Cuộc đấu nảy lửa của hai 'phó tướng'

06/10/2016 09:04

(Baonghean) - Sau cuộc tranh luận giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump tuần trước, hôm 5/10, đến lượt hai ứng viên phó tổng thống là ông Tim Kaine và Mike Pence đăng đàn. Hai đối thủ bước vào cuộc tranh luận với nhiệm vụ khá nặng nề: nếu ông Mike Pence phải tìm cách lấy lại uy tín cho tỷ phú Donald Trump sau cuộc tranh luận thất thế lần trước, thì ông Tim Kaine cũng phải nỗ lực giữ thế “cửa trên” cho bà Hillary Clinton. Nhưng theo một số nhận định ban đầu sau cuộc tranh luận, ông Mike Pence đã thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn so với đối thủ.

Cuộc tranh luận ồn ào

Giống như cuộc tranh luận giữa bà Clinton và ông Trump, cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng thống cũng kéo dài liên tục trong 90 phút với người dẫn chương trình Elaine Quijano của đài CBS News. Đúng như dự đoán của giới phân tích, hai “đối thủ” đã không tập trung nhiều vào những chính sách của hai đảng, thay vào đó họ “dồn hết công lực” vào việc công kích thủ lĩnh của đối phương.

Màn chào hỏi đầy thiện chí … (Reuters)
Màn chào hỏi đầy thiện chí … Ảnh: Reuters

Trước khi cuộc tranh luận bắt đầu, người dẫn chương trình đã nhắc nhở những người có mặt trong hội trường Đại học Longwood không hò hét, vỗ tay cổ vũ. Nhưng lời nhắc nhở này thật sự không cần thiết, bởi chỉ riêng màn trình diễn của hai “diễn viên chính” đã quá đủ ồn ào.

Chỉ vừa ngồi ấm chỗ, cả ông Mike Pence và Tim Kaine đã lập tức tung ra những đòn công kích nhằm vào bà Clinton và ông Trump. Ông Kaine là người “ra đòn” trước khi gọi ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa là “mối nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ”, “người chuyên dè bỉu phụ nữ và người nhập cư và trả thuế rất ít”.

… tiếp nối bởi các đòn công kích liên tiếp. Ảnh: Reuters
… tiếp nối bởi các đòn công kích liên tiếp. Ảnh: Reuters

Ông Kaine đặc biệt nhấn mạnh vào việc tỷ phú Donald Trump không công khai hồ sơ thuế cá nhân - điều khác biệt so với các ứng viên Tổng thống trong lịch sử, đồng thời không quên nhắc lại việc ông Trump tỏ ý “ngưỡng mộ” Tổng thống Nga Vladimir Putin như thế nào.

Pence ngay lập tức đáp trả khi cáo buộc bà Clinton sai lầm trong chính sách đối ngoại khiến nhiều vấn đề ở Trung Đông vượt khỏi tầm kiểm soát. Bảo vệ ông Trump trước vấn đề hồ sơ thuế, ông Pence tìm cách “hướng mũi dùi” vào việc quỹ từ thiện của gia đình bà Hillary Clinton đã nhận tài trợ từ các chính phủ nước ngoài khi bà còn làm Ngoại trưởng.

Mọi lập luận của ông Pence đưa ra đều nhằm phác họa hình ảnh bà Clinton như một người không đáng tin tưởng, là người đã tạo ra nhiều sai lầm cho chính quyền Tổng thống Obama nhiệm kỳ 2009 - 2013.

Hai “phó tướng” của ông Trump và bà Hillary “chiến đấu” hăng say đến mức họ liên tục ngắt lời nhau, không màng đến người dẫn dắt chương trình đang ngồi ở ghế đối diện. Mỗi lần ông Pence bắt đầu khởi động một đòn tấn công nhắm vào bà Clinton, ông Kaine lại lập tức ngắt lời đối thủ. Và tất nhiên, ông Pence cũng làm như thế, dù ở mức độ ít hơn.

Thống kê cho thấy ông Kaine ngắt lời ứng viên Phó Tổng thống đảng Cộng hòa 39 lần, trong khi ông Pence ngắt lời đối thủ 19 lần. Hai ứng viên ngắt lời nhau nhiều đến nỗi người dẫn dắt cuộc tranh luận buộc phải can thiệp: “Mọi người sẽ không thể hiểu cả hai ông nói gì nếu hai ông cứ chen ngang nhau như thế”!

“Phó tướng” Trump chiếm ưu thế

Với việc hai ứng viên “chăm chăm” công kích và ngắt lời nhau, cuộc tranh luận đã không giải đáp được nhiều câu hỏi mà cử tri kỳ vọng. Dù vậy, đánh giá chung về cuộc tranh luận, nhiều ý kiến cho rằng ứng viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa Mike Pence đã có màn trình diễn tốt hơn, dù nhiệm vụ của ông được đánh giá là khó khăn hơn so với ông Tim Kaine.

Với sự điềm tĩnh, ông Mike Pence chiếm ưu thế khi kết thúc cuộc đấu. Ảnh: Reuters
Với sự điềm tĩnh, ông Mike Pence chiếm ưu thế khi kết thúc cuộc đấu. Ảnh: Reuters

Dù ông Pence trước đó được cho là có kiểu cách khá giống ông Donald Trump khi thích dùng ngôn từ mạnh bạo, công kích trực diện, song trong cuộc đấu với ông Tim Kaine, ông lại thể hiện được phong thái điềm tĩnh, bình thản và tập trung trong suốt cuộc tranh luận. Trong khi đó, ông Kaine lại bị đánh giá là hơi hấp tấp và nghiêm trọng hóa vấn đề, dù đây có thể là chiến thuật “giữ thế công trước đối thủ” mà ông Kaine chủ định áp dụng.

Bởi vậy, màn trình diễn của ông Mike Pence được cho là đã “gỡ điểm” cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump sau khi ông Trump bị bà Hillary lấn lướt trong cuộc tranh luận hồi đầu tuần trước. Thực ra, điều này cũng đúng với “chức năng” của ông Pence từ khi liên danh cùng ông Trump tranh cử, khi phần lớn công việc của ông Pence là “dọn dẹp” hậu quả sau những phát ngôn của ông Trump.

Dù cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng thống diễn ra nảy lửa hơn so với dự đoán, vào đúng giai đoạn gay cấn nhất trong chặng đua cuối cùng vào Nhà Trắng, song các nhà phân tích cho rằng nó khó có thể tác động tới cục diện của “trận chung kết” sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới đây.

Theo một khảo sát của ABC News diễn ra trước thềm cuộc tranh luận, chỉ có 10% cử tri cho biết màn thể hiện của ông Tim Kaine và Mike Pence có thể tác động đến lá phiếu của họ.

Điều này là dễ hiểu bởi những gì cử tri thực sự cần là những chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia sẽ mang lại cho họ những gì, chứ không phải là một bức chân dung được mô tả chi tiết hơn về hai ứng viên Tổng thống. Bởi vậy, nhiệm vụ thuyết phục số cử tri hiện còn lưỡng lự giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump lại quay về với chính họ, với hai cơ hội thể hiện tiếp theo vào ngày 9/10 tới đây./.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cuộc đấu nảy lửa của hai 'phó tướng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO