Đa dạng, linh hoạt hình thức truyền thông dân số

Mỹ Hà 24/05/2024 16:27

(Baonghean.vn) - Truyền thông luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác Dân số và Phát triển. Tại Nghệ An, công tác truyền thông của ngành Dân số được tổ chức đa dạng, linh hoạt, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.


Đa dạng hoạt động truyền thông

30 tuổi đời và ngần ấy năm mang trong mình căn bệnh Thalassemia, nhưng gần đây chị Vi Thị Xuyên - bản Liên Sơn, xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) mới hiểu tường tận về căn bệnh này. Vì hoàn cảnh riêng, chị Xuyên cũng chưa lập gia đình, chưa dám sinh con vì sợ sinh con ra đứa bé sẽ không khỏe mạnh.

Nói thêm về căn bệnh của mình, chị Xuyên cho biết: Tôi mắc bệnh này từ nhỏ nhưng gia đình không biết để đưa tôi đi bệnh viện điều trị. Hiện tại, thỉnh thoảng tôi mới đến bệnh viện vì kinh phí đi lại khó khăn quá. Giá như ngày trước, tôi được tuyên truyền đầy đủ, được tư vấn, chữa trị, thì sức khỏe của tôi có lẽ sẽ cải thiện được nhiều.

Học sinh huyện Con Cuông tuyên truyền về bệnh Tan máu bẩm sinh Thalessemia.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Con Cuông tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh Thalessemia. Ảnh: Mỹ Hà

Chị Vi Thị Xuyên là một trong những người đầu tiên có mặt tại chương trình truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới vừa được Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức tại huyện Con Cuông. Chương trình diễn ra chỉ trong vòng hơn 1 tiếng, nhưng được thực hiện với nhiều nội dung như chiếu phóng sự nói về mối nguy hiểm của bệnh Thalassemia, nghe giới thiệu khái quát về căn bệnh, cách phòng ngừa, điều trị.

Đặc biệt, trong chương trình này, các học sinh đến từ Trường PT DTNT THCS huyện Con Cuông cũng đã có màn thuyết trình với 2 chủ đề “ Tìm hiểu bệnh tan máu bẩm sinh” và “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”.

Để chuẩn bị tốt cho phần trình bày của mình, trước đó các em học sinh đã dành rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu thông tin về bệnh Thalassemia. Ngoài tìm hiểu từ nguồn tài liệu uy tín, các chuyên gia y tế, các học sinh còn tìm đến những người bệnh và gia đình của họ để hiểu sâu hơn về những khó khăn phải đối mặt hàng ngày.

f468f32a196cb932e07d (1).jpg
Các ban, ngành và người dân huyện Con Cuông thực hiện hành động nhằm hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới. Ảnh: Mỹ Hà

Thông qua bài thuyết trình, các học sinh cũng đã gửi đến nhiều thông điệp quý giúp người dân nâng cao nhận thức và thấy được tầm quan trọng của việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng.

Con Cuông vẫn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống người dân còn nghèo. Hiện, trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu như kết hôn cận huyết thống, tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên còn diễn ra khá phổ biến với trung bình mỗi năm có 30-35 trường hợp tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên.

Ngoài ra, thống kê, trên địa bàn huyện có gần 100 trường hợp bị bệnh thiếu máu liên quan đến Thalssemia, chủ yếu là trẻ em ở các xã vùng khó khăn như Môn Sơn, Lục Dạ, Bình Chuẩn, Mậu Đức, Thạch Ngàn… Các bệnh nhân hầu hết độ tuổi còn trẻ, đa phần có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy ít có điều kiện để chữa trị khiến cho tâm lý cũng như sinh hoạt của người bệnh ngày càng mệt mỏi, lo âu, căng thẳng…

Ngoài những người đã mắc bệnh, chúng tôi cho rằng trong cộng đồng còn có rất nhiều người mang gen bệnh nhưng không biết mình mang gen. Điều đó dẫn đến nguy cơ tỷ lệ hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau ngày càng cao và sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng dân số và sự phát triển giống nòi.

Chính vì vậy, việc phòng ngừa tiến tới đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia là hết sức cần thiết và một trong những giải pháp đầu tiên được địa phương chú trọng đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia trong cộng đồng.

ông Phạm Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông

Đổi mới cách tiếp cận

Chương trình truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới là một trong rất nhiều hoạt động truyền thông nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số được ngành Dân số triển khai hàng năm.

Truyền thông về sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường THCS Nghi Thái - Nghi Lộc.jpg
Truyền thông về sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường THCS Nghi Thái - Nghi Lộc. Ảnh: Mỹ Hà

Nếu như trước đây, việc tổ chức chủ yếu dưới hình thức phát động, tuyên truyền thì nay được tổ chức đa dạng và phong phú hơn với sự tham gia của nhiều ban, ngành, nhiều đối tượng và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Song song với đó, các nội dung trong các chương trình truyền thông cũng được tổ chức sinh động theo nhiều hình thức như sân khấu hóa, thuyết trình, nói chuyện, tư vấn.

Tại huyện Quỳ Hợp, với thực tế công tác dân số còn gặp nhiều khó khăn nên huyện đã đẩy mạnh công tác truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau. Bà Nguyễn Thúy Hằng - Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp cho biết: Vào mỗi thời điểm chúng tôi lại đưa ra một chủ đề khác nhau, trong đó tập trung vào công tác truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền về hiệu quả của sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển trong tình hình mới một cách có hiệu quả.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng các đối tượng có tác động nhiều đến chất lượng dân số như vị thành niên, thanh niên; nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, kết hôn; phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh…

Truyền thông về chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh huyện Quỳ Hợp.jpg
Truyền thông về chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh huyện Quỳ Hợp. Ảnh: CSCC

Qua thực tế triển khai các hoạt động truyền thông dân số của Nghệ An trong những năm gần đây cũng cho thấy, việc đa dạng hóa các kênh truyền thông đại chúng được sử dụng khá hiệu quả, đặc biệt là việc sử dụng các hình thức truyền thông hiện đại như tư vấn qua internet, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác. Ngành cũng tăng cường truyền thông trên các trang tin có nhiều người truy cập, các trang tin mà vị thành niên/thanh niên, nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ưa thích và quan tâm.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Trưởng phòng Truyền thông Dân số - Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: Hiện nay, Nghệ An là địa phương trong cả nước đi đầu trong công tác truyền thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến nhiều đối tượng.

Như trong năm 2023, chúng tôi đã tổ chức hơn 110 buổi truyền thông tư vấn cộng đồng với nhiều nội dung khác nhau như sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tuyên truyền cho người cao tuổi, phụ nữ. Bên cạnh đó, các đơn vị từ tỉnh xuống cơ sở cũng đã đẩy mạnh truyền thông trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok,... và xem đây trở thành kênh thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, hiệu quả của ngành về chính sách và các hoạt động dân số, y tế. Đây cũng là kênh có khả năng tương tác, lan tỏa đến đông đảo người dân.

Truyền thông về sử dụng các phương tiện tránh thai nhằm thực hiện kế hoạch hóa gia đình (1).jpg
Truyền thông về sử dụng các phương tiện tránh thai nhằm thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Mỹ Hà

Về lâu dài, xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nên hiện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên. Qua đó, nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện chính sách dân số, giảm sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên và nâng cao chất lượng dân số.

So với cả nước, công tác dân số ở Nghệ An còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển có chất lượng, đổi mới về nội dung và hình thức. Bên cạnh đó, cung cấp trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về dân số và phát triển, ưu tiên tuyến cơ sở và những vùng có mức sinh cao.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành cũng cần tích cực tham gia truyền thông về dân số và phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về dân số và phát triển.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Đa dạng, linh hoạt hình thức truyền thông dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO