COP21: Đừng nghe họ nói, hãy xem họ làm

(Baonghean.vn) - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Pháp, lãnh đạo các quốc gia bày tỏ quyết tâm cũng như khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu với những ý tưởng đầy tham vọng. Tuy nhiên, từ cam kết đến hành động là một khoảng cách khá xa khi bất đồng trong nội bộ các nước và giữa các quốc gia vẫn tồn tại. 

Những ý tưởng tham vọng…

Một trong những sáng kiến quan trọng được Tổng thống các nước Mỹ, Pháp, Thủ tướng Ấn Độ và tỷ phú người Mỹ Bill Gates cùng triển khai là “Nhiệm vụ đổi mới” nhằm cải thiện công nghệ trong sản xuất năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, Mỹ, Pháp, Ấn Độ và 17 nước khác cam kết tăng gấp đôi số tiền 10 tỷ đôla mà họ cùng đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trong 5 năm tới.

Mục tiêu của liên minh năng lượng Mặt Trời là đưa nguồn năng lượng này vào cuộc sống với giá rẻ hơn, tin cậy và thân thiện với khí hậu hơn. Ảnh: Reuters
Mục tiêu của liên minh năng lượng Mặt Trời là đưa nguồn năng lượng này vào cuộc sống với giá rẻ hơn, tin cậy và thân thiện với khí hậu hơn. Ảnh: Reuters

Liên minh năng lượng Mặt Trời cũng được thành lập theo sáng kiến của Ấn Độ. Liên minh này gồm 121 quốc gia nhằm tăng cường sản xuất năng lượng Mặt Trời, thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng này thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới. Liên minh này tuyên bố cam kết huy động 1.000 tỷ USD đầu tư các dự án cung cấp năng lượng Mặt trời đến năm 2030. 

Đây là những sáng kiến thiết thực trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá bị lên án mạnh mẽ. Từ chỗ được ví là nguồn năng lượng thần kỳ hay “vàng đen” giúp châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp trong suốt hai thế kỷ, than đá hiện bị xếp vào nguồn năng lượng "bẩn", góp phần gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Pháp và Ấn Độ công bố thành lập liên minh năng lượng Mặt Trời. Ảnh: Reuters
Pháp và Ấn Độ công bố thành lập liên minh năng lượng Mặt Trời. Ảnh: Reuters

…Khó thành hiện thực

Mặc dù các nhà lãnh đạo đưa ra những con số đầy lý tưởng, nhưng từ con số “ảo” đến thực tế là cả một vấn đề.

Năm 2009, các nước giàu đã hứa cung cấp khoản kinh phí 30 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012 và nâng lên mức 100 tỷ USD/năm bắt đầu từ năm 2020. Đây được xem là khoản tiền “đền bù” vì các nước giàu là tác nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đến tháng 6 năm nay, mới có 30 quốc gia tài trợ khoảng 10,2 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 số tiền mà họ cam kết ban đầu. Trong bối cảnh ngay cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu đều đau đầu với bài toán tăng trưởng kinh tế, thậm chí nhiều nước lâm vào tình cảnh “giật gấu vá vai” thì quyên tiền cho môi trường không hề đơn giản. 

Tổng thống Pháp François Hollande cùng các nhà lãnh đạo các nước tại COP21. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp François Hollande cùng các nhà lãnh đạo các nước tại COP21. Ảnh: AP

Hơn nữa, nội bộ các quốc gia cũng tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn. Mỹ là một ví dụ điển hình. Nỗ lực của Tổng thống Barack Obama trong việc đưa nước Mỹ đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn bị cản trở bởi các nhà lập pháp, chủ yếu thuộc Đảng Cộng hòa.

Mới đây nhất, ngày 1/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua 2 nghị quyết nói "Không" với các quy định liên quan đến các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Động thái này diễn ra khi người đứng đầu Nhà Trắng vừa có bài phát biểu thừa nhận nước Mỹ có trách nhiệm trong việc nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng tại COP21. 

Không chỉ Mỹ, những nền kinh tế nhỏ hơn cũng “vướng” phải bài toán tương tự. Mấy ngày qua, Bỉ chịu nhiều chỉ trích khi Thủ tướng Bỉ Charles Michel đến tham dự Hội nghị COP21 với một bản cam kết không có kế hoạch hành động và mục tiêu cụ thể do các vùng miền trong nước chưa thống nhất chia sẻ trách nhiệm sau nhiều năm đàm phán.

Một khi bất đồng vẫn tồn tại trong nội bộ các nước liên quan đến những cam kết chia sẻ trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu, sẽ rất khó để tìm tiếng nói chung giữa các quốc gia. Thực tế tại COP21 lần này, các quốc gia đang có mâu thuẫn trong việc đặt ra mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giảm hiện tượng ấm lên toàn cầu xuống còn 2 độ C. 

Không ít ý kiến cho rằng, hàng loạt sáng kiến và tuyên bố mạnh miệng về những khoản tiền khổng lồ chỉ là cách “đánh bóng” hình ảnh của các chính trị gia. Nếu không “thực lòng” đối với lợi ích và nghĩa vụ chung thì tất cả những cam kết sẽ chỉ là những “lời nói suông” khó trở thành hiện thực./. 

Thanh Huyền

tin mới

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

(Baonghean.vn) - Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố không đàm phán thỏa thuận gia hạn. Trong khi mới đây, Mỹ đã phải mở lại giao dịch với các ngân hàng của Nga nhằm thanh toán các hợp đồng năng lượng.

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí.