Cựu chiến binh Điện Biên Phủ 91 tuổi vẫn làm thơ, sửa chữa đồ điện

Huy Thư - 07/05/2024 10:52
(Baonghean.vn) - Ở xã Hiến Sơn (Đô Lương) cụ Nguyễn Quang Cử (91 tuổi) không chỉ là cựu chiến binh chống Pháp cao tuổi, mẫu mực, mà còn là một giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, có nhiều cống hiến cho quê hương.

Chiến sĩ thi đua

Những ngày này, khi cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Nguyễn Quang Cử cũng phấn khởi và tự hào khi được cán bộ ban ngành các cấp huyện, xã đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, tham dự các buổi gặp mặt cựu chiến binh...

bna_1.JPG
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Cử. Ảnh: Huy Thư

Cụ Cử kể, cụ là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh em. Học xong bậc đệ tam tại Nghi Lộc, cụ lên đường nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Cụ nhớ đợt tuyển quân năm đó, trong xóm có 2 thanh niên tham gia thì mỗi mình cụ trúng tuyển. Ngày đi bộ đội, cha mẹ tặng cho một bộ đồ sồi màu nâu.

Sau mấy tháng tân binh ở Diễn Châu, Yên Thành, cụ được điều động ra Thanh Hóa rồi đi Tây Bắc. Đơn vị cụ là C63, D533 thuộc lực lượng pháo cao xạ 12,7mm bảo vệ bến phà Tạ Khoa (Sơn La).

Bến phà này nối liền 2 bờ sông Đà bằng những chuyến phà được xem là điểm xung yếu trên tuyến đường từ Yên Bái lên Sơn La và Điện Biên. Đây là tuyến đường trọng yếu vận chuyển lương thực, vũ khí của quân và dân ta chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm 1952 -1953, quân Pháp thường cho máy bay do thám và ném bom đánh phá khu vực bến phà để chặn đường tiếp viện của quân ta.

bna_2.JPG
Một số Huy hiệu, Huy chương, Kỷ niệm chương mà cụ Cử được trao tặng. Ảnh: Huy Thư

Cụ Cử đã ăn Tết đầu tiên xa nhà tại bến phà Tạ Khoa. Từ bến phà này, đơn vị cụ di chuyển lên Tuần Giáo phối hợp với các đơn vị phòng không ngày đêm bám trời, tiêu diệt máy bay của địch. Trong đội hình chiến đấu của đơn vị, cụ là pháo thủ tiếp đạn.

Kỷ niệm mà cụ nhớ nhất là 2 lần được cử đi công tác, đưa cán bộ về xuôi và đi Phú Thọ nhận dân công phục vụ chiến dịch.

Cụ Cử cho biết, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đơn vị cụ được lệnh di chuyển về Thanh hóa, sau 3 ngày lại hành quân ra Bắc để truy kích địch.

bna_3.JPG
Ảnh cụ Cử những năm tại ngũ. Ảnh chụp lại: Huy Thư

Sau chiến thắng Điện Biên, cụ được biên chế về Đại đội 18, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 250, Sư đoàn 367. Tại đây, cụ được cử đi học về điện và máy móc ở Trường Láng, rồi làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. “Lúc đó, tôi làm Tổ trưởng tổ giáo viên, hoạt động rất năng nổ nhiệt tình” - cụ Cử nói.

Nhờ lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, cụ được bình bầu là Chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn 3 năm liền, nằm trong danh sách những chiến sĩ danh dự được đi đón các phái đoàn nước ngoài, như Liên Xô, Ấn Độ, Ba Lan… sang thăm Việt Nam.

bna_4..JPG
Giấy chứng nhận được trao tặng, Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương của cụ Cử. Ảnh: Huy Thư

Hiện cụ còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó với đời lính như huy hiệu, sổ tay, dây buộc súng, giấy chứng nhận Huân, Huy chương, ảnh… Cầm cuốn sổ tay đời lính đã úa màu, bên trong có những trang viết, những bản nhạc được ghi chép nắn nót, cụ chia sẻ: Cuốn sổ này là kỷ vật bất ly thân, cụ đã cất giữ hơn 60 năm qua. Những lúc nhớ đơn vị, nhớ về đời lính, cụ lại đưa ra, lật giở từng trang, ôn lại ký ức ngày xưa.

Sống tốt đời đẹp đạo

Xuất ngũ về quê (1959), cụ từng làm đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp, thành viên xưởng sửa chữa cơ khí của hợp tác xã, hăng hái tham gia nhiều hoạt động công ích tại địa phương…

Để vực dậy kinh tế gia đình giữa thời buổi khó khăn, cụ là người tiên phong ở địa phương mở máy xay xát, máy đập bột, máy lúa tuốt lúa… Khi nhu cầu của người dân đã bão hòa, cụ lại thay đổi nghề mới. Nói như cụ: làm ăn thì mình phải đi trước một bước mới đông khách, mới có thu nhập.

bna_5..JPG
Cụ Cử sử dụng máy tính, máy in khá thành thạo. Ảnh: Huy Thư

Cụ thừa nhận mình là người ham học hỏi, đa năng, “thả tay mặt bắt tay trái”. Khi đã cao tuổi, cụ vẫn còn duy trì nghề sửa chữa xe máy, xe đạp. Hiện nay ở tuổi ngoài 90, cụ vẫn còn làm nghề sửa chữa đồ điện. Trước ngõ nhà cụ vẫn còn treo tấm biển thông báo: “Tại đây sửa chữa đồ điện”.

Trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà thờ giáo họ Mỹ Thịnh của cụ, ngoài đồ dùng cá nhân có rất nhiều dụng cụ, máy móc mà cụ dùng để làm nghề. Người dân trong vùng mỗi khi hư hỏng nồi cơm điện, ấm nấu nước… lại mang đến nhờ cụ sửa. Cụ Cử cho biết, nhiều đồ điện trong nhà do cụ tự tay chế tác lại, như quạt điện, xe đạp điện… .

bna_6..JPG
Cụ Cử làm nghề sửa chữa đồ điện gia dụng. Ảnh: Huy Thư

Gặp cụ tại nhà khi cụ đang loay hoay viết, vẽ trên chiếc bàn gỗ. Hỏi ra mới biết cụ đang thiết kế lại mái lợp của nhà thờ giáo họ đang bị hư hỏng. Cụ nói: “Nhà thờ xuống cấp đã lâu nhưng chưa xây mới được, nên tạm thời phải sửa chữa. Tôi muốn giáo họ sửa chữa, khôi phục được nhà thờ với phương án hợp lý nhất, tốn ít kinh phí nhất”.

Giáo họ Mỹ Thịnh nơi cụ đang sống có tinh thần đoàn kết lương - giáo được hun đúc từ nhiều đời. Bà con giáo dân, lương dân sinh sống xen kẽ nhau trong xóm và luôn hòa thuận, đùm bọc, yên vui. Cụ Nguyễn Quang Cử - giáo dân cao tuổi nhất trong giáo họ là hiện thân của tinh thần đoàn kết ấy. Tuy tuổi cao, nhưng cụ vẫn hăng hái chăm lo việc đời, việc đạo.

bna_7..JPG
Cụ Cử là cựu chiến binh, giáo dân sống tốt đời đẹp đạo. Ảnh: Huy Thư

Cụ từng là Uỷ viên Thư ký, Trưởng ban Hành giáo, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Thanh Tân, Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Hiến Sơn, ủy viên Uỷ ban mặt trận Tổ quốc huyện Đô Lương, Phó ban Đoàn kết công giáo huyện Đô Lương…

Cụ đã được Nhà nước, quân đội tặng nhiều Huân, Huy chương, Huy hiệu, Kỷ niệm chương, Giấy khen, Bằng khen, trong đó có Bằng khen của Bộ Nội vụ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An… vì sự nghiệp đoàn kết dân tộc, đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, cụ còn nhiều trăn trở, đặc biệt là với cây đa cổ thụ làng Mỹ Thịnh hơn 500 tuổi. Cụ là người đã tổng hợp và viết một cách đầy đủ nhất về lịch sử của cây đa này với mong muốn cây đa được công nhận là cây di sản, chứng tích lịch sử của quê hương .

bna_8..JPG
Cụ Cử bên cây đa làng Mỹ Thịnh. Ảnh: Huy Thư

Cụ có nhiều năng khiếu,như đánh đàn, thổi sáo, kéo nhị, làm thơ, đọc thơ…., từng phụ trách đoàn thánh ca của giáo xứ. Nhắc đến cụ Cử là nhắc đến “cây thơ” có tiếng trong vùng. Hiện cụ có gần 400 bài thơ phản ánh nhiều mặt của cuộc sống.

Thơ cụ mang cảm hứng dào dạt về quê hương, đất nước, lòng biết ơn sâu sắc với những hy sinh của đồng đội… “Ba lô ấy đã chứa đầy thề ước/Tuy bạc màu nhưng vẫn đượm hương thơm/Xuân hôm nay con tiếp bước lên đường/Cha trao lại mối tình thương trong đó” (Ba lô ấy).

Nhân ngày lễ lớn của đất nước, cụ đã kịp thời sáng tác thơ để đọc tặng các cựu chiến binh trong những buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và in một chùm thơ kỷ niệm sự kiện này, gồm những bài thơ hay của cụ như “Ba lô ấy”, “Anh lính Điện Biên năm xưa, ông cựu chiến binh hôm nay”, “Vẻ vang thay người cựu chiến binh”, “Anh cùng tôi”… để tặng mọi người.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Cử đọc thơ do mình sáng tác. Video: Huy Thư

Mang trong mình căn bệnh ung thư bàng quang, đã nhiều lần đi bệnh viện truyền hóa chất, nhưng 91 tuổi, cụ vẫn minh mẫn, đọc sách không cần đeo kính, vẫn điều khiển xe máy đi Vinh, vẫn sửa chữa đồ điện, gõ máy tính, sử dụng máy in, lướt web, làm thơ… khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, nể phục.

Ông Đặng Văn Hoàng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hiến Sơn chia sẻ: Cụ Cử cao tuổi, nhưng vẫn chăm chỉ làm việc và năng nổ, nhiệt tình với phong trào của Hội. Cụ là hội viên gương mẫu, là tấm gương sáng cho đồng đội và mọi người noi theo”.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO