từng bước chinh phục thị trường nội địa.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm xi măng, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đang hoàn thiện hệ thống Cảng biển quốc tế nước sâu Nghi Thiết. Bên cạnh 2 cầu cảng chuyên dùng dài gần 2.000m, có thể đón tàu 70.000 tấn vào bốc xếp xi măng, công ty đã hoàn thành 4 cảng biển quốc tế tổng hợp và đang tổ chức khai thác thử nghiệm, đón tàu 30.000 tấn. Dự kiến các bến cảng quốc tế tổng hợp của công ty sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng đầu quý III/2023.
Ảnh bìa: Nguyễn Đạo