Chuyện nghề dạy lái ô tô
(Baonghean.vn) - “Lái xe là đặt một chân vào ranh giới sinh tử cho mình và người khác” - đây là quan điểm của rất nhiều giáo viên dạy lái.
Tầm ảnh hưởng của những người thầy
“Trước khi học lái xe ô tô, tôi là một người đi xe máy khá ẩu. Nói đúng hơn, ý thức chấp hành nội quy an toàn giao thông của tôi không cao. Nhưng sau khi học lái, từ những bài học mà tôi được học từ thầy dạy lái xe của mình, tôi đã thay đổi, nghiêm chỉnh hơn, điềm tĩnh hơn khi tham gia giao thông” - anh Trần Văn Dũng chia sẻ.
Đồng tình với anh Dũng, chị Nguyễn Nguyên Ngọc nói: “Trước khi học lái xe ô tô, tôi khá chủ quan khi tham gia giao thông. Chính thầy dạy lái đã chỉ rõ cho tôi những nguy hiểm có thể xảy ra trên đường và hướng dẫn cho tôi những bài học về văn hoá tham gia giao thông. Từ việc chấp hành luật đến việc sẵn sàng nhường đường, bình tĩnh giải quyết tình huống…”.
Từ những chia sẻ và những lời giới thiệu đầy tôn trọng của các cựu học viên, tôi có cơ hội được lắng nghe câu chuyện làm nghề của những người thầy dạy lái đầy trách nhiệm và tâm huyết. Để đào tạo ra những học viên chất lượng, những ông thầy này cũng có rất nhiều điểm chung.
“Dù học viên đông hay ít thì tôi vẫn luôn phân loại học viên thành những nhóm khác nhau như nhóm học viên tiếp thu nhanh, nhóm học viên thường bị áp lực tâm lý, nhóm học viên thích thử thách… Từ đặc điểm đó, tôi chọn cách truyền đạt và lên giáo án riêng phù hợp. Điểm chung trong giáo án ở các nhóm chính là thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn khi truyền đạt trong mọi tình huống” - thầy Hồ Minh Diễn (Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS, TP. Vinh), người có 16 năm trong nghề, thổ lộ.
15 năm làm nghề với phương pháp “bắt mạch” tâm lý, thầy Nguyễn Thành Trung (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức, TP. Vinh) chia sẻ: “Giáo viên càng căng thẳng thì học trò càng áp lực, càng áp lực càng khó tiếp thu. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng tạo một môi trường thân thiện, cởi mở và thoải mái nhất với tất cả học viên”.
Thoải mái, nhẹ nhàng với học viên nhưng cả thầy Diễn và thầy Trung đều có nguyên tắc, kỷ luật trong nghề: Học viên phải chấp hành mọi quy định về an toàn giao thông, dù người đó là ai hay đang ở đâu.
“Không như những ngành nghề hay lĩnh vực khác, lái xe liên quan đến tính mạng con người nên cần phải học thật, thi thật, kết quả thật. Hơn nữa, ý thức tham gia giao thông cần được rèn luyện thành thói quen hàng giờ, hàng ngày. Nếu chỉ đặt mục tiêu bằng lái mà không màng đến an toàn giao thông thì hậu quả, hệ lụy sau này sẽ rất khủng khiếp", thầy Diễn chia sẻ thêm.
Không chỉ truyền dạy kỹ năng, kiến thức, ý thức, những giáo viên dạy lái còn có thể góp phần không nhỏ trong xây dựng văn hoá tham gia giao thông một cách văn minh. Kể lại câu chuyện mình từng trải qua cách đây hơn 1 năm, thầy Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Khi tôi và học viên đang lưu thông trên đường bình thường thì nghe tiếng động lớn ở phía sau. Tấp xe vào lề, xuống xe mới biết có 2 mẹ con đi xe máy, lao từ trong ngõ ra, không để ý nên đâm vào xe chúng tôi. Dù lỗi sai là của họ nhưng chúng tôi đã cùng nhau đưa họ đi kiểm tra sức khoẻ kịp thời và trở lại thăm vào ngày hôm sau. Tôi mong học viên của mình nói riêng và tất cả những người tham gia giao thông sẽ giữ được sự tử tế đó trong mọi tình huống”.
Những giờ học “thót tim”
“Chuyện xảy ra đã cách đây gần 10 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in tình huống. Lúc đó, một bạn học viên cầm lái, tôi ngồi bên cạnh và 2 học viên còn lại ngồi phía sau. Đang di chuyển bình thường trên đường thì bạn học viên cầm lái bỗng nhiên dựng khựng lại, ngay giữa cầu.
Vì dừng đột ngột, tất cả mọi thành viên trong xe đều ngã dúi về phía trước. Nguy hiểm hơn, phương tiện phía sau xe rất nhiều. Rất may chiếc xe khách ngay phía sau chúng tôi đã kịp thời phanh gấp, tránh được va chạm trong tích tắc, khi khoảng cách 2 xe rất gần nhau. Quay sang hỏi bạn học viên tại sao lại dừng xe như vậy thì bạn ấy trả lời, bạn ấy dừng xe để thả tiền lẻ xuống cầu để lấy may…” - thầy Hồ Minh Diễn kể lại.
Câu chuyện của thầy Diễn chỉ là một trong vô vàn tình huống nguy hiểm mà những giáo viên dạy lái từng gặp. Có học viên đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh khi đang ở nơi đông người, có học viên “nói một đằng, làm một nẻo”, có học viên sang đường “bất chấp” dù làn đối diện đang nườm nượp xe… Ngồi lên xe của những người chưa biết lái, chấp nhận những rủi ro có thể gặp phải, nói giáo viên dạy lái “dạy bằng cả tính mạng” cũng không phải là nói quá.
Những tình huống nguy hiểm xảy ra liên tục, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường trong tích tắc khiến giáo viên dạy lái dường như luôn ở trong trạng thái căng thẳng, thót tim và sẵn sàng để hỗ trợ học viên xử lý.
Bên cạnh những tình huống từ sai lầm của học viên, có cả những tình huống nguy hiểm do khách quan đem lại và bản thân học viên chưa đủ kỹ năng để xử lý nhanh. Một khi đã lên xe, người thầy có trách nhiệm đảm bảo an toàn không chỉ với học viên của mình mà còn cho cả những người tham gia giao thông xung quanh. Chỉ một chút lơ là, thiếu tập trung, sẽ phải trả những cái giá rất đắt.
Thầy Nguyễn Thành Trung - Giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức.
Bên cạnh những nguy hiểm, giáo viên dạy lái còn phải chấp nhận nhiều vấn đề khác liên quan đến “bệnh nghề nghiệp”. “Từ việc thường xuyên căng thẳng và ăn uống thất thường theo lịch của học viên, những người dạy lái thường mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, đường ruột. Vì ngồi trong xe nhiều nên nguy cơ mắc các bệnh đau lưng, đau đầu gối, đau vai gáy cũng cao hơn. Ngoài ra, việc ở thường xuyên trong môi trường tiếng ồn lớn của xe ô tô nhiều năm liên tiếp cũng ảnh hưởng đến thính lực, thậm chí có dẫn đến điếc tai”, thầy Diễn cho biết.