Pháp luật

Đã rõ kết quả ô nhiễm nguồn nước khe Sào ở huyện Nghĩa Đàn

Tiến Đông 01/08/2024 15:54

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa vừa có kết quả kiểm tra, xác minh thông tin về trang trại lợn gây ô nhiễm nguồn nước khe Sào (Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn), trong đó có nhiều chỉ số vượt ngưỡng an toàn. Kết quả này không bất ngờ, khi trước đó, người dân đã tố đích danh trại lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt là nguồn cơn gây ra ô nhiễm.

Mẫu nước phân tích có chất lượng rất xấu

Ngày 14/7/2024, Báo Nghệ An đã có bài ""Quả bom bẩn" khổng lồ treo lơ lửng đầu nguồn nước khe Sào", phản ánh việc người dân làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn), khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ hiện tượng cá chết hàng loạt trên khe Sào - một con khe chảy từ vùng núi giáp ranh giữa làng Lâm Sinh và xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Người dân còn tố đích danh trại lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, đóng ngay vùng đồi núi giáp ranh này là thủ phạm.

Trang trại chăn nuôi của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt đóng ngay vùng giáp ranh, nơi đầu nguồn khe Sào. Ảnh: Nguyễn Đạo
Trang trại chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt đóng ngay vùng giáp ranh, nơi đầu nguồn khe Sào. Ảnh: Nguyễn Đạo

Thậm chí, vào ngày 4/7/2024, rất đông người dân xã Nghĩa Yên đã kéo sang cổng trang trại chăn nuôi này để phản đối và yêu cầu chấm dứt việc xả thải gây ô nhiễm môi trường. Điều này đã buộc các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phải vào cuộc kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm sau đó 1 ngày.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thời điểm kiểm tra, trang trại này đang nuôi 1.200 lợn nái, 12.000 lợn thịt (12 chuồng nuôi lợn thịt, 6 chuồng nuôi lợn nái); đã đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 450m3/ngày đêm, hệ thống đang vận hành, hoạt động bình thường. Kiểm tra hồ chứa nước sau xử lý cho thấy, hồ không được lót bạt, gia cố thành đáy đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải ra môi trường (khe Sào); kiểm tra các khu xử lý môi trường khác cho thấy, đã bố trí khu chứa phân, khu tập kết chất thải rắn, lò đốt hủy xác lợn chết, nhau thai lợn, đã lắp dựng lưới chắn mùi hôi sau các dãy chuồng nuôi. Tuy nhiên, không lắp đặt đường ống PVC D110 để xả nước thải sau xử lý ra môi trường theo Giấy phép môi trường được cấp.

bna_36(1).jpg
Hồ chứa nước thải sau xử lý của trang trại có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối. Ảnh: Tiến Đông

Cơ quan chức năng đi khảo sát thực tế một số vị trí trên tuyến khe Sào tại xã Nghĩa Yên cho thấy, nước có màu màu cánh gián, bề mặt nước có váng, một số vị trí có vài xác cá bị chết. Nhưng khi khảo sát suối Tổng Kho tại xã Bãi Trành, phía trên khe Sào cho thấy, nước có màu trong, không phát hiện xác cá bị chết.

"Hiện nay, khe Sào đang rất ít nước, chỉ tồn đọng ở các hố trũng, gần như không có dòng chảy; phía thượng nguồn khe Sào (khoảng 3 km) không có các hoạt động sản xuất công nghiệp, không có nguồn nước thải vào khe Sào ngoài nước thải sinh hoạt của một số hộ dân và nước thải từ hoạt động chăn nuôi trang trại của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt", báo cáo nêu rõ.

Người dân địa phương dẫn phóng viên đến tận nơi phát sinh nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: Tiến Đông
Kết quả quan trắc mẫu nước tại hồ chứa nước thải này có những chỉ số vượt ngưỡng cho phép nhiều lần và chất lượng nước cực xấu. Ảnh: Tiến Đông

Điều đặc biệt là tại buổi kiểm tra ngày 5/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã lấy 2 mẫu nước thải của trang trại (mẫu nước thải sau xử lý tại cửa xả ra hồ chứa và mẫu nước thải tại hồ chứa nước thải); và 4 mẫu nước mặt (2 mẫu tại khe Sào; 1 mẫu nước tại suối Tổng Kho - đoạn trước khi chảy qua khu vực trang trại; 1 mẫu nước tại khe nước từ phía trang trại chảy vào suối Tổng Kho).

Hồ chứa nước thải nằm ngay phía trên khe Sào. Ảnh: Nguyễn
Hồ chứa nước thải sau xử lý. Ảnh: Nguyễn Đạo

Kết quả phân tích sau đó cho thấy, mẫu nước thải tại hồ chứa nước thải có chỉ số COD vượt 1,3 lần; BOD5 vượt 1,68 lần; Coliform vượt 7 lần. Kết quả phân tích 4 mẫu nước mặt so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì 2 mẫu lấy ở khe Sào và 1 mẫu lấy tại khe nước từ phía trang trại chảy vào suối Tổng Kho có chỉ số BOD5 ở mức D; chỉ số COD, chỉ số P, chỉ số tổng N trong 2 mẫu lấy ở khe Sào và khe nước từ phía trang trại chảy vào suối Tổng Kho đều ở mức D...

Đáng nói là theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì chỉ số ở mức D là đồng nghĩa với việc nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao. Nước có thể được sử dụng cho các mục đích giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp. Trong khi đó, khe Sào (hay còn gọi là khe Ang, khe Lâm Sinh) là một trong những dòng chính của con sông Sào, cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, của huyện Nghĩa Đàn.

Cách đây ít ngày, nước trên khe Sào bốc mùi hôi thối nồng nặc, cá chết, nổi đầy khe. Tình trạng này khiến người dân làng Lâm Sinh hết sức bức xúc. Ảnh: CSCC
Hình ảnh cá chết gây bức xúc cho người dân địa phương. Ảnh: CSCC

Hiểm họa lơ lửng

Từ những kết quả phân tích mẫu nước, ngày 17/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã có Báo cáo số 6402/STNMT-BVMT khẳng định, nước thải sau xử lý của trang trại lợn thuộc Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt thải ra hồ chứa sau một thời gian bị tái ô nhiễm do tù đọng lâu ngày và do yếu tố tác động của điều kiện thời tiết (nắng nóng kéo dài) dẫn đến làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong nước. Do hồ chứa nước không được lót bạt thành đáy đảm bảo chống thấm dẫn đến nước rò rỉ, thẩm thấu ra khe Sào. Như vậy, việc phản ánh của người dân, chính quyền các địa phương huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa về hoạt động nuôi lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm môi trường nước khe Sào là có cơ sở.

Giữa trời nắng, hồ chứa nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Nguyễn Đạo
Người dân làng Lâm Sinh bức xúc bên hồ chứa nước thải ô nhiễm môi trường nằm ngay đầu nguồn khe Sào. Ảnh: Tiến Đông

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cũng kết luận, kết quả phân tích mẫu nước suối Tổng Kho đoạn trước khi đi qua trang trại có chất lượng tốt, nước khe Sào và khe nước từ trang trại chảy ra suối Tổng Kho có chất lượng xấu, nhiều chỉ số ô nhiễm về hữu cơ và dinh dưỡng ở mức cao, không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu sử dụng nguồn nước này, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước.

Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt do đã có các hành vi vi phạm: Xả nước thải (thông qua việc thẩm thấu từ ao chứa nước thải ra ngoài môi trường) có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; Thực hiện không đúng một trong các nội dung của Giấy phép môi trường đã được cấp, với tổng số tiền xử phạt hơn 120,3 triệu đồng.

Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt bơm hút toàn bộ nước sau xử lý tại hồ chứa nước về hệ thống xử lý nước thải để xử lý lại, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam; gia cố thành đáy hồ chứa nước đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải có chứa thông số ô nhiễm ra khe Sào, thời gian hoàn thành trước ngày 5/8/2024; lắp đặt đường ống, biển báo, chỉ dẫn điểm xả nước thải từ trang trại ra suối Tổng Kho theo đúng tọa độ Giấy phép môi trường được cấp; lắp đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải ra môi trường, đo nước tuần hoàn cho tưới cây, nước tái sử dụng cho các mục đích khác; lắp công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải, ghi chép đầy đủ thông tin nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải...

Tại vùng giáp ranh này, từ trên cao, dễ dàng nhận thấy một cụm trang trại rất đồ sộ, với nhiều chuồng trại chăn nuôi, bao bọc xung quanh là những mảng đồi keo bạt ngàn. Đây là cụm trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt, thuộc thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Đạo
Hồ xử lý nước thải này được yêu cầu hút sạch và gia cố lại. Ảnh: Nguyễn Đạo

Phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn thông tin đến người dân trên địa bàn được biết về kết quả kiểm tra, xử lý, giải quyết phản ánh của cơ quan có chức năng tỉnh Thanh Hóa đối với trang trại Bãi Trành của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt; tiếp tục nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, dư luận trong nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn các hành vi quá khích, đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình để kích động nhân dân tụ tập đông người, cản trở thực hiện dự án.

Ngay sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có Báo cáo số 6402, ngày 24/7/2024, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã có Thông báo số 1268/UBND-TNMT thông báo kết quả kiểm tra, xử lý những kiến nghị của nhân dân làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên.

Ông Trần Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng, việc các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan, trong đó mời cả người dân làng Lâm Sinh, UBND xã Nghĩa Yên và UBND huyện Nghĩa Đàn cùng tham gia trong việc kiểm tra thực địa, lấy mẫu quan trắc cho thấy sự trách nhiệm và quyết liệt trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, huyện cũng đã thông tin kết quả xử lý để người dân được biết và giao cho UBND xã Nghĩa Yên thực hiện quản lý Nhà nước lĩnh vực môi trường theo quy định hiện hành. Trước mắt là giám sát việc xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm mà cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra

Ông Trần Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn

Mới nhất
x
x
Đã rõ kết quả ô nhiễm nguồn nước khe Sào ở huyện Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO