Tôi ghé thăm ông Chu Văn Tiếp trong một buổi chiều đầu tháng Tư này. Gặp ông, tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở vào độ tuổi 88 nhưng ông vẫn còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát và đầy minh mẫn. Ký ức về những trận đánh ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của người cựu chiến binh già đã đi xuyên qua 2 cuộc chiến vì thế lại càng dâng lên như gió lốc.
Ông Tiếp sinh ra tại xã Thanh Cát (nay là xã Cát Văn), huyện Thanh Chương, một làng quê yên bình bên dòng sông Lam. Tháng 7/1953, khi vừa tròn 17 tuổi, ông đã viết đơn tình nguyện tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn ác liệt. Dù vóc dáng nhỏ bé, nhưng ông được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn Bộ binh 325. Đây là 1 trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 11/3/1951, trên cơ sở một số trung đoàn chiến đấu ở Khu 4 cũ (Bắc Trung Bộ). Trong suốt những năm tháng chiến tranh, đơn vị này còn có tên gọi khác là Đoàn Bình Trị Thiên.
Ông Tiếp kể, ngày đó quân đội ta còn rất thiếu thốn, từ quân tư trang cho đến vũ khí chiến đấu. Từ xã Thanh Cát, sau khi viết đơn tình nguyện ra trận, ông Tiếp ngay lập tức trải qua khóa huấn luyện cấp tốc và theo đơn vị hành quân ra khu vực đồng bằng sông Hồng.
Trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, khu vực phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng là một mặt trận quan trọng giúp chia lửa với chiến trường Bắc Bộ và Điện Biên Phủ, góp phần giải phóng thị xã Ninh Bình, Phủ Lý và thành phố Nam Định. Đồng thời, cắt đứt con đường tiếp viện của địch cho chiến trường Tây Bắc, góp phần cùng với toàn quân làm nên “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954.
Ông Tiếp vẫn còn nhớ như in những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tin tức về những thất bại của địch trên khắp các chiến trường liên tục báo về. Chiến đấu với đôi chân trần, chiếc mũ tre tự đan, cùng những bữa cơm không đủ no, nhưng những người lính trẻ luôn hừng hực khí thế. Nhớ nhất là những hôm mưa dầm, gió bấc, anh em vừa đào chiến hào, vừa vận chuyển vũ khí sẵn sàng chờ được lệnh cấp trên ra trận, không ai màng đến khó khăn, gian khổ. Sau những trận đánh oai hùng trên đường số 1, chặn đánh con đường rút lui của địch, điều làm ông Tiếp buồn nhất là nhiều anh em, đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường khi tin thắng trận chỉ còn cách vài giờ.
Sau khi giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ, đồng thời, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm, ông Tiếp lại cùng đơn vị hành quân về đóng tại bờ Nam sông Bến Hải, nơi đất nước ta đang bị chia cắt tạm thời tại vĩ tuyến 17. Đến năm 1963, sau hơn 10 năm quân ngũ và có 9 năm trực tiếp bám trụ ở tuyến lửa Vĩnh Linh, ông phục viên về quê Thanh Chương, rồi từ năm 1964 lên Tân Kỳ xây dựng kinh tế mới.
Sau khi đã trải qua hơn 10 năm ở chiến trường chống Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ. Những tưởng khi phục viên về quê và đi xây dựng kinh tế mới ở mảnh đất Tân Kỳ, là ông Tiếp có thể rời xa được bom đạn chiến tranh. Vậy nhưng, khi ông lên đến xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ), cũng là lúc đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ra miền Bắc.
Nhận thấy chiến tranh có thể kéo dài và con đường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có thể phải kéo dài, từ năm 1959, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng con đường vận tải chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam, còn gọi là đường Trường Sơn (nay là đường Hồ Chí Minh). Điểm xuất phát bắt đầu được tính từ Km số 0, đóng ở xã Kỳ Sơn (nay thuộc thị trấn Tân Kỳ), đến huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Cũng chính vì lý do này mà trong suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, huyện Tân Kỳ đã trở thành trọng điểm oanh tạc của kẻ thù. Rất nhiều lượt đánh phá bằng không quân đã được đế quốc Mỹ triển khai tại các địa điểm như tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 15A, đường 15B, bến phà Sơn, phà Rỏi… đặc biệt là tại Cột mốc số 0 và các xã dọc đường 15 như Kỳ Sơn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình.
Khi lên xây dựng kinh tế mới ở huyện Tân Kỳ, với những kinh nghiệm xương máu có được từ chiến trường, ông Tiếp đã được giao nhiệm vụ làm Xã đội trưởng xã Kỳ Sơn. Khi đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, các địa phương, nông trường, xí nghiệp, lực lượng dân quân tự vệ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực để xây dựng các trận địa bắn máy bay địch. Với vai trò là Xã đội trưởng, ông Tiếp lại một lần nữa cầm súng, cùng với quân – dân địa phương tham gia đánh giặc.
Ông Tiếp kể, Cột mốc số 0 trên đường Trường Sơn, điểm đi qua huyện Tân Kỳ là nơi giao nhau giữa tuyến đường 15A và đường 15B, là vị trí thuận lợi để các đoàn xe cơ giới đưa hàng hóa và bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Vào những thời điểm địch tăng cường bắn phá miền Bắc, tuyến đường Trường Sơn thường xuyên bị địch thăm dò, phát hiện và bị đánh phá ác liệt. Tại điểm mốc số 0, truông Dong, hay dọc con đường đi qua các xã Kỳ Sơn, Nghĩa Hành, máy bay địch đủ các loại như AD6, P108, 24, B52… liên tục quần thảo, đánh phá, gây thiệt hại rất lớn về người. Địch chú trọng bắn phá hòng làm cắt đứt con đường tiếp tế vào miền Nam của quân và dân ta.
Trong những năm tháng chống Mỹ, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, xã Kỳ Sơn đã thành lập 2 đơn vị chiến đấu, trong đó, 1 đơn vị trực chiến bảo vệ giao thông và 1 đơn vị chuyên bắn máy bay. Ngoài ra, còn thành lập 1 tổ công tác gồm 20 đồng chí luôn có mặt ở vị trí nguy hiểm để trực đèn xanh, đèn đỏ phát tín hiệu cho bộ đội hành quân chở vũ khí và lương thực vào chiến trường miền Nam và báo hiệu cho bà con địa phương xuống hầm mỗi khi có máy bay địch xuất hiện. Các tổ, đội này đều do ông Tiếp phụ trách, phối hợp với quân chủ lực tham gia bảo vệ Km số 0 và các con đường chiến lược đi qua đây.
Dưới sự đánh phá ác liệt của kẻ địch, không ít lần đoàn xe vận tải bị bom đánh trúng bốc cháy. Mỗi lần như vậy, dân quân xã Kỳ Sơn lại nhanh chóng tiếp cận dập lửa, di chuyển xe trúng đạn ra khỏi hiện trường để tránh sát thương cho bộ đội và làm tắc nghẽn tuyến đường huyết mạch.
Để đảm bảo cho bộ đội và người dân có nơi trú ẩn khi bị đánh phá, dọc các tuyến đường đi qua xã Kỳ Sơn, cứ cách khoảng 50m lại được đào 1 hầm chữ A. Với tinh thần “xe chưa qua nhà không tiếc”, người dân xã Kỳ Sơn đã hy sinh hàng trăm ngôi nhà để lấy gỗ lát đường cho xe đi qua; tham gia hàng trăm trận đánh; dũng cảm rà, phá được nhiều quả bom nổ chậm đảm bảo an toàn cho các đoàn xe, góp phần chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Theo thống kê, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người dân xã Kỳ Sơn phải chịu đựng 1.200 tấn bom đạn, thiệt hại 187 ngôi nhà, 4 chiếc cầu, 1 kho lương thực, 1 trường học, làm chết 75 người và 112 người bị thương. Đó là chưa kể hàng trăm con trâu, bò, hàng chục ha đất đai, hoa màu… cũng bị tàn phá.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973, hòa bình lập lại ở miền Bắc, mảnh đất Tân Kỳ cũng ngớt tiếng máy bay gầm rít và không còn bị bom đạn cày xới. Lúc này, ông Tiếp từ vị trí Xã đội trưởng cũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch, rồi sau đó là Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Sơn và Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Kỳ. Sau này khi nghỉ hưu hẳn, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Dù ở vai trò nào, người đảng viên, người lính Cụ Hồ này vẫn luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động để quy tụ sự đoàn kết trong chi bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Ngoài ra, ông cũng chú trọng đến công tác vận động quần chúng bằng cách lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến chính đáng của nhân dân để từ đó tìm ra cách giải quyết thấu tình, đạt lý nhất.
Chia tay ông Chu Văn Tiếp ngay bên Km số 0 huyền thoại, “tọa độ lửa” năm nào giờ đã trở thành Khu Di tích cấp Quốc gia, là chứng tích một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, nơi ghi dấu những chiến công của cả một thế hệ “Việt Nam thành đồng”, trong đó có những người như ông Tiếp.