Công ty CP Mía đường Sông Con: Đồng hành cùng nông dân chăm sóc vùng nguyên liệu

PV 13/07/2023 10:39

(Baonghean.vn) - Để cây mía không bị ảnh hưởng nặng do nắng hạn, cán bộ Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã tích cực bám vùng nguyên liệu, hướng dẫn bà con cách chăm sóc hợp lý. Cùng đó, nhà máy tiến hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, chuẩn bị cho niên vụ ép 2023 - 2024 an toàn, hiệu quả.

Giảm thiểu thiệt hại cho mía khi nắng hạn

Dạo quanh một vòng các cánh đồng mía đang giai đoạn làm lóng trên địa bàn huyện Tân Kỳ, có thể thấy nỗi khó khăn, vất vả của người trồng mía khi tình trạng nắng hạn kéo dài. Nhiều nông dân “lo đứng, lo ngồi” với diện tích mía bị khô héo, việc chăm sóc mía càng gặp nhiều khó khăn bởi lượng nước tại các hồ đập, khe suối trên địa bàn đang cạn dần.

bna_Ngay từ đầu vụ, cán bộ vùng nguyên liệu đã hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc mía hợp lý. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Ngay từ đầu vụ, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc mía hợp lý. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Văn Long, người trồng mía ở xã Nghĩa Phúc cho hay: “Gia đình tôi gắn bó với cây mía từ khi có Nhà máy đường Sông Con hoạt động cho đến nay. Hiện tại, tôi đang trồng và chăm sóc 3 ha mía. Từ tháng 5 đến nay, nắng nóng kéo dài liên tục dẫn đến cây mía bị héo, chậm phát triển. “Cũng như các năm trước, để bảo vệ diện tích mía lưu gốc vừa mới thu hoạch xong, gia đình thuê máy cày xả, vun gốc lên cao để đất giữ được độ ẩm. Cùng đó, làm sạch cỏ, bón phân đầy đủ để cây mía phát triển tốt trước khi mùa nắng nóng”, ông Long chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng ban sản xuất nguyên liệu (Công ty cổ phần Mía đường Sông Con), đối với vùng mía nguyên liệu, lâu nay gặp khó khăn về chống hạn, bởi hệ thống thuỷ lợi còn bất cập, nhất là những vùng cao, do vậy, năm nào hạn nặng thì nhiều diện tích mía bị khô cháy. Tuy nhiên, một số hộ dân trên địa bàn Tân Kỳ đã đầu tư khoan giếng để hút nước lên tưới cho mía vào những ngày nắng nóng khá hiệu quả.

Ông Hải khuyến cáo, để giảm thiểu những thiệt hại do hạn hán gây ra đối với năng suất và chất lượng của cây mía, cần áp dụng biện pháp cày ngầm trong khâu làm đất trồng mới và cày ngầm cho mía gốc sau thu hoạch nhằm phá vỡ tầng đất đã canh tác lâu năm, giúp bộ rễ cây mía phát triển sâu, hấp thụ nước ngầm, giữ nước khi có mưa và chất dinh dưỡng nhiều hơn.

bna_Cán bộ nông vụ kiểm tra sâu bệnh trên vùng mía nguyên liệu. Ảnh Xuân Hoàng.JPG
Thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh hại trên vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với những ruộng mía đã phát triển chiều cao, bà con cần bóc hết lá già, làm sạch cỏ, để ruộng mía được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Thời gian qua, vùng nguyên liệu mía đã xuất hiện cào cào gây hại và bọ hung đen hại mía. Công ty đã sử dụng máy động cơ phun thuốc diệt trừ cào cào; đối với bọ hung đen, cán bộ vùng nguyên liệu hướng dẫn bà con cách phòng trừ bằng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học.

Biện pháp phòng trừ bọ hung đen hại mía: Nếu chủ động tưới nước có thể tưới ngập 20-30 phút để bọ hung lên và bắt. Hoặc đối với các ruộng mía đã thu hoạch, ngâm lâu 5-6 ngày để tiêu diệt sâu non. Biện pháp thủ công: Bọ hung đen hại mía trưởng thành vào tháng 4-5-6, có thể sử dụng nhân lực để bắt. Sử dụng một trong các loại thuốc hoá học dạng hạt để bón vào hai bên gốc mía, sau đó vun thành dải đất.

Ngoài ra, nông dân cũng nên chọn các giống mía không có biểu hiện nhiễm bệnh, có khả năng chịu hạn, tái sinh gốc tốt. Về phân bón, nên sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh hoặc bã bùn giúp cải thiện tình trạng thiếu chất mùn trong đất, giảm thiểu đáng kể những tác động bất lợi của hạn hán. Hiện nay, Công ty đang hỗ trợ người trồng mía bùn mía và cho vay phân bón trả sau; chính sách hỗ trợ những diện tích trồng mới mía.

Bảo dưỡng dây chuyền sản xuất trước vụ ép

Theo kế hoạch, vào đầu tháng 11, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con sẽ khởi động dây chuyền sản xuất vụ mía 2023 - 2024. Để bảo đảm cho niên vụ ép mía mới, ngoài việc ổn định vùng nguyên liệu, hiện nay công ty đang tập trung đầu tư tu sửa, bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền sản xuất một cách chu đáo nhất.

Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con thông tin: “Công tác bảo trì hiện tại đang được các công nhân kỹ thuật triển khai thực hiện, để chuẩn bị sẵn sàng vào vụ ép mía năm nay ngay khi có chỉ đạo của Hội đồng quản trị. Cùng đó, các phương tiện ô tô vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy cũng được các chủ phương tiện tập trung bảo trì, tu sửa… Khi bước vào vụ thu hoạch, phía nhà máy sẽ ký hợp đồng với các chủ phương tiện để vận chuyển mía cho bà con về nhà máy sản xuất một cách kịp thời nhất”.

bna_Hiện nay mía đang giai đoạn phát triển chiều cao, bà con cần bóc lá già để ruộng mía thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Bà con nông dân cần bóc lá già để ruộng mía thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện vùng nguyên liệu Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện kế hoạch chăm sóc mía đúng cách; tránh tình trạng sâu bệnh phá hại, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân.

Vùng nguyên liệu mía của Công ty vẫn giữ ổn định gần 5.000 ha; công suất hoạt động của nhà máy 3,3 nghìn tấn mía cây một ngày. Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư nồi nấu đường công nghệ mới từ vụ ép trước, nên chất lượng sản phẩm được nâng lên, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cạnh tranh với thị trường.

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con tiếp tục đầu tư sửa chữa các tuyến đường nội vùng nguyên liệu. Đặc biệt là việc tăng cường liên kết, đồng hành và triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng nguyên liệu, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía./.

Mới nhất
x
Công ty CP Mía đường Sông Con: Đồng hành cùng nông dân chăm sóc vùng nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO