Cuộc khủng hoảng 'kép' của nước Mỹ

12/07/2016 09:40

(Baonghean) - Hai nỗi lo sợ đang phủ bóng lên cuộc sống người dân Mỹ cùng lúc. Bạo lực súng đạn tiếp tục trở thành câu chuyện hàng ngày bất chấp những sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận.

Còn cuộc đối đầu giữa lực lượng cảnh sát với cộng đồng da màu thiểu số lại một lần nữa trỗi dậy. Sự kết hợp của hai yếu tố này tạo ra cuộc xả súng tại thành phố Dallas tuần trước khiến 5 cảnh sát thiệt mạng.

Cảnh sát và người da màu - mâu thuẫn muôn thưở tại nước Mỹ.  Ảnh: CNN
Cảnh sát và người da màu - mâu thuẫn muôn thưở tại nước Mỹ. Ảnh: CNN

Cái nào cũng “nóng”

Rất khó để khẳng định các hành động phân biệt chủng tộc của lực lượng thực thi pháp luật hay bạo lực súng đạn là nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp dẫn tới thảm họa tại thành phố Dallas, bang Texas hôm 8/7.

Thông tin do lực lượng điều tra cho thấy nghi phạm Micah Johnson đã lên không chỉ 1 mà là nhiều kế hoạch chi tiết để tấn công cảnh sát nhằm thực hiện ý tưởng điên rồ của mình.

Vụ nổ súng nhằm vào cảnh sát Dallas đang làm nhiệm vụ ngăn chặn dòng người biểu tình phản đối việc 2 công dân da màu bị cảnh sát bắn chết tại bang Minnesota và Louisiana, chỉ là một trong số đó.

Johnson đã lợi dụng các cuộc biểu tình về một vấn đề vốn đã âm ỷ trong xã hội Mỹ để đưa lực lượng cảnh sát vào tầm ngắm, nối dài thêm danh sách những vụ xả súng và khủng bố trong năm nay liên quan trực tiếp tới việc sở hữu súng đạn.

Vụ bạo lực đẫm máu nhất nhằm vào lực lượng thực thi pháp luật nước này kể từ vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 đã buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang ở thăm châu Âu phải cắt ngắn chuyến đi để sớm tới Dallas.

Trong khi đó, các vụ biểu tình phản đối tình trạng cảnh sát bắn chết người da màu tiếp tục diễn ra trên khắp nước Mỹ, phản ánh rõ mâu thuẫn sắc tộc ngày càng nghiêm trọng trong xã hội nước này.

…nhưng không cái nào mới

Sự lạm quyền và sử dụng bạo lực một cách thái quá của cảnh sát vẫn là một vấn đề lớn với xã hội Mỹ, đặc biệt xuất hiện tần suất cao với các nhóm thiểu số như cộng đồng người da màu tại nhiều bang của nước này.

Mà trước hết cũng xuất phát từ quyền tự do sở hữu súng đạn của công dân Mỹ. Khả năng “khai hỏa” công cụ giết người của các đối tượng tình nghi khiến cảnh sát lúc nào cũng nơm nớp với ý nghĩ là nếu mình không kịp ra tay thì nguy cơ bị bắn là rất lớn.

Điều thứ hai khiến những vụ cảnh sát da trắng bắn chết hay đánh đập người da màu xuất hiện như cơm bữa bởi sự kỳ thị chủng tộc đã nằm sâu trong ý thức của một bộ phận lực lượng cảnh sát da trắng.

Họ cho rằng người da màu đồng nghĩa với “thành phần nguy hiểm” mà với những đối tượng như thế thì không cần phải “dịu dàng”.

Trở lại với câu chuyện phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ, nơi mà người da màu hay các nhóm thiểu số khác bị gạt ra ngoài lề, chịu nhiều sự bất công và thiếu các cơ hội để cải thiện cuộc sống của mình.

Cảnh sát dừng một chiếc xe hơi ở ngoại ô Dallas sau vụ bắn tỉa hôm 8/7. Ảnh: NBC news
Cảnh sát dừng một chiếc xe hơi ở ngoại ô Dallas sau vụ bắn tỉa hôm 8/7. Ảnh: NBC news

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 1,5 thế kỷ sau cuộc nội chiến xóa bỏ chế độ nô lệ, người da màu vẫn là một cộng đồng tụt hậu về kinh tế, giáo dục và xã hội so với người da trắng. Số người da màu thất nghiệp cao hơn người da trắng, lương bổng thấp hơn, trong khi tỷ lệ tù tội lại cao hơn.

Những vấn đề này không được giải quyết khiến sự chống đối, hay bất mãn của cộng đồng này không vì thế mà giảm đi.

Ngược lại, nó càng khiến cho người da màu ở Mỹ trở nên nhạy cảm hơn với những hành động của nhà chức trách, trước những thông tin về sự hành xử không công bằng của cảnh sát da trắng.

Một hình ảnh minh họa rõ ràng hơn cho sự bất bình đẳng này là những mảng đối lập giữa giàu và nghèo tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, với một bên là thành phố sa lầy trong nghèo đói, kinh tế kém phát triển và bên còn lại là hình ảnh các tòa nhà cao tầng sang trọng với những người ăn mặc lịch sự, giàu có.

Để giữ gìn trật tự, quan chức của các thành phố thực hiện chính sách truy quét các tên tội phạm một cách triệt để.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp của cảnh sát được nhìn nhận là có phần hà khắc làm căng thẳng gia tăng liên quan đến hành vi của giới chức thực thi pháp luật, vốn đa phần là người da trắng.

Mâu thuẫn khó giải

Bạo lực và xung đột sắc tộc vẫn gia tăng không phải vì chính quyền Mỹ không hành động. Nhưng việc làm đó có vẻ không đủ hiệu quả để xóa đi hố sâu ngăn cách đã rất lớn giữa 2 cộng đồng.

Thực tế là người Mỹ gốc Phi ngày nay đã có vị thế tốt hơn trong đời sống chính trị và xã hội của xứ Cờ hoa với một nền giáo dục cũng như quyền công dân bình đẳng.

Từ châu Âu, Tổng thống Obama đã có những phát biểu đầu tiên sau vụ tấn công vào cảnh sát tại thành phố Dallas. Ảnh: The Guardian
Từ châu Âu, Tổng thống Obama đã có những phát biểu đầu tiên sau vụ tấn công vào cảnh sát tại thành phố Dallas. Ảnh: The Guardian

Sự đăng quang của vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử xứ Cờ hoa, ông Barack Obama năm 2008 cũng được coi là một bước tiến đáng kể của nội bộ nước Mỹ. Ngay bản thân Tổng thống Obama cũng đã có nhiều kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề mâu thuẫn sắc tộc.

Nhưng những sự cố đáng tiếc vẫn cứ xảy ra bởi người da màu tại Mỹ đã mất niềm tin vào chính quyền và lực lượng hành pháp khi cho rằng hệ thống chính trị, lực lượng hành pháp hiện có được thiết kế để dành cho người da trắng.

Và bất cứ sự thiếu niềm tin nào từ cả hai phía cũng là mồi lửa cho cơn đau đã âm ỉ này./.


Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cuộc khủng hoảng 'kép' của nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO