Cử tri Đô Lương: Khắc phục tình trạng gây ô nhiễm của Nhà máy xi măng Sông Lam
(Baonghean.vn) – Nhà máy xi măng Sông Lam mang lại hiệu quả kinh tế song đi liền là tình trạng ô nhiễm môi trường, cần sớm khắc phục. Đó là kiến nghị của cử tri huyện Đô Lương với đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Huy thông tin đến cử tri chương trình của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu Quốc hội: Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Đô Lương. Ảnh: Công Kiên |
Trong thời gian từ ngày 22/5 đến 21/6/2017, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật.
Tiếp tục thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 29/6, tại xã Bài Sơn (Đô Lương), các đại biểu Quốc hội: Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh có cuộc tiếp xúc cử tri các xã: Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn và Bài Sơn. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Đô Lương. |
Đồng thời, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng như phê chuẩn ngân sách nhà nước; tách nội dung thu hồi, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự án thành phần và một số công tác về nhân sự.
Về giám sát tối cao, Quốc hội xem xét báo cáo của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước; giám sát chuyên đề; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 và trả lời chất vấn của đại biểu.
Tại hội nghị, các cử tri bày tỏ đồng tình cao với chương trình nội dung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đồng thời nêu kiến nghị cụ thể về một số vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trên địa bàn.
Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy thông tin đến cử tri chương trình của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Công Kiên |
Cử tri các xã đã phản ánh, tâm tư và kiến nghị với các vị đại biểu Quốc hội những vấn đề thiết thực, gắn với cuộc sống hàng ngày và quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri Thái Doãn Lục, xóm Liên Sơn (Bài Sơn) cho biết Nhà máy xi măng Sông Lam được xây dựng trên địa bàn đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.
Tuy nhiên, đi liền với đó là hiện tượng khói, bụi gây ô nhiễm không khí, nước xả thải gây ô nhiễm hồ đập, khó khăn trong việc canh tác, sản xuất. Cùng với đó, việc nổ mìn khai thác đá gây tiếng ồn, làm nứt tường nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đồng thời, cử tri này cũng cho biết, tình trạng tai nạn giao thông tăng lên, tình hình an ninh, trật tự thiếu ổn định. Vì thế, các cấp, các ngành và nhà máy cần sớm có giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe và tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Đến từ xóm Lạc Sơn (Bài Sơn), cử tri Nguyễn Quốc Đường trăn trở gần đây sinh viên tốt nghiệp ra trường rất khó tìm kiếm việc làm, số lượng thất nghiệp ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Từ đó, Nhà nước cần xây dựng chiến lược giáo dục, đào tạo gắn với sử dụng, tránh lãng phí về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước hiệu quả chưa cao, cần thực hiện quyết liệt hơn nữa; việc cấp giấy quyền sử dụng đất còn chậm trễ.
Nhiều cử tri khác của xã Bài Sơn có chung kiến nghị Nhà nước cần quan tâm hơn đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội như nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng hồ đập thủy lợi, các công trình phúc lợi, dân sinh.
Cử tri Lê Thị Minh – Chủ tịch Hội LHPN xã Giang Sơn Đông kiến nghị nghiên cứu nâng cao mức phụ cấp cho cán bộ các đoàn thể cấp xã và cán bộ thôn, bản để duy trì và phát triển phong trào. Ảnh: Công Kiên |
Cử tri Lê Thị Minh – Chủ tịch Hội LHPN xã Giang Sơn Đông kiến nghị cần đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, có cơ chế vận hành, điều chỉnh giá gỗ nguyên liệu để bà con yên tâm với nghề trồng rừng.
Đặc biệt, bà Minh kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu nâng cao mức phụ cấp cho cán bộ các đoàn thể cấp xã và cán bộ thôn, bản để duy trì và phát triển phong trào. Vì trên thực tế, mức phụ cấp của các đối tượng này còn quá thấp, không đủ chi phí để yên tâm làm việc.
Cử tri các xã của Đô Lương còn kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng khác trong thực hiện các chủ trương, chính sách như: Việc thực hiện chính sách cho người có công có lúc còn chậm và bộc lộ những bất cập; xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng tôn giáo để gây rối trật tự; việc xử lý khiếu nại còn chậm và chưa dứt điểm; giữ mức tuổi nghỉ hưu 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của cử tri, những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, đồng chí yêu cầu đại diện lãnh đạo xã, huyện và cán bộ Sở Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại biểu Quốc hội như ô nhiễm môi trường, xử lý vi phạm an ninh tôn giáo, tinh giản biên chế, sửa đổi Luật Lao động, tăng phụ cấp cho cán bộ các hội và thôn, bản; bảo tồn bản sắc văn hóa ... đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã giải trình cặn kẽ và hứa sẽ yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét và trình lên Quốc hội để giải quyết.
Các đại biểu Quốc hội: Lê Quang Huy và Nguyễn Hữu Cầu tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh: Công Kiên |
Dịp này, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tặng 10 suất quà cho 10 hộ gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đô Lương.
Công Kiên