Cuộc đua vũ trang trở lại bán đảo Triều Tiên?

(Baonghean.vn) - Tuần này, một trong những sự kiện được dư luận thế giới dành nhiều quan tâm là kỳ Đại hội đảng Lao động Triều Tiên 5 năm mới diễn ra 1 lần; cùng với đó là việc nhà lãnh đạo tại Bình Nhưỡng - ông Kim Jong-un công bố các kế hoạch về các hệ thống vũ khí mới, hiện đại. Diễn biến này đang thôi thúc nhiều lời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc tăng cường hệ thống phòng thủ để ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Lo sợ tấn công phủ đầu

Theo DW, Hàn Quốc đã lên tiếng xác nhận thông tin nước này đang xem xét phát triển 1 tàu ngầm năng lượng hạt nhân. “Động cơ” thôi thúc xứ kim chi phải đặt lên bàn cân ý đồ trên là bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại hội đảng Lao động - sự kiện chính trị trọng đại bậc nhất ở Thủ đô Bình Nhưỡng, tuyên bố rằng, ông sẽ “thúc đẩy thống nhất đất nước thông qua sức mạnh quân sự mạnh mẽ”. Không những thế, ông Kim Jong-un còn lớn tiếng đề cập đến việc triển khai tên lửa siêu thanh, vệ tinh do thám, tên lửa đạn đạo liên lục địa mang nhiều đầu đạn và tàu ngầm năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu riêng của Triều Tiên. Phản hồi một câu hỏi được phóng viên đặt ra trong buổi họp báo ở Thủ đô Seoul vào thứ Hai vừa rồi, Moon Hong-sik - người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ, hiện họ vẫn chưa đưa ra quyết định mang tính chung cuộc, song có thể thúc đẩy sắm sửa trang bị 1 tàu năng lượng hạt nhân “sau khi xem xét toàn diện về cấp độ công nghệ và ngân sách quốc phòng”.

Phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều lần đề cập đến vũ khí hạt nhân. Ảnh: KCNA
Phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều lần đề cập đến vũ khí hạt nhân. Ảnh: KCNA

Các chuyên gia phân tích nhận định, điều đáng quan ngại là việc Triều Tiên đang khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang với người láng giềng phương Nam, và có thể là cả Nhật Bản, trong lúc yêu cầu những sự nhượng bộ của cộng đồng quốc tế về các đòn trừng phạt vốn dĩ gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế và quân sự của nước này kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân ngầm lần thứ tư vào tháng 3/2016.

Đơn cử, Garren Mulloy - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản), đồng thời cũng làm việc cho một cơ quan về các vấn đề quốc phòng phân tích: “Tham vọng của Triều Tiên là giành được sự công nhận của Mỹ rằng, họ là một “siêu cường” và họ đã quyết định cách tốt nhất để làm điều đó là xây dựng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ phải xao nhãng mọi vấn đề khác trong nước”.

Ông nói thêm, nỗi lo sợ lớn trong con mắt của Triều Tiên là khả năng Mỹ tấn công phủ đầu. Với họ, một trong những phương án để ngăn chặn kịch bản xấu này trở thành hiện thực chính là sở hữu các tàu ngầm năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. “Những tàu này rất khó bị phát hiện, nhất là ở những vùng biển sâu của Thái Bình Dương, và chúng sẽ đặt ra một mối đe dọa thực sự đối với lục địa Mỹ”, vị chuyên gia này đánh giá. Tuy nhiên, cũng theo ông Mulloy, vẫn còn rất nhiều cảnh báo lớn được đưa ra xoay quanh các kế hoạch phát triển và triển khai một tàu ngầm như vậy của Bình Nhưỡng. Cụ thể, chi phí cần bỏ ra cũng như khả năng sở hữu công nghệ sản xuất tàu ngầm hạt nhân thực sự “tàng hình”, không gây ra tiếng động khi vận hành là một bước đại nhảy vọt về công nghệ so với vị thế hiện tại của Triều Tiên. Nếu không, trường hợp tàu ngầm không đủ độ “tĩnh” và ai cũng có thể phát hiện nó, thì rõ ràng đó không thể xem là một mối đe dọa đáng gờm được.

Tàu ngầm lớp 214 chạy bằng diesel và điện của Hàn Quốc. Ảnh: dpa
Tàu ngầm lớp 214 chạy bằng diesel và điện của Hàn Quốc. Ảnh: dpa

Còn với thông tin quân đội Hàn Quốc xác nhận đang cân nhắc chế tạo tàu ngầm hạt nhân làm đối trọng với hàng xóm phương Bắc, nhiều quan điểm cho rằng, nếu đứng từ góc độ chiến lược, ý tưởng đó chẳng mang ý nghĩa nhiều nhặn gì cho cam. Nói cách khác, không ai dám khẳng định liệu đó là một kế hoạch mang tính thực tế hay đơn thuần chỉ là động tác giả nhằm vào Triều Tiên. Thực vậy, khách quan mà nói, Hàn Quốc hiện có mối quan hệ đồng minh an ninh thân thiết với Mỹ, nên họ không cần sở hữu tàu ngầm trong hạm đội của mình, ấy là chưa kể đến thực tế là những loại tàu ngầm hiệu quả nhất trong vùng biển nông bao quanh bán đảo Triều Tiên phải là các tàu diesel nhỏ, tàng hình, khó bị phát hiện.

Cành ô liu khó xuất hiện?

Trong bài phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, người ta thống kê nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề cập đến vũ khí hạt nhân không dưới 36 lần. Dù vậy, ông lại không hề nhắc đến các động thái hướng đến phi hạt nhân hóa, điều vốn được đề xuất vào lúc sự ấm lên trong quan hệ của Bình Nhưỡng với Seoul và Washington đạt đỉnh năm 2018.

Giới phân tích cho rằng, thời điểm Triều Tiên lựa chọn để tung ra những tuyên bố mang màu sắc hiếu chiến gần đây xoay quanh các chương trình vũ khí của họ rõ ràng là có liên quan đến lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ sắp sửa diễn ra của ông Joe Biden. Leif-Eric Easley - Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul nêu quan điểm: “Không những không chìa cành ô liu cho chính quyền sắp nhậm chức của Biden, Bình Nhưỡng thậm chí đang hứa hẹn sẽ nâng sự phát triển vũ khí hạt nhân của họ lên cấp độ tiếp theo”.

Chuyên gia này cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cố gắng xây dựng hình ảnh Triều Tiên gắn với một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Đồng thời, ông Kim kiên quyết rằng, việc có muốn cải thiện các quan hệ song phương hay không là tùy vào Washington, xem liệu họ có muốn từ bỏ “chính sách thù địch” chĩa vào Bình Nhưỡng suốt nhiều đời Tổng thống Mỹ hay không. Nếu nhìn từ lập trường như vậy, việc Triều Tiên không chịu thực hiện các cam kết và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà thay vào đó đòi phải chấm dứt các vòng trừng phạt và ngừng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn - động thái mà họ cho là chuẩn bị để xâm lược Triều Tiên, âu cũng dễ hiểu.

Cuộc đua vũ trang trở lại bán đảo Triều Tiên? ảnh 3
Một vụ thử tên lửa tầm ngắn dẫn đường chiến lược kiểu mới tại địa điểm không xác định ở Triều Tiên ngày 25/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy vậy, theo Easley, ông vẫn tin rằng, vẫn có nhiều điểm phi thực tế trong tham vọng quân sự của ông Kim Jong-un; nói cách khác, việc đưa ra một danh sách các mục tiêu kinh tế và quân sự đầy tham vọng là một nhẽ, còn khả năng tài chính để thực hiện chúng lại là chuyện khác. Từ lập luận đó, học giả này “bắt bài”, nếu trước đây, trong các vòng đàm phán Bình Nhưỡng đề xuất từ bỏ các tài sản mà họ không còn cần đến nữa, chẳng hạn như các cơ sở hạt nhân cũ kỹ ở Yongbyon, thì nay “nước này lại quảng bá về những tài sản họ chưa sở hữu”, trong nỗ lực giành được những sự nhượng bộ từ bên kia “chiến tuyến”.

Điều đáng đề cập hiện nay là những mối đe dọa từ ông Kim Jong-un đã làm bùng lên những quan ngại âm ỉ ở Hàn Quốc thời gian qua, không chỉ trong phạm vi quân đội mà còn trong tầng lớp dân thường. Một bài xã luận trên tờ Korea Herald hôm thứ Tư tuần này đã kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc “ngừng bấu víu mù quáng vào đối thoại khi Triều Tiên tìm cách có được các vũ khí khủng khiếp”. Không chỉ vậy, bài viết còn cáo buộc chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã bị mắc “bẫy đàm phán” của ông Kim, cho rằng Triều Tiên vốn dĩ không có ý định hoàn tất đàm phán mà lợi dụng chúng để phát triển thêm các hệ thống vũ khí tối tân. Bài viết có đoạn: “Thái độ dễ chịu của Hàn Quốc hòng lấy lòng ông Kim chỉ khiến ông ta hành động thêm phần táo bạo. Hàn Quốc không thể bảo vệ an ninh của mình theo cách đó”. Giải pháp mà tác giả đưa ra, là đáp lại động thái tăng cường quân sự của Triều Tiên bằng những bước đi tương tự. Mà nếu điều này trở thành hiện thực, thì không nghi ngờ gì căng thẳng lại sắp sửa bùng lên, cuộc đua vũ trang lại sắp nóng hơn bao giờ hết trên bán đảo này.

Tin mới

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 6/6

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 6/6

(Baonghean.vn) - Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp xúc cử tri huyện Nam Đàn; Những hình ảnh xua tan áp lực mùa thi; Người dân Nghi Lộc bức xúc vì trại gà gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư... là những thông tin chính trong ngày.
Đọc truyện đêm khuya: Quân khu Nam Đồng - Phần XIV: Giang Cận 1,2,3

Đọc truyện đêm khuya: Quân khu Nam Đồng - Phần XIV: Giang Cận 1,2,3

(Baonghean.vn) - Giang Cận - từ một Bí thư Chi đoàn, cán bộ lớp học giỏi, luôn bài xích chuyện đánh nhau của các bạn, vô tình rơi vào trường hợp bất khả kháng, buộc phải nói chuyện với nhau bằng nắm đấm, không ngờ biến một con người ngoan hiền, chuẩn mực bỗng trở thành bị cảm hóa ngược.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp

(Baonghean.vn) - Đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các địa phương, các sở, ban, ngành cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục đầu tư, cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường... để hoạt động khai thác khoáng sản đạt hiệu quả cao nhất.
Đội tuyển Quế Phong sẽ nỗ lực để lại nhiều ấn tượng ở Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An năm 2023

Đội tuyển Quế Phong sẽ nỗ lực để lại nhiều ấn tượng ở Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An năm 2023

(Baonghean.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa là khai mạc Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An lần thứ 25 năm 2023, hai đội bóng Thiếu niên và Nhi đồng Quế Phong chủ yếu chia đội tổ chức thi đấu giao hữu để tăng tính cọ xát, bản lĩnh trong thi đấu cho các cầu thủ.
Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An lần thứ XXV - năm 2023: Nhi đồng Con Cuông nỗ lực vượt qua vòng bảng

Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An lần thứ XXV - năm 2023: Nhi đồng Con Cuông nỗ lực vượt qua vòng bảng

(Baonghean.vn) - Với mục tiêu vượt qua vòng bảng, Đội Nhi đồng Con Cuông đang nỗ lực tập luyện thể lực, kỹ thuật và chiến thuật để vượt qua đối thủ trong mỗi trận đấu. Sự nỗ lực và quyết tâm của các cầu thủ luôn nhận được sự ủng hộ của Ban huấn luyện, lãnh đạo địa phương và các bậc phụ huynh.
Bài học đắt giá cho thói côn đồ

Bài học đắt giá cho thói côn đồ

(Baonghean.vn) - Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà Hoàng vội chạy về nhà vác súng đến quán ăn đêm để “nói chuyện” với bạn và 3 phát súng vang lên chát chúa đã khiến 2 người bị thương. Hành vi phạm tội giết người của Hoàng để lại bài học đắt giá về thói côn đồ của một bộ phận người trẻ.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SLNA: Các cầu thủ xuất sắc đều xuất phát từ Giải Bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SLNA: Các cầu thủ xuất sắc đều xuất phát từ Giải Bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đồng hành cùng Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An qua nhiều năm, ông Nguyễn Đình Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao Sông Lam Nghệ An khẳng định đây là giải bóng trẻ chuyên nghiệp, cung cấp cho Sông Lam Nghệ An nhiều cầu thủ trẻ tài năng.
Ngày hè của trẻ em vùng cao

Ngày hè của trẻ em vùng cao

(Baonghean.vn) - Với trẻ em miền núi, trong những ngày hè các em dành phần lớn thời gian, phụ giúp bố mẹ công việc gia đình. Ngoài trông em để cha mẹ lên nương rẫy, các em còn lên nương lấy củi, nấu ăn, thêu thùa... và không quên giải trí bằng các trò chơi dân gian.
UBND xã Thanh Mai kiến nghị huyện Thanh Chương thu hồi đất lâm nghiệp đã giao cho chủ nhân công trình 'khủng' trái phép

UBND xã Thanh Mai kiến nghị huyện Thanh Chương thu hồi đất lâm nghiệp đã giao cho chủ nhân công trình 'khủng' trái phép

(Baonghean.vn) - UBND xã Thanh Mai vừa có tờ trình kiến nghị UBND huyện Thanh Chương thu hồi đất lâm nghiệp đã giao cho ông Cao Trọng Hồng (trú tại phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa) vì “thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng đất cũng như quản lý và bảo vệ rừng đã được giao”.