Cách đây 65 năm, ngày 4/5/1959, Nhà máy Điện Vinh chính thức khánh thành sau 2 năm khởi công xây dựng tại mảnh đất Nhà máy Điện SIFA (Pháp) – Bến Thủy dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, với các hạng mục công trình nhà máy có công suất đạt 8.000 kW.
Nhà máy Điện Vinh – đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp Việt Nam xã hội chủ nghĩa – một trong những cái nôi đào tạo cán bộ đầu tiên cho ngành Điện lực Việt Nam. Nhà máy đi vào hoạt động, sản xuất điện phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và đời sống của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đánh dấu sự kiện ý nghĩa quan trọng này, Báo Nhân Dân ngày 4/5/1959 đã viết: “Nhà máy Điện Vinh mọc lên, đem ánh sáng tỏa khắp thành thị, bến tàu Vinh – Bến Thủy sau 9 – 10 năm chiến tranh lại nhộn nhịp hơn trước, Nhà máy Điện Vinh đã bước đầu đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc khôi phục kinh tế ở Nghệ An. Nhà máy đã cung cấp điện cho công nghiệp, nông nghiệp địa phương, nhờ có điện mà hơn 17.000 mẫu tây ruộng ở Tây Nam Nghệ An đã có nước tưới, điện cũng đã được cung cấp cho nhà máy xay, nhà máy nước, gạch, xi măng, các công trình xây dựng, các hợp tác xã, Tập đoàn cơ khí, các cơ quan và nhân dân trong thị xã được đầy đủ ánh sáng, điện cũng đã phục vụ Đài truyền thanh, rạp hát, rạp chiếu bóng, bệnh viện…”.
Trên công trường xây dựng, Nhà máy Điện Vinh đã vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu về thăm. Gặp gỡ nói chuyện với cán bộ, công nhân vào ngày 15/6/1957, Bác căn dặn: “Các cô, các chú được giao quản lý tài sản quý báu này, các cô, các chú hãy cố gắng lên, đừng để cảnh nghèo nàn lạc hậu trở lại trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh chúng ta”.
Hơn 65 năm qua, các thế hệ CBCNV Công ty Điện lực Nghệ An đã nỗ lực thi đua làm theo lời Bác. Những lời căn dặn, những tình cảm của Bác dành cho CBCNV Nhà máy Điện Vinh năm ấy luôn khắc sâu trong trái tim, là kim chỉ nam dẫn đường thôi thúc mỗi người vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để xây dựng và phát triển Công ty Điện lực Nghệ An hôm nay.
Giai đoạn từ năm 1965 – 1975 được coi là trang sử vẻ vang, oanh liệt nhất của Nhà máy Điện Vinh. Trong suốt 10 năm kháng chiến chống Mỹ, Nhà máy Điện Vinh trở thành túi bom cho giặc Mỹ trút xuống, là mục tiêu đánh phá hủy diệt của không lực Hoa Kỳ.
Với khẩu hiệu hành động “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, tất cả CBCNV nhà máy đã không quản ngại hy sinh, anh dũng kiên cường bám lò bám máy, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong sản xuất, vượt mọi gian nguy, duy trì nguồn điện phục vụ sản xuất và chiến đấu. Cũng trong giai đoạn này đã phát huy nhiều sáng kiến, tổ chức sản xuất, cải tiến kỹ thuật phù hợp với thời chiến, mở rộng xây lắp các Trạm Diezel, xây dựng Nhiệt điện 3/2… Nhà máy đã bị phá đi, khôi phục lại 26 lần trong gian khổ, khó khăn, hy sinh, mất mát. Nhưng “Địch đánh, ta phục hồi; địch lại đánh, ta lại phục hồi”; “Ống khói chính đổ, ta làm ống khói tôn, ống khói tôn đổ, ta làm đường khói ngầm để che mắt địch”; “Bám trụ kiên cường, thề quyết tử cho dòng điện quyết sinh”.
Những ngày đó, người dân thành phố Đỏ luôn hướng về nhà máy với niềm tin và hy vọng nhà máy vẫn còn hoạt động. Nó thực sự trở thành niềm tin, niềm kiêu hãnh của những người thợ Điện trên quê hương Bác, xứng đáng với lá cờ thêu 12 chữ vàng “chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, chiến thắng vẻ vang” do Liên hiệp Công đoàn Nghệ An trao tặng. Cũng trong giai đoạn chiến tranh ác liệt này, 14 cán bộ, công nhân của Nhà máy Điện Vinh đã hy sinh anh dũng kiên cường khi trên tay vẫn còn nguyên dụng cụ lao động, máu của các liệt sĩ đã tô thắm cho trang sử vàng lịch sử Nhà máy Điện Vinh, để “dòng điện không bao giờ tắt trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh”.
Đến ngày 30/4/1975, Cuộc tổng tiến công mùa Xuân đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Nhà máy Điện Vinh bắt đầu bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển. Nhà máy từng bước được phục hồi, lắp đặt thêm các máy Diezel, tháo dỡ Nhiệt điện 3/2 đưa về lại Bến Thủy.
Ngày 8/2/1983, Nhà máy Điện Vinh lần đầu được hòa lưới điện Quốc gia. Đây cũng là thời kỳ căng thẳng về nguồn, thời kỳ sản xuất điện cực kỳ gian khổ vì nguồn điện không đáp ứng được yêu cầu phát triển của sản xuất và đời sống.
Ngày 13/8/1984, lịch sử Điện Vinh bước sang trang mới, Nhà máy Điện Vinh được đổi tên thành Sở Điện lực Nghệ Tĩnh. Cùng với việc đổi tên gọi thì cơ cấu, nhiệm vụ, chức năng cũng thay đổi theo. Từ đây, ngoài những nhiệm vụ sản xuất điện phục vụ chính trị, nay thêm nhiệm vụ kinh doanh bán điện, đồng thời kiêm chức năng thực hiện quản lý nhà nước về điện trên địa bàn nhằm đảm bảo cho việc cung ứng và sử dụng điện đúng quy định của pháp luật.
Sở Điện lực Nghệ Tĩnh đã mở rộng xây dựng và phát triển hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế trực tiếp phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn. Các Chi nhánh Điện được hình thành để quản lý lưới điện theo vùng đã được hoạch định nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng và thuận tiện cho công việc kinh doanh.
Đến tháng 10/1985, trải qua bao thăng trầm thay đổi, Nhiệt điện Bến Thủy đã chính thức ngừng hoạt động do nguồn điện phía Bắc được tăng cường. Từ chỗ sản xuất điện mang tính chất phục vụ chính trị, nay chuyển sang nhận điện lưới để kinh doanh bán điện. Sau gần 30 năm hoạt động, Nhà máy Điện Vinh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, là chứng tích lịch sử của một đơn vị sản xuất, mà tên tuổi đã đi vào lịch sử của dân tộc, của ngành Điện Việt Nam.
Nhà máy đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng vào đầu năm 1967 tại Đại hội Liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước, tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho hai đồng chí Huỳnh Ngọc Đủ, Trương Quang Thâm và hơn 30 Huân chương các loại cho tập thể, cá nhân xuất sắc. Có 5 đồng chí là cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã trúng cử đại biểu Quốc hội qua các nhiệm kỳ.
Để ca ngợi những thành tích đó, Xưởng phim tài liệu Việt Nam đã xây dựng bộ phim “Dòng điện không bao giờ tắt”. Đặc biệt, trong suốt quá trình hoạt động của mình, Nhà máy cũng đã nhiều lần vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ về thăm như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười…
Ngày 30/9/1991, Sở Điện lực Nghệ Tĩnh được tách ra làm hai đơn vị quản lý theo địa bàn hành chính, sau khi chia tách được gọi là Sở Điện lực Nghệ An và Sở Điện lực Hà Tĩnh. Sở Điện lực Nghệ An thời điểm đó quản lý hơn 2.400 km đường dây cao thế, 21 trạm biến áp trung gian và phân phối, gần 1.400 trạm biến thế với tổng dung lượng là hơn 531 nghìn kVA. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường với tốc độ nhanh, bình quân hàng năm đưa vào vận hành hơn 80 trạm điện thế các loại, gần 200 km đường dây, hệ thống lưới điện phát triển nhanh trải dài vươn tới những địa bàn phức tạp.
Đến tháng 1/1996, tất cả 19/19 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có điện lưới Quốc gia, 4 huyện miền núi cuối cùng của tỉnh là Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong đều có điện lưới. Cũng trong năm 1996, Sở Điện lực Nghệ An được đổi tên thành Điện lực Nghệ An, từng bước thực hiện đổi mới trong sản xuất – kinh doanh.
Với những đóng góp của Nhà máy trong suốt giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, năm 2007, Bộ Văn hóa Thông tin ban hành quyết định xếp hạng Di tích lịch sử địa điểm Nhà máy Điện Vinh là Di tích Quốc gia, đây là chứng tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là minh chứng về một trang sử hào hùng và oanh liệt nhất của những người thợ điện trên quê hương Xô viết Anh hùng. Ý thức được giá trị, ý nghĩa lịch sử của Nhà máy, trong suốt thời gian qua, Công ty Điện lực Nghệ An đã luôn quan tâm bảo vệ địa điểm di tích này.
Bên cạnh việc giữ nguyên một phần mặt bằng Nhà máy trước đây, Công ty còn bảo tồn và tôn tạo, sửa chữa một số hạng mục trên nền đất cũ của Nhà máy như ống khói, trung tâm điều hành sản xuất lò máy Liên Xô (cũ), hệ thống hang hầm D6 trong lòng núi Dũng Quyết và rất nhiều hiện vật được lưu giữ tại phòng Truyền thống. Cứ vào ngày 4/6 hàng năm, Công ty và Ban liên lạc hưu trí đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì dòng điện không bao giờ tắt trên quê hương Xô viết.
Năm 2010, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử hình thành và phát triển công ty. Ngày 14/4/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quyết định đổi tên Điện lực Nghệ An thành Công ty Điện lực Nghệ An trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, các Chi nhánh Điện thành Điện lực. Việc chuyển đổi mô hình đã đánh dấu một bước chuyển lớn của Công ty phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Công tác sắp xếp cơ cấu tổ chức kiện toàn bộ máy quản lý đạt nhiều bước tiến quan trọng, tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiệu quả với mong muốn sự hài lòng cho tất cả khách hàng.
Đây cũng là giai đoạn mà công ty thực hiện các chương trình mục tiêu lớn mà Đảng, Chính phủ và tỉnh Nghệ An giao cho, đó là thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn, trực tiếp bán điện tận hộ dân, đảm bảo người dân được hưởng giá điện theo quy định của Chính phủ, hoàn thành chương trình đưa điện đến 100% các xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đến hết năm 2018, cơ bản đã hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, bán điện trực tiếp đến khách hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp tục đầu tư các dự án nguồn điện, phát triển lưới điện truyền tải, phân phối với hàng trăm tỷ đồng phục vụ cấp điện cho phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, các nhà máy công nghiệp như Nam Cấm, Hoàng Mai, Đông Hồi, VSIP,… với cơ chế bán điện trực tiếp đến từng khách hàng trong khu công nghiệp và đảm bảo cung ứng điện ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút nhiều dự án đầu tư góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đến năm 2024, đưa điện đến tất cả các thôn, bản chưa có điện lưới Quốc gia, phục vụ đời sống nhân dân.
Ghi nhận công lao đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, Công ty Điện lực Nghệ An đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Những thay đổi quan trọng của Công ty Điện lực Nghệ An cho đến hôm nay còn được đánh dấu trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
Hiện nay, với tổng số 1.431 CBCNV, trong đó có 424 lao động nữ (chiếm tỷ lệ 29,6%), Công ty Điện lực Nghệ An đang quản lý vận hành 29 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 1.924 MVA, 33 trạm trung gian với tổng dung lượng 193 MVA, 7.447 trạm phân phối với tổng dung lượng 2.727 MVA, quản lý gần 1.000 km đường dây 110 kV, hơn 24.000km đường dây Trung và Hạ thế, với điện thương phẩm hàng năm là hơn 4.613 triệu kWh, doanh thu hàng năm gần 9 nghìn tỷ đồng, bán điện trực tiếp đến hơn 1,073 triệu khách hàng.
Hàng năm, Công ty cũng đã nỗ lực trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác nhau để đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện, hạn chế sự cố, duy trì phương thức vận hành hợp lý, nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu kế hoạch của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao, đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn và ổn định, chất lượng với dịch vụ ngày càng cao; giảm tổn thất điện năng, tăng giá bán bình quân, tăng doanh thu…
Với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, những năm qua Công ty Điện lực Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh doanh nghiệp số hóa, xây dựng thành công hệ thống chăm sóc khách hàng đa dạng và hiện đại, các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng tiện ích và nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng.
Từ những chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Nghệ An đã biến thành hành động với những chuyển biến tích cực trong quan hệ giao tiếp, tạo mối quan hệ tình cảm hợp tác bình đẳng với khách hàng theo phương châm “Đổi mới – Chuyên nghiệp – Hành động – Hiệu quả”, nâng cao hơn nữa chỉ số hài lòng khách hàng.
Trong hành trình đó, toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã không ngừng đổi mới, cải cách để vươn tới những mục tiêu cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế quê hương, đất nước trên tinh thần kiến tạo. Triển khai đồng bộ nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực trong công tác an sinh xã hội, tri ân khách hàng, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn lao động, đẩy mạnh thực thi văn hoá doanh nghiệp, văn hóa học tập, 5S, tuyên truyền tiết kiệm điện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Các dự án đưa điện về vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo và các công trình điện phục vụ các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, thực sự đã thắp sáng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trong hành trình sắp tới, tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng tập thể CBCNV Công ty Điện lực Nghệ An sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả hiện có, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân trên quê hương Bác Hồ kính yêu; xây dựng đơn vị ngày càng phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp chung của Tổng công ty cũng như ngành Điện Việt Nam./.