Ukraine từ chối đàm phán với Nga về việc mua 2 lò phản ứng hạt nhân
(Baonghean.vn) - Ukraine đã bác bỏ việc ký kết văn bản với Nga về việc mua lò phản ứng hạt nhân của Nga ở Bulgaria.
Công ty năng lượng quốc gia Ukraine Energoatom tuyên bố rằng, không có bất kỳ kế hoạch ký tài liệu nào với Nga liên quan đến việc có thể mua lại hai lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất từ Bungaria.
Trước đó, trong chuyến thăm tới Bulgaria gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận với Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov về việc bán 2 lò phản ứng hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân Belene do Nga đang xây dựng dở dang, cho Kiev..
Các lò phản ứng này đã được mua từ Nga cách đây 5 năm, song chính quyền Bulgaria không còn khả năng trang trải chi phí. Vì vậy, Quốc hội nước này đã “bật đèn xanh” cho chính phủ bắt đầu đàm phán với Ukraine. Tuy nhiên, hai đảng thân Nga ở Sofia, Đảng Xã hội và Phục hưng, đã bỏ phiếu phản đối việc bán các lò phản ứng cho Kiev.
Đồng thời, theo Euractiv, đại diện của Ủy ban châu Âu đã xác nhận rằng, việc mua các lò phản ứng trị giá 600 triệu Euro có thể thực hiện với chi phí của Liên minh châu Âu.
Chuyên gia người Ukraine Nikolai Shteinberg, kỹ sư trưởng của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl giai đoạn1986-1987, chia sẻ với ấn phẩm Ukrinform rằng, việc bán các thiết bị và linh kiện lắp đặt hạt nhân cho một nước khác, được xem là đối tượng kiểm soát xuất khẩu đặc biệt. Do đó, phải được cấp phép từ phía nhà sản xuất. Theo luật pháp quốc tế, cần có một thỏa thuận được ký kết ba bên giữa Nga, Bulgaria và Ukraine.
Trái ngược với những lời chia sẻ đó, Công ty Energoatom của Ukraine khẳng định, nước này không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào và không có kế hoạch ký bất kỳ tài liệu nào với Nga.
Theo Energoatom, trong trường hợp đàm phán thành công ở Sofia, một công ty của Mỹ sẽ hỗ trợ đặt các tổ máy. Đồng thời, Ukraine sẽ không phụ thuộc vào Nga trong bất kỳ hoạt động bảo trì nào đối với các thiết bị của lò phản ứng hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Belene gây nhiều tranh cãi kể từ khi dự án được bắt đầu thực hiện vào giữa những năm 1980. Việc xây dựng bị tạm dừng và tiếp tục nhiều lần. Một số chính phủ phương Tây phản đối vì nhà máy có thể phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga.