Cuộc sống của nữ diễn viên Việt đầu tiên trở thành phi công bây giờ ra sao?

Minh Nguyệt 11/11/2022 17:31

Để được làm phi công, Diệu Thúy từng phải dồn hết số tiền khoảng 6 tỷ đồng mình kiếm được để học. Tính chất công việc không mấy dễ dàng và rất bận rộn nhưng nữ phi công luôn cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc mình thích.

Diệu Thúy sinh năm 1989 được biết đến là nữ diễn viên Việt đầu tiên trở thành phi công. Cô gây ấn tượng với các vai diễn trong nhiều bộ phim nổi tiếng như: Dốc sương mù, Huyền thoại 1C, Đồng tiền đen, Bên kia sông, Những mảnh đời giông bão…

Khi sự nghiệp diễn xuất đang trên đà phát triển, Diệu Thúy bất ngờ ngừng đóng phim. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học cô trở thành kỹ sư an toàn tại một công ty ở Bình Dương. Sau đó, với mong muốn được làm các công việc liên quan đến ngành hàng không, Diệu Thuý trở thành tiếp viên cho một hãng hàng không tại Dubai. Hơn 2 năm sau, cô thi tuyển phi công tại Việt Nam rồi sang Mỹ học thực hành. Diệu Thúy về nước và trở thành một trong những nữ phi công đầu tiên của hãng bay nổi tiếng.

Diệu Thúy được biết đến là nữ diễn viên Việt đầu tiên trở thành phi công.

Quyết định rời showbiz, theo đuổi ước mơ trở thành phi công

Diệu Thúy cho biết, hành trình để trở thành một phi công của cô vô cùng khó khăn và gian nan. Có được ngày hôm nay, cô phải trải qua 9 năm lao động cật lực. Thời sinh viên, giống như bao sinh viên Đại học khác, Diệu Thúy phải làm thêm 3-4 công việc một lúc mới đủ tiền giúp bố mẹ một phần học phí và trang trải cuộc sống. May mắn đến với cô khi cô được trở thành diễn viên với nhiều vai chính và các hợp đồng quảng cáo lớn, cô không phung phí mà đã nhờ chị gái quản lý tài chính giúp mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, và có thời gian khá dài trong guồng quay sáng đi tối về, là kỹ sư an toàn HSE duy nhất tại một công ty, nhận trách nhiệm đảm bảo an toàn - môi trường - sức khỏe cho hệ thống sản xuất 11 ngàn nhân viên, cô hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, Thúy chợt nghĩ đến một công việc vừa làm, vừa được đi du lịch. Từ đó, cô trở thành tiếp viên hàng không của một hãng hàng không năm sao ở Abu Dhabi (Ấn Độ) và ấp ủ ước mơ trở thành phi công.

Vừa tích lũy tài chính, vừa đi làm cật lực, thời gian ở nước ngoài cô không ngừng học tập để nâng cao trình độ tiếng Anh, tự mình ôn luyện Toán, Lý vào các ngày nghỉ, dành nhiều công sức để đạt được ước mơ của mình. Nữ phi công tiết lộ, cô dành ra gần 6 tỷ đồng là toàn bộ tiền tích luỹ được để học nghề phi công, trong đó có gần 3 tỷ đồng huấn luyện cơ bản và gần 3 tỷ đồng huấn luyện chuyển loại đường dài máy bay Airbus.

Phi công Diệu Thúy chia sẻ: “Thời gian đi học, tôi đã sống như một người nghèo, ở trọ rẻ tiền, ăn cơm đạm bạc, tiết kiệm từng đồng, vì thời gian dồn hết vào đèn sách. Khối lượng kiến thức cần học khổng lồ, sự đào thải rất cao, không mấy ai bám trụ và thi đậu tất cả các môn. Trong khi đó, bạn bè đi ăn nhà hàng, chạy siêu xe, tôi vẫn hạnh phúc đạp xe đi học 20 cây số cả đi và về mỗi ngày, mua rau rẻ tại chợ nông sản, ăn cả cá bạn bè câu được ở sông. Tôi biết ơn mỗi đồng đô la bản thân kiếm được nên tôi không hề tiêu sai dù là một đồng”.

“Nhưng xin việc mới là giai đoạn khó khăn nhất của đời phi công. Tôi đã nộp cả trăm hồ sơ, nhưng chưa đến 10 hãng hàng không trả lời, với một phi công chưa có kinh nghiệm, xin gia nhập hãng hàng không thực sự là ao ước hái sao. Có những lúc rất muốn ngã quỵ, nhưng tôi luôn tự xốc lại tinh thần và cố gắng tiếp, không từ bỏ. Vậy nên có tôi của ngày hôm nay là nhờ bản thân thực sự đã rất nỗ lực và mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn”, Diệu Thúy nói thêm.

Nhưng với cô, sự gian nan là cần thiết và kết quả nhận được hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của bản thân. Nữ phi công chia sẻ: “Tôi trở nên mạnh mẽ, điềm tĩnh, và biết ơn những gì bản thân đang có. Tôi tự hào vì bản thân đã chiến thắng nỗi sợ hãi khi biết trước con đường phía trước là vô cùng gian nan khi quyết định rời showbiz, để lao vào khó khăn, theo đuổi ước mơ trở thành phi công của mình”.

Trong buồng lái không có chỗ cho sự uỷ mị và yếu đuối

Để trở thành một phi công đặc biệt là một nữ phi công, theo Diệu Thúy, sự hy sinh là rất cần thiết. Cô cho biết, một nữ phi công thường sẽ phải “hy sinh” làn da đẹp, mái tóc đẹp vì công việc này "bào mòn" thể chất và sức khỏe rất nhiều.

“Khi đã ngồi vào buồng lái, sẽ không có chuyện anh là nam, tôi là nữ. Bất kể phụ nữ hay đàn ông cũng phải rèn luyện thể chất khỏe mạnh đi làm. Đặc biệt, luôn phải mạnh mẽ và điềm tĩnh. Trong buồng lái, không có chỗ cho sự uỷ mị và yếu đuối. Đã xách cặp đi bay thì không có sự khác biệt giữa nam và nữ phi công”, nữ phi công nói.

Diệu Thúy cho rằng, điểm khác biệt giữa nam và nữ khi làm phi công là nữ phi công khi làm mẹ, thời gian mang thai không được đi bay. Sau khi sinh sẽ phải huấn luyện lại một phần, hy sinh một phần thời gian của công việc để lo cho con, vun vén gia đình và ngược lại, nhưng cô đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận tương lai với một tâm thế phấn khởi nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho một người phụ nữ trong tương lai. Với cô được làm phụ nữ là một điều may mắn.

Thời gian làm việc của một nữ phi công như Diệu Thúy diễn ra khá đặc biệt. Cho dù là ca bay vào sáng sớm 2-3 giờ hay đêm khuya 10-11 giờ, trước đó cô luôn ngủ đủ ít nhất là 6 tiếng, tự chuẩn bị bữa ăn nhẹ cho bản thân, xem qua tài liệu, kế hoạch bay trước khi đi ngủ. Trước giờ cất cánh 3 tiếng, cô phải chuẩn bị đồng phục sạch đẹp, ăn nhẹ, kiểm tra đầy đủ thiết bị và tài liệu cần có khi làm việc. Sau đó, nữ phi công sẽ có mặt tại văn phòng trước giờ cất cánh 2 tiếng để thảo luận về nhiệm vụ cùng đồng nghiệp. Và có mặt tại tàu bay ít nhất là 1 tiếng trước giờ cất cánh.

“Ngày làm việc của tôi có thể là nửa ngày, cũng có thể là ngày dài, có thể là vài ngày. Trong lúc làm việc, ngoài việc tập trung hoàn thành tốt công việc, thì cảm xúc hạnh phúc luôn hiện hữu trong tôi khi đồng nghiệp vui vẻ, người lên kẻ xuống tấp nập. Sẽ có ngày rất căng thẳng cũng có cả ngày rất vui, nhưng ngày nào đi làm cũng hạnh phúc và biết ơn”, nữ phi công nói thêm.

Vượt qua biến cố về công việc, hôn nhân

Nữ phi công cho biết, năm 2020 và 2021 là 2 năm khó khăn với cô. Khi dịch bệnh xảy đến, những nhân viên hàng không kể cả khi phi công như cô đa số đều rơi vào cảnh “thất nghiệp”. Thời điểm này, Diệu Thúy phải đối mặt và vượt qua nỗi đau tan vỡ hôn nhân, sự nghiệp trì trệ, và không có điểm sáng. Cô cho biết, bản thân đã dồn hết tiền tiết kiệm cho việc học phi công, huấn luyện đường dài chưa có thu nhập, vấn đề tài chính càng làm nữ phi công áp lực hơn.

“Có lẽ xin việc là giai đoạn khó khăn nhất đời phi công, nhất là những phi công chưa có kinh nghiệm. Và một lần nữa, đại dịch đẩy hầu hết các phi công vào trải nghiệm đó thêm một lần”, phi công Diệu Thúy chia sẻ.

Trước biến cố về công việc và hôn nhân, nữ phi công cho biết, cô vẫn giữ tinh thần lạc quan, vững vàng đối mặt. Cô chia sẻ: “Tôi học cách biết ơn, biết ơn cuộc đời mang đến biến cố và thử thách để tôi có được sức mạnh nội tâm này. Mỗi ngày, tôi chăm chút cho tinh thần của bản thân và thế tôi dần trở nên hạnh phúc hơn. Trước những gì xảy ra, tôi vẫn sẵn sàng đón nhận, biết ơn vì bản thân được khỏe mạnh, gia đình vẫn ở bên, là tôi quá đỗi may mắn”.

Hiện tại, năm 2022, có thể nói là một năm khởi sắc với Diệu Thuý. Cô tìm thêm được cho mình nhiều niềm vui trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Mới đây, hình ảnh cô mặc váy cưới được chia sẻ trên Facebook cá nhân đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ khán giả.

“Với tôi, không phải nghịch cảnh chọn bạn là bất công, mà chính thái độ đón nhận của bạn mới là điều quyết định tương lai bạn. Hãy chấp nhận nghịch cảnh như là một chướng ngại vật bạn cần vượt qua, vì kết quả sau đó có thể sẽ rất tuyệt vời”, Diệu Thúy nói.

Theo phunuvietnam
Copy Link

Mới nhất

x
Cuộc sống của nữ diễn viên Việt đầu tiên trở thành phi công bây giờ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO