Cự Thôn - vẻ đẹp làng Việt
(Baonghean) - Chỉ cách thành phố ồn ào chừng dăm bảy cây số, Cự Thôn - cái tên vang lên đẹp như trong thơ, trong nhạc ấy - đang sở hữu bao nhiêu nét đẹp bình yên xưa cũ của một làng quê Việt.
Có thể bạn không tin, nhưng một chút gì đó mơ mộng còn sót lại trong tôi đã giục tôi tìm về Cự Thôn, chỉ vì nghe cái tên làng như trong một bài thơ hay trong một giấc mơ xưa cũ.
Cự Thôn nằm trong vùng rốn lũ Hưng Lợi, Hưng Nguyên, cách Vinh đâu chừng dăm bảy cây, nhưng chỉ cần vượt xe qua bờ đê Tả Lam kia là bạn đã có thể đã lạc dưới bóng tre, lạc trong những lối ngõ nhỏ với tiếng sẻ, tiếng chích chòe ríu ran, lạc trước mặt sông sóng sánh ánh vàng một bình minh rực nắng. Có nghĩa là, bạn đang đi lạc vào một quá khứ nào đó, mà bạn tưởng đã quên ngủ.
Những con ngõ nhỏ êm đềm ở làng Cự Thôn. Ảnh: P.V |
Dẫn chúng tôi đi quanh làng hôm đó là ông Nguyễn Sỹ Kiểm - một cư dân làng Cự Thôn - một người sống ngay sau ngôi chùa mang tên Phúc Tài. Ngôi chùa có từ năm 1013, sau những tàn phá của chiến tranh, của lũ lụt và của chính con người, chùa chỉ còn lại nền đất cũ.
Thế rồi, cũng từ sự phát tâm kêu gọi đầu tiên của gia đình ông Kiểm, ngôi chùa là điểm tựa tâm linh của dân làng đã được phục dựng lại từ năm 2013. Ngôi chùa nằm cuối dải đất làng, tiếp giáp với cánh đồng ngô bạt ngàn. Cũng trong cái không gian thanh tịnh ấy, dưới bóng cây đa trước cổng chùa, ông Kiểm đã kể với chúng tôi về làng Cự Thôn của ông.
Cự Thôn xưa gồm có 6 xóm, giờ tách nhập còn 3, tên hành chính gọi xóm 1, 2, 3, nhưng bà con quen gọi xóm Na, xóm Chùa, xóm Hói. Cự Thôn có chừng trên 400 hộ dân. Phần lớn người dân làm nghề nông, một số ít có nghề chài lưới ven sông Lam.
Ông Kiểm chỉ cho chúng tôi cây đa trước cổng chùa, cây đa cao lớn, tỏa bóng sum suê: “Đây là cây đa mới, còn đây đa cũ hàng mấy trăm tuổi, vì trận bão lũ năm 1982 đã gãy đổ. Cây đa cổ kính là linh hồn làng Cự Thôn. Lũ trẻ, mà thậm chí cả người lớn làng tôi ngày ấy, muốn nhìn về phố Vinh lấp lánh ánh sáng là lại leo lên cây đa này.
Chúng tôi đi đâu khỏi làng, khi trở về là lại tìm bóng đa. Nhìn về cây đa biết làng mình ở đó. Cây đa ngày ấy có đường kính tới 5 mét. Bọn trẻ vẫn thường trốn tìm nhau, hay chơi đánh bi trong hốc đa, có đứa còn ngủ quên trong đó cả trưa hè…Cây cao lắm, phải đến hàng trăm mét cơ. Cây tụ rất nhiều chim chóc. Lũ trẻ dùng súng cao su cũng không bắn được chim đâu, vì đạn không tới được cành cây.”
Rồi ông Kiểm còn kể cho chúng tôi về những cây cổ thụ làng ông. Cây bàng 2,3 trăm năm, cây trứng cá cạnh nhà thờ họ Nguyễn Đình kia cũng hàng trăm tuổi…
Cự Thôn còn giữ được những nếp nhà mấy trăm năm tuổi. Ảnh: P.V |
Tiếp nối mạch chuyện, ông Kiểm dẫn chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Đình Huỳnh, ngôi nhà dẫn lối bởi 2 hàng cau thẳng tắp. Nhà ông Huỳnh nằm ngay sau ngôi nhà thờ họ Nguyễn Đình. Mấy ai ngờ ngôi nhà thờ họ nằm yên ắng nơi góc xóm Chùa lại chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử bi tráng đến vậy.
Là dòng họ có nhiều đóng góp lớn nên nhà thờ này đã từng giữ nhiều những sắc chỉ của các đời vua. Những năm 1930-1931, những người cộng sản mà phần lớn là những người con của dòng họ Nguyễn Đình đã chọn nhà thờ họ là nơi sinh hoạt bí mật.
Sau khi thực dân Pháp phát hiện ra cơ sở này, chúng đã cho đốt nhà thờ Nguyễn Đình (vào năm 1941). Các ông Nguyễn Quang, Nguyễn Bình, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Đài… của dòng họ bị bắt, đày đi nhà tù Buôn Ma Thuật…
Năm 1950, những người con dòng họ quyết tâm dựng lại nhà thờ, đầu tiên là một nếp nhà tranh. Rồi dần dần qua các năm, nhà thờ họ được tôn tạo, sửa chữa đàng hoàng hơn. Ông Huỳnh hiện là người nhận coi sóc nhà thờ họ.
Sau khi xuất ngũ là một bệnh binh, ông Huỳnh trở về với cày cuốc làm một nông dân. Ông nói, sống chết cũng không rời được đất quê. Ông nói, đất quê mình “linh” lắm. Nhìn xem, cây bàng cổ thụ dù một nửa nhìn như đã héo, mà trên những cành khẳng khiu khô gầy vẫn trổ nhánh xanh… Nhà ông Huỳnh cũng là một trong số ít nhà Cự Thôn giữ được những nếp nhà cũ hàng trăm năm tuổi.
Nói đến chuyện nhà cổ, ông Kiểm lại dẫn lối chúng tôi tới nhà bà Dương Thị Quế. Ông Kiểm nói, ngoài ngôi chùa, cây cổ thu, những lũy tre, thì nhà cổ cũng là một trong những tài sản đặc biệt ở Cự Thôn.
Nhà bà Quế được cho là đã có từ 300 năm trước. Bà Quế (sinh năm 1930) hiện còn lại một mình trong ngôi nhà này vì ông nhà cũng đã mất. Tuy nhiên một người con của ông bà vẫn ở gần và thường xuyên qua lại, thăm nom. Đã 5 đời người sinh ra, lớn lên dưới mái nhà này và cho đến giờ, những người con của bà Quế, dù hầu hết đã sinh sống xa quê, cũng vẫn quyết tâm giữ lại căn nhà như nguyên trạng.
Nếp nhà cổ 300 năm tuổi của bà Dương Thị Quế. Ảnh: P.V |
Chỉ còn anh Phan Đình Thao (sinh năm 1960) là ở lại làng. Anh kể, anh và 5 anh chị em khác của mình đã cất tiếng khóc chào đời nơi đây, cũng như đời cha anh, đời cố anh…, gắn với nếp nhà như trĩu xuống bởi nắng mưa, những cánh cửa gỗ lim, gỗ dổi là nơi họ đã giấu những vui buồn, những cái sập chứa thóc lúa đã là nơi nằm ngủ của anh.
Cũng nơi đây, anh chứng kiến trận bom Mỹ dội năm 1968, mái ngói nhà anh vỡ rất nhiều. Khi ấy cha anh đi bộ đội, chỉ có mấy mẹ con ở nhà bồng bế nhau líu ríu tránh bom. Mẹ anh trúng bom bị thương nặng, còn một người chị của anh vĩnh viễn ra đi…
Cũng là ngôi nhà này, năm 1978, anh chúng kiến trận lụt to nhất mà nước dâng lên đến tận nóc nhà… Thế mà rồi, qua cả đạn bom, lũ lụt, những ngôi nhà, những con người, cây cối làng Cự Thôn lại vẫn kiên cường tồn tại, vẫn xanh lên…Vẫn ồn ã mùa gặt, vẫn thơm nức mùi kẹo mật, vẫn lanh canh chài lưới…
Chúng tôi đi giữa con đường quê, có cảm giác như một phần của Cự Thôn xưa vẫn luôn hiển hiện nơi đây, như chưa từng bị thời gian phủ bụi. Cuộc sống cứ yên bình như thể chưa từng có bão giông lũ lụt, chưa từng có chiến tranh tàn khốc hay máu đổ xương rơi.
Cảnh quê yên bình nơi làng Cự Thôn. Ảnh: P.V |
Giữa ngôi làng cổ kính của vùng chiêm trũng huyện Hưng Nguyên, tôi thấy như chính mình đang lạc vào quá khứ, làm ngọn gió vờn vẽ trên những mái nhà xưa, len lỏi vào từng ngọn tre, từng rễ cây cổ thụ trăm năm tuổi còn găm trong thớ đất sâu Cự Thôn, vào những nếp tường, chái nhà mốc rêu xanh sau mấy trăm năm thăng trầm cùng bao nhiêu cơn lũ.
Tôi thấy mình như thuộc về nơi đây, tâm hồn trở nên thanh tịnh lạ. Và trong thoáng chốc, thấy tia nắng đang chiếu xiên qua ngọn tre kia dường như cũng đọng trong nó những cơ cực bần hàn của những thế hệ cùng sinh ra và lớn lên nơi đây, những lưu luyến và khao khát được giữ lại khung cảnh xa xưa để tưởng nhớ, hoài niệm về quá khứ.
Cái quá khứ không chỉ được kiến tạo bằng sự hiện diện và tiếp nối của bao gia đình dòng tộc, bằng phong tục tập quán và những nét văn hóa vùng, mà còn bởi xương máu những người con ngã xuống trong bom đạn, của những gia đình có công nuôi giấu cán bộ cách mạng, bởi những nỗ lực giữ gìn, khôi phục di tích cổ xưa trong làng của những người như ông Nguyễn Sỹ Kiểm…
Thùy Vinh
TIN LIÊN QUAN |
---|