COP21 - Thỏa thuận đột phá cuối cùng cho hành tinh
(Baonghean.vn) - Ngày 12/12, sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, 195 quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris - một thỏa thuận phổ quát và ràng buộc hướng đến vấn đề nóng lên toàn cầu đồng thời đánh dấu một cột mốc mới trong các cuộc đàm phán về khí hậu.
Vào lúc 11h30, phiên họp toàn thể đánh dấu việc thông qua chính thức của thỏa thuận được xem là một bước đột phá đã diễn ra với sự điều hành của Chủ tịch Hội nghị Laurent Fabius.
Toàn thể phiên họp lịch sử ngày 12/12/2015 tại Bourget, Paris. Ảnh: Le Monde |
Phát biểu mở đầu trong buổi họp lịch sử này, Tổng thống Pháp Francois Hollande một lần nữa đảm bảo “Pháp sẽ làm hết sức mình để thực hiện các thỏa thuận cũng như để đẩy mạnh các phong trào” và kết luận “Ngày 12/12/2015 sẽ là một ngày trọng đại đối với hành tinh. Tại Paris, nhiều cuộc cách mạng đã diễn ra nhưng cuộc cách mạng dành cho sự biến đổi khí hậu ngày hôm nay là cuộc cách mạng đẹp nhất, bình yên nhất”.
Văn bản cuối cùng của Hiệp định Paris về khí hậu dài 31 trang với 29 điều mà theo mô tả của ông Fabius gồm 5 chương với “những trách nhiệm phân biệt của các quốc gia” trong những nỗ lực chống lại sự nóng lên trên toàn cầu.
Văn bản duy trì ngưỡng nóng lên toàn cầu “dưới 20C và phấn đấu đạt đến giới hạn 1,50C”. Các điều khoản cũng gợi lên “việc hợp tác cần thiết trước vấn đề tổn thất và bồi thường” với tổng số tiền 100 tỷ USD được các nước phát triển hứa đưa ra cho đến năm 2020 và một số tiền “sàn” cho sau năm 2020 mà con số cụ thể sẽ được thiết lập vào năm 2025.
Kết thúc phiên họp, ông Fabius, Tổng thống Hollande và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đều bày tỏ các cảm xúc mãnh liệt trước bản “dự thảo đầy tham vọng và cân bằng” “được áp dụng ngay, kéo dài, năng động và mang tính ràng buộc pháp lý”.
Kết thúc hiệp định Paris về khí hậu với sự chấp thuận của 195 quốc gia. Ảnh: Le Monde |
Theo ông Fabius, văn bản trên là “sự cân bằng tốt nhất giữa những quan điểm cứng rắn và mềm mỏng, cho phép các đoàn đàm phán mỗi nước khi quay trở về có thể ngẩng cao đầu với những thành tựu quan trọng”. Ông Fabius tuyên bố, “Thế giới ghi nhận vai trò của các bạn”.
Về phần ông Hollande, ông cho rằng “Ngày 12/12/2015 có thể xem là một ngày tuyệt với cho nhân loại. Với cá nhân tôi cảm thấy hạnh phúc, gần như là nhẹ nhõm, tự hào khi đưa ra được từ Paris - nơi vừa chịu sự tấn công cách đây không lâu, một thông điệp. Chúng tôi yêu cầu các bạn chấp nhận thỏa thuận đầu tiên về khí hậu toàn cầu trong lịch sử của chúng ta. Đây là cơ hội hiếm có trong cuộc sống để thay đổi thế giới, hãy vì hành tinh, vì loài người và vì sự sống”.
Mặc dù được đánh giá là văn bản lịch sử song Hiệp định Paris vẫn còn tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa các nước cũng như bị nhiều tổ chức phi chính phủ chỉ trích. Tuy nhiên, các nhà đàm phán hứa hẹn sẽ đưa những vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP22 tiếp theo diễn ra tại Marrakech từ ngày mồng 7 đến ngày 18/11/2016.
Chu Thanh
(Theo Le Monde)
TIN LIÊN QUAN |
---|