Xã hội

Cửa Hiền - nơi biển cả là món quà chung

Diệp Thanh 11/04/2025 16:31

Biển không rào ngăn, sóng không phân chia, lòng người cũng vậy - cùng nhau yêu thương, gìn giữ như thể Cửa Hiền là món quà thiêng liêng mà tạo hoá ban tặng cho tất cả mọi người.

bãi biển Cửa Hiền ảnh Công Lê00000
Ảnh: Công Lê

Biển chung, tình chung

Tôi đến Cửa Hiền vào một sáng tháng Tư, trời không quá nắng, biển không quá động. Từ trung tâm thành phố Vinh, theo Quốc lộ 46C, rồi rẽ vào đường liên xã quanh co giữa những cánh đồng lúa và rặng phi lao, chẳng mấy chốc là tới nơi.

Biển Cửa Hiền nằm trên địa phận hành chính của hai huyện Nghi Lộc và Diễn Châu. Từ lâu, vùng biển này đã thân thuộc, gắn bó máu thịt với người dân cả hai bên huyện. Buổi sáng, khi mặt trời còn lấp ló sau rặng phi lao, những chiếc thuyền nan của ngư dân Diễn Trung đã rẽ sóng ra khơi. Chiều muộn, lúc sóng bắt đầu lặng, bên bờ lại hiện lên dáng hình quen thuộc của những người dân làng chài Nghi Yên, cặm cụi dọn rác, nhặt từng vỏ sò, mảnh lưới sót lại sau mỗi đợt thuỷ triều. Biển không rào ngăn, sóng không phân chia, lòng người cũng vậy.

bãi biển Cửa Hiền ảnh Diệp Thanh00000
Hòn đá "bàn cờ tiên" được xem là biểu tượng của bãi Cửa Hiền, địa phận xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu). Ảnh: Diệp Thanh

“Vùng biển Cửa Hiền trên địa phận Diễn Trung (huyện Diễn Châu) gắn với truyền thuyết An Dương Vương - vị vua đã để mất nước vào tay Triệu Đà do sự phản bội của con rể Trọng Thuỷ. Sau khi bị thần Kim Quy trách mắng, nhà vua rút gươm chém con gái Mỵ Châu rồi gieo mình xuống biển. Dòng nước ở nơi ông hoá thân sau này, theo dân gian, chính là biển Cửa Hiền. Không chỉ có truyền thuyết này, bãi biển của chúng tôi còn có một hòn đá cao, to và bằng phẳng được gọi là “bàn cờ tiên". Từ xa xưa, những người già ở đây đã kể câu chuyện về các vị tiên ông xuống trần gian vui chơi, thường đáp xuống đó nghỉ ngơi, đánh cờ, thưởng rượu. Người dân bản địa không ai dám trèo lên đó đâu - họ cho rằng như thế là phạm vào sự linh thiêng của hòn đá” - anh Cao Văn Dũng, cán bộ văn hoá xã Diễn Trung kể.

 Cửa Hiền Ảnh Diệp Thanh
Những góc biển Cửa Hiền địa phận xã Diễn Trung. Ảnh: Diệp Thanh

Và với niềm tự hào của một người dân biển Cửa Hiền, anh Dũng chỉ cho chúng tôi bề mặt nhẵn thín, trơn tru của đỉnh hòn đá, những hoạ tiết độc đáo trên thân đá, những sần sùi vỏ sò dưới chân đá - dấu tích của những lần con nước lên… Gần bãi biển ấy là Đền Cuông - một ngôi đền cổ nằm trên núi Mộ Dạ, được xây dựng để tưởng nhớ An Dương Vương.

“Tiếng sóng kia là những lời ăn năn muộn màng, phiến đá kia chính là nơi người cha đau lòng quỳ xuống khóc tiễn con mình” - một cụ ông đánh cá mà tôi tình cờ gặp trong chuyến đi đã nói vậy. Miên man trong huyền tích xưa, cảnh biển vừa gợi sự linh thiêng, vừa thấm đẫm nỗi niềm. Lịch sử và truyền thuyết giao hoà thành dòng chảy thiêng liêng, được lưu giữ bằng lòng tôn kính của người dân địa phương.

bãi biển Cửa Hiền ảnh Diệp Thanh00005
Biển Cửa Hiền có đặc điểm bãi thoải, sạch, không có sóng lớn, rất phù hợp với những gia đình có con nhỏ. Ảnh: Diệp Thanh

Lùi về phía Nam khoảng 1km, bên cạnh bãi đá là bãi tắm thoai thoải với cát trắng, sóng êm, thuộc địa phận xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) - nơi được biết đến là địa điểm lý tưởng để check-in và thưởng thức hải sản.

Với người dân Nghi Yên, Cửa Hiền không chỉ là sóng nước, mà là nơi neo giữ tình yêu và ký ức của biết bao thế hệ. Anh Trần Công Lê (sinh năm 1991) - chủ một nhà hàng nhỏ sát biển - chia sẻ: “Dù ngày nào cũng ngắm biển, tôi vẫn không khỏi lặng người vì vẻ đẹp của nó. Bình minh ửng đỏ, buổi chiều tím ngắt, những con thuyền ra khơi, những đứa trẻ câu cá… Những hình ảnh đó nuôi dưỡng tâm hồn người dân nơi đây”.

ảnh Cửa Hiền Công Lê
Biển Cửa Hiền khu vực xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) nổi tiếng vì vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn. Ảnh: Công Lê

Cũng theo chia sẻ của anh Lê, nhờ có bãi đá mà Cửa Hiền trở thành bãi biển lý tưởng để câu cá. Từ bao đời nay, không đứa trẻ nào ở vùng biển Cửa Hiền không biết đến trò câu cá ở bãi đá. Những đứa giỏi câu còn có thể kiếm được mỗi ngày 100-200 ngàn đồng để phụ bố mẹ. Chúng lội nước, nô đùa giữa những mỏm đá như thể đó là sân chơi riêng của tuổi thơ. Nói đoạn, anh Lê cho tôi xem một trong rất nhiều clip mà anh đã lưu lại trong máy: Hai người đàn ông buông cần lặng lẽ giữa ráng chiều. Âm thanh sóng vỗ ì oạp vào đá, sự kiên nhẫn của người câu, ánh mặt trời loang dần trên mặt nước – tất cả vẽ nên một bức tranh yên bình đến nao lòng. Cũng để bảo vệ những bức tranh như thế, những người trẻ ở Nghi Yên thường xuyên tổ chức dọn sạch bờ cát, gom rác ven bãi đá như thể chăm chút cho một báu vật của làng.

Người Diễn Châu và người Nghi Lộc, chẳng ai tranh phần mình nhiều hơn trong câu chuyện về Cửa Hiền. Với họ, biển không chỉ là nơi kiếm sống, mà còn là miền ký ức, là niềm tự hào chung. Và như thế, tình quê nơi đây cũng dạt dào, chan chứa như chính biển khơi ngày đêm vẫn hát.

Những “viên ngọc quý”

Cửa Hiền mộc mạc như chính cái tên của nó - hiền lành, nguyên sơ, không có hàng quán xô bồ, không có những khu resort hiện đại. Chính vì lẽ đó, nó sở hữu những "viên ngọc quý" mà hiếm nơi nào có được: Bãi cát dài trắng mịn, bãi đá tự nhiên ấn tượng, sự bình yên giữa dòng đời vồn vã…

Một góc Cửa Hiền. Clip: Diệp Thanh - Đình Tuyên

Bãi đá Ngư Hải – tên gọi mà người dân dành cho bãi đá Cửa Hiền – thực sự như một bức tranh trừu tượng của thiên nhiên. Mỗi tảng đá mang một hình hài riêng, hòn giống chú rùa, hòn lại như đang nâng niu một nụ sen, có hòn như bàn tay ai đó đang vẫy chào, lại có hòn được bàn tay “nhân tạo” cố ý tạo thành dáng người hướng về phía biển…

Khi triều xuống, du khách có thể đi bộ ra xa, men theo những mỏm đá, cảm nhận sự kỳ diệu khi đứng giữa biển nhưng vẫn không bị ướt chân. Biển ở đây cạn và trong nên du khách có thể nhìn rõ từng đàn cá nhỏ lượn quanh chân, từng con cua ẩn mình trong khe đá. Mỗi một bước đi là một bất ngờ nhỏ, khiến người ta thấy lòng nhẹ tênh như trẻ lại.

Trên bờ, nhịp sống người dân khu vực Cửa Hiền cũng tĩnh tại không kém. Loanh quanh những con đường ven biển là hàng phi lao quanh năm rì rào tiếng gió, những ruộng rau màu xanh mượt mà, những đầm tôm được xây dựng tập trung, những người dân chất phác, chăm chỉ… Chính sự lặng lẽ ấy lại có một thứ hấp lực riêng - thứ mà chỉ khi đặt chân đến, lắng nghe gió biển và những câu chuyện truyền đời của người dân, ta mới cảm thấu được.

Cửa Hiền Ảnh tư liệu Hải Vương
Cửa Hiền từ xưa đã nổi tiếng vì vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. Ảnh tư liệu: Hải Vương

Bởi lẽ bãi biển Cửa Hiền còn rất hoang sơ nên đây là địa điểm được các bạn trẻ ưa thích và thường xuyên lui đến để tổ chức cắm trại, picnic vào những dịp cuối tuần. “Du khách đến với Cửa Hiền thường không vội vã. Họ đi bộ, ngồi ngắm biển, hoặc đơn giản là chọn một mỏm đá phẳng để câu cá, trò chuyện. Nhiều nhóm bạn trẻ mang theo lều nhỏ, trải bạt cắm trại ngay ven biển, buổi tối đốt lửa trại, buổi sáng đón bình minh. Tôi tin rằng cắm trại trên biển rì rào sóng vỗ sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời đối với bất kỳ ai. Cách đây không lâu, Cửa Hiền còn được chọn làm điểm tổ chức thi câu cá với sự tham gia của hàng trăm cần thủ nổi tiếng” – anh Cao Văn Dũng chia sẻ.

Không chỉ nổi tiếng vì đẹp, vì bình yên, Cửa Hiền còn nổi tiếng vì hải sản tươi ngon và rẻ, mang đậm hơi thở của làng chài. Ghẹ, mực, cá thu, cá nục… được người dân đánh bắt trong ngày, chế biến đơn giản mà giữ nguyên vị ngọt tự nhiên. Một bữa ăn ngay trên bãi cát, dưới tán dừa, gió biển thổi qua mát rượi - đủ khiến du khách nhớ mãi không quên.

bãi biển Cửa Hiền ảnh Công Lê00005
Những du khách câu cá trong hoàng hôn ở bãi đá Cửa Hiền. Ảnh: Công Lê

Dù còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, Cửa Hiền đang dần được chú trọng đầu tư hơn về hạ tầng du lịch. Tuyến đường từ Đền Cuông xuống biển được mở rộng, hệ thống điện chiếu sáng ven biển đã bắt đầu được triển khai. Một số homestay nhỏ xinh bắt đầu mọc lên quanh khu vực bãi biển, đủ để phục vụ du khách muốn ở lại qua đêm mà vẫn giữ được không gian yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên. Dọc đường quốc phòng, những người trẻ đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, mở những quán cafe nhỏ bên vỉa hè để phục vụ những người khách muốn ngắm biển…

Trong mỗi chuyến đi, người ta không chỉ tìm nơi để đến, mà còn tìm những điều để ghi nhớ. Và Cửa Hiền - bằng vẻ đẹp mộc mạc, bằng huyền thoại sâu xa, bằng cả sự yên bình đến chữa lành - là một điểm đến như thế.

bãi biển Cửa Hiền ảnh Công Lê00002
Cửa Hiền đang được người dân khai thác du lịch một cách văn minh. Ảnh: Công Lê

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Cửa Hiền - nơi biển cả là món quà chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO