Đa cấp huy động vốn thời 4.0 'bủa vây' nhiều giáo viên ở Nghệ An

Tiến Hùng 08/11/2020 09:23

(Baonghean.vn) - Mặc dù từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho đến cấp phòng đã có nhiều văn bản cấm, nhưng hàng loạt giáo viên vẫn công khai tham gia các đường dây đa cấp huy động vốn rồi lôi kéo cả đồng nghiệp, người thân. Đã có rất nhiều người mất hàng trăm triệu đồng chỉ vì lòng tham lãi suất cao.

Vạch mặt kinh doanh đa cấp

Nhiều tháng nay, cô H. luôn bị làm phiền bởi những tin nhắn lôi kéo vào nhóm có tên Lion Group từ chính các đồng nghiệp của mình. Mặc dù cô đang là hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Chương. “Trên này nhiều người bỏ tiền tham gia lắm. Rồi người này rủ người kia, loạn hết cả lên”, cô H. nói và cho biết, tại chính trường học do cô làm hiệu trưởng, cũng đang có không ít giáo viên đã bỏ tiền để tham gia vào nhóm này. Có người thậm chí đã vay hàng trăm triệu đồng để đầu tư vì thấy "không làm mà vẫn có ăn".

Tại huyện Thanh Chương, Lion Group do một nhân viên đang làm việc tại Trường Tiểu học Thanh Thủy làm trưởng nhóm. Trên Facebook cá nhân, người này thường xuyên đăng tải những thông tin quảng cáo cho “tập đoàn” này. Ngoài ra, người này cũng thường xuyên nhắn tin cho các đồng nghiệp để rủ rê, lôi kéo. “Ở đây không phải đa cấp. Chỉ sau 2 tiếng là tiền về tài khoản, lợi nhuận tính theo ngày. Cả tháng không làm gì cũng có ít nhất 5 triệu đồng”, một trong hàng loạt tin nhắn mà nhân viên trường học này nhắn cho các đồng nghiệp để rủ rê mà phóng viên Báo Nghệ An tiếp cận được.

Một cuộc gặp mặt của các thành viên Lion Group mà các giáo viên ở Thanh Chương đăng tải lên mạng xã hội.
Một cuộc gặp mặt của các thành viên Lion Group mà các giáo viên ở Thanh Chương đăng tải lên mạng xã hội. Ảnh: PV

Theo lời của trưởng nhóm Thanh Chương, thì chỉ cần đóng tối thiểu gần 24 triệu đồng, chuyển vào tài khoản của nhóm để mua 1.000 USD, hàng tháng khách hàng sẽ được nhận 5 triệu đồng lãi suất. Số tiền đóng càng nhiều, lãi suất càng lớn. Đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thanh Chương, đã có hơn 100 giáo viên tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tài chính này. Để tạo lòng tin cho “con mồi”, nhóm này còn liên hệ với lãnh đạo xã Thanh Thịnh để tới trao quà cho một vài hộ khó khăn với cái mác “tập đoàn Lion Thanh Chương”, để rồi chụp ảnh lãnh đạo địa phương, đăng lên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Lion Group là một sàn trao đổi ngoại hối hoạt động theo hình thức đa cấp biến tướng. Cách thức hoạt động của Lion là nhà đầu tư tạo ra tài khoản để rút nạp tiền, sau đó tạo thêm tài khoản để trade (giao dịch) trên thị trường trao đổi ngoại hối và gửi tiền cho ban chuyên gia tối thiểu 1.000 USD. Ban chuyên gia sẽ giao dịch giúp từ 0,8 - 1%/ngày và với lời hứa đều đặn mỗi tháng sẽ kiếm lời khoảng 22%. Những người giới thiệu người khác tham gia mở tài khoản trên sẽ nhận được phí hoa hồng giao dịch dựa trên số tài sản và khối lượng giao dịch của khách hàng, con số này càng cao thì hoa hồng càng lớn.

Trao quà tại xã Thanh Thịnh với các mác Lion Group chi nhánh Thanh Chương để tạo lòng tin. Dù công ty này không được cấp phép.
Trao quà tại xã Thanh Thịnh với cái mác Lion Group chi nhánh Thanh Chương để tạo lòng tin. Dù công ty này không được cấp phép. Ảnh: PV

Lừa đảo, ôm tiền bỏ trốn

Đó là khẳng định của đại diện Sở Công Thương Nghệ An khi được phóng viên hỏi về cách thức hoạt động Lion Group. Nguyên nhân bởi “tập đoàn” này không có sản phẩm kinh doanh, chỉ lấy tiền người sau để chia cho người trước. Hoạt động theo hình thức đa cấp huy động vốn, không hơn không kém. Dù cho những người trong nhóm đi lôi kéo đồng nghiệp vẫn một mực khẳng định “không phải đa cấp”.

“Lion Group chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động, và chắc chắn cũng sẽ không được cấp phép. Chính vì vậy, người lôi kéo, rủ rê người khác tham gia vào các sàn giao dịch này cũng là vi phạm pháp luật. Người dân nên cẩn trọng”, ông Nguyễn Văn Long - cán bộ Sở Công Thương Nghệ An nói và cho hay, dạng đầu tư kiểu này đang “mọc lên như nấm” trong thời gian qua. Cho dù với tên gọi nào, toàn bộ các website đều hoạt động chui, sau một thời gian, khi đã huy động được số tiền lớn hệ thống sẽ sụp đổ, người đầu tư sẽ mất tiền. Những kẻ lừa đảo sau đó lại tạo ra các hệ thống mới để tiếp tục đi lôi kéo.

Trên thực tế, hình thức lừa đảo này cũng không mới. Những năm qua, rất nhiều công ty đầu tư giao dịch tài chính gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn và hàng ngàn người đã mất tiền. Ví dụ, năm 2006, sàn giao dịch tài chính Golden Rock bị sập và ước tính có khoảng 1.000 người bị lừa. Chỉ trong thời gian ngắn, Stanley Eliot Tan (Trưởng Văn phòng đại diện Golden Rock) và Cheng Kwok Ping Patric (Giám đốc tài chính của Golden Rock) đã huy động và chiếm đoạt gần 10 triệu USD rồi bỏ trốn.

Chỉ cách đây hơn 1 tháng, TAND tỉnh Đồng Nai đã xét xử Nguyễn Thị Minh Phương và các đồng phạm về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với hình thức tương tự cách thức hoạt động của Lion Group.

Theo đó, Phương từng tham gia rất nhiều website huy động vốn. Tuy nhiên sau đó, các trang web này bị sập, Phương mất hết tiền, không biết chủ trang ở đâu. Phương sau đó nảy ra ý định thành lập một trang web tương tự để lừa. Cô ta mở công ty rồi lập website hero8.org. Phương đi đâu cũng tạo vỏ bọc là doanh nhân thành đạt, có hoàn cảnh gia đình giàu có chuyên kinh doanh thời trang, vàng bạc đá quý, các dự án bất động sản. Những người tham gia góp vốn kinh doanh qua trang web hero8.org sẽ được hưởng lãi suất cao. Phương cùng đồng phạm đưa ra giải pháp đầu tư theo mã pin ID. Người có nhu cầu góp vốn đầu tư phải mua mã pin ID với mức tiền 10,16 triệu đồng, trong đó phí mã pin ID 2,16 triệu đồng, vốn góp 8 triệu đồng sẽ được hưởng lợi nhuận. Chỉ trong vòng ít tháng, đã có 3.784 người ở 56 tỉnh, thành trên cả nước đăng ký với gần 21.000 mã ID tổng số tiền hero8 đã nhận của những người nộp tiền đăng ký mã ID là gần 124 tỷ đồng…

Rất nhiều người tham gia các cuộc gặp mặt của Lion Group.
Rất nhiều người tham gia các cuộc gặp mặt của Lion Group tại Nghệ An.

Còn theo vị hiệu trưởng trường tiểu học ở huyện Thanh Chương, trước đây, giáo viên ở huyện đã không ít người mất tiền vì tham gia vào các loại hình đa cấp huy động vốn tương tự, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn còn nhiều người tham gia Lion Group. Mới đây nhất, khi lãnh đạo tập đoàn huy động vốn đa cấp trái phép có tên Gold Time bị Bộ Công an bắt giữ, hàng loạt giáo viên ở Thanh Chương mất trắng tiền, trong đó có giáo viên ở Trường THCS tại xã Thanh Chi mất đến 600 triệu đồng. Trong danh sách những người tham gia đa cấp huy động vốn của Lion Group, thậm chí có cả hiệu phó của một trường tiểu học của Thanh Chương.

Khi phóng viên hỏi về trường hợp trưởng nhóm đa cấp huy động vốn Lion Group tại Thanh Chương đang là nhân viên tại Trường Tiểu học Thanh Thủy, ông Nguyễn Đặng Toàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sẽ làm việc trực tiếp với cô này để xử lý. “Tôi cũng có nghe thông tin nhiều giáo viên trong trường tham gia đa cấp huy động vốn nhưng hỏi thì ai cũng phủ nhận. Trong các cuộc họp, tôi cũng thường xuyên quán triệt là cấm giáo viên tham gia vào đa cấp huy động vốn vì Sở và Phòng cũng đã có văn bản cấm giáo viên tham gia vào cái này”, ông Toàn nói.

Còn theo khuyến cáo của Sở Công Thương Nghệ An, dù với tên gọi nào, với các cách thức hoạt động huy động vốn như Lion Group đều mang tính rủi ro rất cao đối với người đầu tư, nếu như không muốn nói là lừa đảo. Chính vì vậy, người dân cần tránh xa khi được rủ rê, lôi kéo đầu tư vào.

Ngày 1/11, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa nhận được hàng loạt đơn tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến đa cấp huy động vốn tương tự Lion Group. Theo đó, nhiều người dân tố cáo đã bị lừa tiền khi tham gia đầu tư vào các trang như BBONUS.NET; mfcclub.com; mfcclub.net; mfcclub.info; eunex.co của các công ty ở nước ngoài như MBI và BBI.

Mới nhất

x
Đa cấp huy động vốn thời 4.0 'bủa vây' nhiều giáo viên ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO